Phóng to |
Quân đội Sài Gòn phòng thủ tại Hoàng Sa trước năm 1974 - Ảnh tư liệu |
Kỳ 1:
Năm ấy tôi 19 tuổi. Chúng tôi lên tàu ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Khoảng 16g chiều hôm trước - tàu chạy luôn đêm, đến Hoàng Sa vào 6-7 giờ sáng hôm sau. Những người lên đảo đợt đó có lẽ tôi là người trẻ nhất. Có mặt ở nơi đây, tôi nhớ mãi đó là đợt 45.
Tôi ra đảo để đổi cho đợt 44 đã hết nhiệm vụ. Người đầu tiên tôi gặp là anh Tạ Song - y tá của đợt 44. Cũng như bao người khác mỗi lần công tác là ba tháng, nhưng có đợt hơn thế nữa vì biển động mạnh tàu không ra được để đổi. Tôi ra đảo với nhiệm vụ là y tá, chữa và cấp thuốc cho anh em gặp phải những chứng bệnh thông thường, còn bệnh nặng báo với đảo trưởng xin tàu chở về đất liền.
Phải nói rằng được công tác tại quần đảo Hoàng Sa là một vinh dự lớn đối với những người lính chúng tôi. Song cũng có ít nhiều lo lắng và băn khoăn. Không biết đến Hoàng Sa sẽ ra sao? Vì Hoàng Sa cách đất liền hàng trăm cây số mênh mông biển nước và ở đó những ba tháng.
Tàu đến quần đảo Hoàng Sa hạ neo ngoài khơi. Chúng tôi di chuyển vào đảo bằng thuyền cao su (bơm hơi) có gắn máy nổ. Khi thuyền cao su cập bến, đặt chân lên cầu tàu để đi vào đảo, tôi thật sững sờ khi thấy đường vào đảo hai bên san hô chất cao hơn đầu người, cộng vào đó dây leo bao che kín như vào một hang động. Tôi đứng lặng hồi lâu. Đến khi anh Tạ Song hỏi: ai là y tá đi theo tôi nhận bàn giao? Lúc ấy tôi mới lần bước theo anh.
Ngày đầu tiên sống trên đảo thấy thời gian trôi thật chậm. Nhớ gia đình, nhớ bạn bè, đất liền lắm vì hồi đó tôi quá trẻ. Sau thời gian ngắn cuộc sống vui vẻ và thoải mái hơn vì quen rồi.
Mỗi buổi sáng chúng tôi dậy rất sớm, rủ nhau đi tập thể dục. Nói cho oai vậy thôi chứ tập gì. Đi bộ quanh đảo để tìm những chiếc phao thủy tinh mà tàu đánh cá nước ngoài bị đứt trôi dạt vào đảo. Chúng tôi hay gọi là trái bóng, lấy cất sau này đem về đất liền cắt ra làm chậu nuôi cá cảnh. Hoặc tìm đường đi của mấy chú vích (rùa biển) để đêm lấy trứng về cải thiện bữa ăn.
Phóng to |
Bia chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa trước năm 1974 - Ảnh tư liệu |
Anh Hai Song về đất liền có để lại cho tôi một ít dụng cụ câu cá. Ban đêm thì câu ở cầu tàu, ban ngày lội ra bãi san hô câu. Với đồ nghề câu anh Hai Song để lại, tôi đã câu được con cá khế khoảng 15kg. Cá, ốc ở Hoàng Sa rất nhiều.
Hoàng Sa không có núi nên cây cối cũng không lớn lắm. Ngoài dừa, dương liễu, nhãn thì chẳng có cây nào lớn hơn thế. Vậy mà không nắng nóng lắm, chắc nhờ gió biển. Cũng ở đợt này năm ấy có cơn bão lớn đi ngang qua đảo, biển động mạnh, sóng cao như mái nhà.
Sau hai lần công tác ở đảo, điều mà tôi không quên được đó là hai lần công tác tôi đều gặp được ông Võ Vĩnh Hiệp - ông là người của nha khí tượng Sài Gòn đưa ra để làm công tác khí tượng. Ông là người bị dị tật bẩm sinh cả tay và chân, thế mà ông chơi rất hay nhiều loại đàn.
Ông đã dạy đàn cho tôi hai đợt như vậy. Sau khi bị Trung Quốc bắt ông được trao trả sau năm ngày, tôi đã nhờ ông báo tin cho gia đình tôi là tôi vẫn còn sống và bị giam giữ tại Trung Quốc.
Nếu như thống kê thì ông Hiệp đã sống và làm việc tại Hoàng Sa hơn 30 lần.
Phóng to |
Khu đồn trú của lính địa phương quân VN trên đảo Hoàng Sa (ảnh chụp năm 1959) - Ảnh tư liệu |
Lần thứ hai tôi được ra đảo khoảng tháng 10-1973. Đợt ấy là đợt 54. Lần đi này tôi đã có kinh nghiệm hơn vì đã sống ở đây ba tháng rồi. Nên cuộc sống vui vẻ thoải mái hơn nhiều. Lẽ ra sau đợt công tác này tôi về sẽ cưới vợ, còn khoảng một tuần nữa là về thì bị Trung Quốc đem tàu chiến, binh lính đến chiếm đảo. Lúc ấy có cả đoàn giám sát thiết lập phi trường trên đảo bị kẹt lại, trong đó có một người Mỹ.
Mặc dù chúng tôi đã phân chia nhiệm vụ chiến đấu và giữ lấy đảo vì đảo là chủ quyền của chúng ta. Nhưng lính Trung Quốc đông quá cùng tàu chiến nhiều. Cuối cùng họ cũng chiếm được Hoàng Sa.
Tôi cùng 32 người khác bị bắt về đảo Hải Nam. Sang tàu khác thì có thêm 21 người lính hải quân bị bắt ở đảo khác. Họ đưa chúng tôi về cảng Quảng Châu, Trung Quốc, sau đó đưa chúng tôi về trại thu dung tù binh ở Quảng Châu bằng ôtô.
Ở đây khoảng một tháng, chúng tôi được trao trả cho Hồng thập tự quốc tế ở biên giới Thâm Quyến và Hong Kong. Và Hồng Thập tự quốc tế giao trả chúng tôi cho chính quyền Sài Gòn.
Lâu quá rồi tôi cũng không còn nhớ nhiều về Hoàng Sa, về quang cảnh trên đảo. Nhưng ngôi nhà nguyện, miễu Bà, cầu tàu, giếng nước... luôn ở trong tôi. Và đặc biệt là khu nghĩa trang với khoảng 50-60 ngôi mộ của những người đã sống và bảo vệ đảo, bảo vệ chủ quyền cho đất nước.
Mới đó mà đã gần 40 năm - từ ngày chúng tôi bị bắt đến nay - không có người VN nào được đặt chân lên đảo Hoàng Sa nữa. Nghĩ mà thấy nghẹn ngào...
____________________
Trong số báo tới, bạn sẽ nghe hồi ức của một chuyên viên xây dựng - người sửa chữa và xây thêm các bể ngầm chứa nước ở Hoàng Sa.
Rồi ông trở thành tù binh khi tham gia khảo sát thực địa để làm sân bay tại đây.
Kỳ tới: Những ngày tháng không bao giờ quên
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận