12/02/2023 13:56 GMT+7

Hoạt động cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ bị cản trở vì bạo lực

Số người chết do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên tới 28.000 người, nhưng các nỗ lực cứu hộ người sống sót đang bị cản trở vì tình trạng bạo lực của một số nhóm không rõ danh tính thực hiện.

Hoạt động cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ bị cản trở vì bạo lực - Ảnh 1.

Nhân viên cứu hộ trấn an một người đàn ông trong cơn xúc động ở tỉnh Hatay, ngày 11-2 - Ảnh: REUTERS

An ninh sẽ xấu hơn khi khan hiếm lương thực, nước

Theo Đài BBC, lực lượng cứu hộ Đức và Áo đã tạm dừng các hoạt động tìm kiếm trong ngày 11-2 vì lý do xảy ra giao tranh giữa các nhóm không xác định.

Người phát ngôn của đội cứu hộ thuộc quân đội Áo cho biết xung đột giữa các nhóm ở tỉnh Hatay đã buộc hàng chục nhân viên của Đơn vị cứu trợ thảm họa Áo phải tìm nơi trú ẩn trong một trại căn cứ với các tổ chức quốc tế khác.

"Có sự gia tăng gây hấn giữa các phe phái ở Thổ Nhĩ Kỳ. Việc chạy đua với thời gian để cứu sống người bị nạn giờ đây đi đôi với rủi ro an toàn".

Bộ Quốc phòng Áo cho biết nước này đã nối lại hoạt động cứu hộ sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp để bảo vệ an toàn cho lực lượng cứu hộ.

Đội tìm kiếm và cứu hộ Isar và Cơ quan Cứu trợ kỹ thuật Liên bang Đức (TSW) cũng ngừng hoạt động cứu hộ vì lý do an ninh.

Người phát ngôn của Isar, Stefan Heine cho biết: "Ngày càng có nhiều báo cáo về các vụ đụng độ giữa các phe phái khác nhau, các vụ nổ súng cũng đã xảy ra".

Steven Bayer, giám đốc điều hành của Isar, cho biết ông dự đoán tình hình an ninh sẽ xấu đi khi nguồn cung cấp thực phẩm và nước khan hiếm hơn.

Ông cho biết thêm: "Chúng tôi đang theo dõi diễn biến của tình hình an ninh rất chặt chẽ". Các đội cứu hộ của Đức cho biết họ sẽ tiếp tục công việc ngay khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận tình hình đã an toàn, Reuters đưa tin.

Tổng số người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria do trận động đất hiện đã vượt mốc 28.000 người.

Ngày 11-2, truyền thông nhà nước đưa tin có 48 người đã bị bắt vì tội cướp bóc, một số khẩu súng bị thu giữ cùng với tiền mặt, đồ trang sức và thẻ ngân hàng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdoğan, chưa lên tiếng về tình trạng bất ổn được báo cáo ở Hatay, nhưng khẳng định chính phủ sẽ có hành động chống lại những kẻ dính đến tội ác trong khu vực.

Ông Erdoğan cho biết: "Chúng tôi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Điều đó có nghĩa là, kể từ bây giờ, những ai dính líu đến cướp bóc hoặc phạm tội nên biết rằng có bàn tay sắt của nhà nước sẽ bắt họ".

Anh Mehmet Bok, 26 tuổi, đang tìm đồng nghiệp ở một tòa nhà bị sập ở Antakya, nói với Reuters: "Người ta đập vỡ cửa sổ, hàng rào của các cửa hàng và xe ô tô".

Chị Aylin Kabasakal, một cư dân ở Hatay, nói với AFP: "Chúng tôi phải canh chừng nhà, xe của mình. Kẻ cướp bóc đang cướp phá tài sản của chúng tôi. Không còn gì để nói về tình cảnh này. 

Thật không may. Chúng tôi bị phá hủy, chúng tôi run sợ. Những gì chúng tôi đã trải qua là một cơn ác mộng. Các nhà chức trách cần bảo vệ nhà cửa cho chúng tôi".

Các đội cứu hộ khắp thế giới hướng về Thổ Nhĩ Kỳ, SyriaCác đội cứu hộ khắp thế giới hướng về Thổ Nhĩ Kỳ, Syria

Lực lượng cứu hộ từ khắp nơi trên thế giới đang đổ về Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để tham gia cứu hộ sau trận động đất đến nay đã khiến ít nhất 15.000 người thiệt mạng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp