Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất bên trong nhà máy Dongfeng Honda ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc. Ảnh: chinadaily.com.cn
Các nhà máy ở châu Á đã gặp khó khăn trong tháng Bảy do chi phí đầu vào gia tăng và một làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới đã lấn át nhu cầu cao trên toàn cầu, từ đó cho thấy sự phục hồi của khu vực này vẫn còn rất mong manh.
Hoạt động chế tạo đã gia tăng tại các nước xuất khẩu mạnh như Nhật Bản và Hàn Quốc, dù các công ty đang chịu chi phí tăng do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt nguyên vật liệu thô.
Chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) của Nhật Bản do Ngân hàng Jibun Bank công bố đã tăng từ 52,4 điểm trong tháng Sáu lên 53 điểm trong tháng Bảy, dù giá đầu vào ghi nhận mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2008.
Nhật Bản cũng đang đối mặt với sự gia tăng mạnh trong số ca mắc COVID-19 do biến thể Delta, buộc chính phủ nước này phải mở rộng các biện pháp hạn chế trong tình trạng khẩn cấp ra nhiều nơi hơn đến hết ngày 31/8. Tình hình này đã dập tắt hy vọng về sự phục hồi mạnh mẽ trong tăng trưởng kinh tế quý 3 của 'đất nước Mặt Trời mọc'.
Trong khi đó, chỉ số PMI của Hàn Quốc ở mức 53 điểm trong tháng Bảy, đánh dấu tháng thứ 10 liên tiếp chỉ số này ở trên ngưỡng 50 điểm, cho thấy sự gia tăng trong hoạt động chế tạo. Nhưng chỉ số phụ về giá đầu vào lại ghi nhận mức tăng cao thứ hai từ trước đến nay, cho thấy áp lực từ chi phí nguyên vật liệu thô mà các công ty đang phải chịu.
Ngược lại, đà tăng trong hoạt động chế tạo của Trung Quốc lại chậm lại đáng kể trong tháng Bảy, khi nhu cầu lần đầu tiên suy giảm trong hơn một năm qua. Chỉ số PMI của Trung Quốc do Caixin/Markit công bố đã giảm từ 51,3 điểm trong tháng Sáu xuống còn 50,3 điểm trong tháng Bảy, mức thấp nhất trong 15 tháng qua, khi chi phí gia tăng đã phủ bóng lên triển vọng của 'công xưởng thế giới'.
Tại Đông Nam Á, hoạt động chế tạo ở Indonesia và Malaysia cũng suy giảm trong tháng Bảy do số ca mắc COVID-19 gia tăng trở lại và các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn để phòng dịch được ban hành.
Các cuộc khảo sát về hoạt động chế tạo nói trên đã cho thấy sự chênh lệch trong tốc độ phục hồi trên khắp nền kinh tế toàn cầu. Đây cũng là lý do khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay của khu vực châu Á mới nổi.
Đã từng được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á giờ đây lại đang đứng sau các nền kinh tế phát triển về đà phục hồi từ tác động của đại dịch, khi những chậm trễ trong tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu trong nước và các quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận