Như Tuổi Trẻ Online thông tin, nhiều trường đại học vừa công bố điểm xét tuyển, điểm chuẩn phương thức xét học bạ THPT năm 2024 ở mức khá thấp.
Một trường đại học ở Bình Dương công bố điểm chuẩn xét tuyển học bạ THPT năm 2024 từ 15 - 22 điểm, ngoại trừ khối ngành sức khỏe.
Như vậy thí sinh chỉ cần có điểm học bạ THPT từ 5 điểm đã trúng tuyển trường đại học này. Điểm xét tuyển này đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng nếu có. Với thí sinh có điểm ưu tiên, thực tế điểm học bạ thấp hơn 5 điểm/môn cũng trúng tuyển đại học.
Sao thời nay đậu đại học dễ thế!
Đó là nỗi ngỡ ngàng của nhiều bạn đọc trước tình trạng "phổ cập đại học" hiện nay.
Độc giả Nguyen Nghia bình luận: "Tuyển sinh đại học thế này chẳng khác nào "phổ cập đại học". Bảo sao ra trường thất nghiệp nhiều quá". "Thời nay vào đại học dễ ợt", tài khoản Thanh Ngoc77 ngán ngẩm.
Theo bạn đọc Chu Hồng Nam: "Để vào học đại học trong mấy năm nay không khó. Các trường tuyển sinh theo kiểu vơ bèo vạt tép, nên chất lượng giảm đáng kể so với trước đây".
Bạn đọc Lê Văn Vinh cho biết: "Nhiều giáo viên THPT giờ không còn hứng thú. Đến lớp học sinh đâu cần học, bởi kiểu gì cũng vào đại học. Cuối năm lớp 12 em nào cũng khá, giỏi cả!".
Độc giả Minh Khang bình luận: "Đây là một sự lãng phí nguồn lực, tiền bạc vô cùng lớn khi chất lượng giáo dục ngày càng đi xuống".
Cùng quan điểm, bạn đọc Nam có ý kiến: "Dường như đã phổ cập giáo dục đại học đến mọi học sinh, đồng nghĩa bằng đại học bây giờ cũng như tốt nghiệp phổ thông.
Chính sự cổ súy giá trị ảo này - bằng đại học - tạo nên một thế hệ tốt nghiệp đại học nhưng chỉ có thể chạy xe ôm, xuất khẩu lao động. Những mảng cần thợ chuyên môn cao thì thiếu, do không ai muốn cầm bằng thợ".
Bạn đọc Tien Tran cho rằng: "Chớ nên nhìn vào học bạ mà xem thường những người có học lực trung bình. Bạn bè tôi có nhiều người học lực khá giỏi vào học đại học tốp trên nhưng giờ chỉ làm công ăn lương 7-10 triệu đồng/tháng.
Trong khi nhiều người học lực trung bình thì giờ làm chủ doanh nghiệp nhỏ rất thành công. Các trường đại học cả công và tư nên trao cơ hội bình đẳng cho tất cả học sinh, kể cả học sinh có học lưc trung bình (ngoại trừ ngành y dược)".
Tranh luận lại, bạn đọc Anh Nhân viết: "Ai cũng có quyền đi học nhưng học chất lượng như thế nào thì chỉ có người học được biết. Vào đại học rồi có học được không thì chưa biết vì học yếu quá đâu theo nổi. Để vào được trường đại học tốp đầu thì cũng phải học giỏi mới đậu được".
Rộng cửa vào, hẹp cửa ra, được không?
Để tránh "mất giá" sinh viên đại học, nhiều bạn đọc đề xuất các giải pháp cụ thể.
Theo tài khoản Miền Tây, "cần bỏ ngay phương thức xét tuyển đại học bằng học bạ. Nó tạo thêm tiêu cực trong các trường phổ thông và gây ra bất bình đẳng giữa các thí sinh với nhau".
"Rộng cửa vào thì nên hẹp cửa ra... Phải siết lại chất lượng đào tạo, không thể để tình trạng "mang bầu thì phải sinh, không sinh thường thì sinh mổ"...", bạn đọc Tích Thiện ví von.
Còn bạn đọc Thành đề xuất: "Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quy định lại điểm sàn, tránh chuyện nhiều trường đại học lấy điểm quá thấp để rồi sinh viên đó ra trường không có chất lượng, khó tìm được việc làm. Chi bằng những học sinh có điểm thấp sẽ vào học cao đẳng hoặc trường nghề thì tốt hơn".
Đồng tình, tài khoản ABC cho rằng: "Có bằng đại học cũng chưa chắc tìm được việc tốt. Nên học nghề tìm việc trước, đi làm rồi thấy cần thiết phải học đại học thì học cũng chưa muộn".
Góp thêm ý kiến, bạn đọc Dinh Lê bình luận: "Có cầu ắt có cung. Mọi thứ theo thị trường là đúng, chỉ có điều các con cần được giải thích và hướng nghiệp cho tốt. Cái này gia đình rất quan trọng với các con".
"Phụ huynh nên sáng suốt, mất thời gian, mất tiền mà con em mình chẳng được gì", độc giả Nguyễn Điệp nhắn nhủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận