Phóng to |
TS Trần Đức Anh Sơn, phó viện trưởng Viện Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, giới thiệu các bản đồ tại triển lãm - Ảnh: Hữu Khá |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Công Ngữ - chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa - xúc động: “38 năm đã trôi qua, trong không khí của những ngày lễ hội tháng tư, mừng độc lập, thống nhất đất nước, nhưng chúng tôi mong muốn chia sẻ đến quý vị một không gian lịch sử, một vùng chủ quyền thiêng liêng, nơi đó tất cả mọi người Việt Nam đều phải nhớ đến, bởi hòa bình đã được lập lại nhưng chủ quyền chưa trọn vẹn, non sông chưa thâu về một mối, Hoàng Sa chưa về với đất mẹ Việt Nam”. Ông Ngữ nói tiếp: “Công lý không ở đâu khác ngoài sự thật. Như quý vị đã biết, Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ đã được tổ tiên của người Việt bao đời và nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ khai phá, xác lập chủ quyền từ trước thế kỷ 17 và duy trì quyền chủ quyền một cách liên tục, hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Thế nhưng, nhà nước Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép và liên tục đưa ra các tuyên bố chủ quyền phi pháp”.
Triển lãm đã minh chứng cho sự thật ấy với 30 bản đồ được xuất bản ở các nước Anh, Đức, Úc, Canada, Hoa Kỳ và lãnh thổ Hong Kong trong khoảng thời gian từ năm 1626 đến 1980. Những tấm bản đồ này xác nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam và cho thấy lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày ba tập atlas, gồm: Trung Quốc địa đồ 1908, Trung Hoa bưu chính dư đồ 1933 và Trung Hoa bưu chính dư đồ 1919 do Trung Quốc xuất bản và do ông Trần Thắng (Việt kiều Mỹ) tặng UBND huyện Hoàng Sa. Ba tập atlas địa lý trên gồm ba thứ tiếng là Anh, Pháp, Trung Quốc đều ghi nhận cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam; khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh hải Việt Nam.
Đặc biệt tại cuộc triển lãm này có phần tư liệu quý giá là đề tài khoa học: “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tài liệu lưu trữ của chính quyền Việt Nam cộng hòa giai đoạn 1954-1975” (Tuổi Trẻ ngày 5-4). Đây là lần đầu tiên một đề tài nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn trong cả nước đặt vấn đề nghiên cứu về Hoàng Sa từ các nguồn tài liệu lưu trữ của chính quyền Việt Nam cộng hòa. Tất cả các trang tư liệu này đều là bản gốc, độc bản có giá trị thuyết phục cao. Do vậy, mỗi trang tư liệu được xem như một hiện vật lịch sử, làm cơ sở bằng chứng cho việc chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Triển lãm kéo dài đến ngày 15-5.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận