Trong xe của Hoàng "Lò Xo" luôn có sẵn đồ nghề cứu nạn - Ảnh: TH.BA
Địa hình đèo Lò Xo hết sức phức tạp với các khúc cua ngoằn ngoèo. Nếu tai nạn xảy ra sẽ rất khó khăn trong công tác cứu hộ. May mắn trong những năm gần đây, đơn vị chúng tôi nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ phía anh Hoàng. Bất kể ngày hay đêm, cứ có tai nạn ở địa phận đèo Lò Xo là anh em của trạm đều nghĩ ngay đến Hoàng và cậu ấy sẵn sàng có mặt 24/24 giờ
Thiếu tá Hoàng Anh Tâm (trưởng trạm CSGT Ngọc Hồi, Phòng CSGT Công an tỉnh Kon Tum)
Bảy năm qua, con đèo được mệnh danh "tử thần" này đã ghi dấu những cống hiến thầm lặng của chàng trai Đinh Văn Hoàng (31 tuổi, làng Măng Khênh, xã Đắk Man, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum).
Có tai nạn cứ alô Hoàng "Lò Xo"
22h một ngày cuối tháng 6-2010, tại cây cầu Đôi trên đèo Lò Xo xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Xe tải vận chuyển bột mì đang bẻ khúc cua lên cầu thì bất ngờ tài xế bị lạc tay lái. Mất phương hướng, chiếc xe lao thẳng xuống vực cách mặt đường 5m.
15 phút sau, một thanh niên chở theo nữ y tá tiếp cận hiện trường. Không chút chần chừ, cậu ta buông mình trượt dài xuống vị trí phát ra tiếng cầu cứu khẩn thiết của người bị nạn. Rất nhanh chóng, tài xế và phụ xe tải chở mì được dìu lên khỏi vực và thoát chết trong gang tấc.
Thanh niên ấy không ai khác hơn Đinh Văn Hoàng. "Nữ y tá đã sơ cứu cho hai người gặp nạn là chị gái tôi. Tối đó, chị trực ở trạm và nhận được thông tin trên cầu Đôi vừa có xe lật. Tôi tức tốc chở chị ra và cả hai chị em cùng phối hợp cứu người bị nạn giữa đêm tối.
Đó là lần đầu tiên tôi tham gia cứu hộ. Cảm giác giúp người khác giành giật lại sự sống trước lưỡi hái tử thần quả thực rất đỗi hạnh phúc" - Hoàng bồi hồi kể.
Niềm hạnh phúc ấy đã khơi nguồn cho chuỗi tháng ngày Hoàng dốc công cứu người gặp nạn. Để rồi sau đó, một vụ, hai vụ..., hết thảy tai nạn lớn nhỏ diễn ra trên cung đường đèo dài 27km uốn lượn thành những đường cong chẳng khác nào lò xo đều có Hoàng góp mặt.
Sở dĩ Hoàng không bỏ sót bất kỳ vụ tai nạn nào cũng bởi số điện thoại cá nhân của anh được cánh tài xế rỉ tai nhau, thậm chí ghi chú trên các vách đá xuyên suốt tuyến quốc lộ 14 (đoạn qua đèo Lò Xo). Người qua kẻ lại trên đèo thường nhắc nhau: "Đèo có tai nạn, alô Hoàng Lò Xo". Biệt danh Hoàng "Lò Xo" cũng từ đó mà ra.
Thủ lĩnh nhóm cứu nạn
Hơn một năm trở lại đây, ngôi nhà tọa lạc ngay đỉnh đèo Lò Xo của Hoàng trở thành địa chỉ đặc biệt. Nó vừa là chỗ cả gia đình tránh nắng che mưa, vừa là cơ sở hành nghề sửa xe kiếm cơm của Hoàng.
Và cũng tại đây, một nhóm người vì cảm kích trước hành động nghĩa hiệp của Hoàng "Lò Xo" đã thường xuyên lui tới làm trợ thủ cho Hoàng trong các chuyến cứu hộ.
Sau một đêm tham gia cứu nạn, ông A Nhọa (nguyên trưởng thôn Măng Khênh) đã quyết định theo Hoàng. "Đó là vụ tai nạn xảy ra vào độ cuối năm 2016 thuộc địa bàn thôn Đông Lốc. Tài xế và phụ xe tải vận chuyển ximăng bị lan can trên đèo đâm vào nách với vết thương rất nặng.
Tôi, Hoàng và một số anh em khác đưa họ đi bệnh viện. Rất vui khi lần đó cả hai tai qua nạn khỏi. Từ đó, bất kỳ khi nào trên đèo xảy ra tai nạn, tôi cũng đồng hành với Hoàng" - ông Nhọa nói.
Không riêng gì ông Nhọa, hiện nay "đội quân" chuyên cứu hộ trên đèo Lò Xo đã lên đến hàng chục người. Ngoài những người dân địa phương, còn có một số cán bộ tham gia như trường hợp của ông Ngô Văn Giáp (phó trạm trưởng trạm kiểm dịch động vật đang công tác trên địa bàn xã Đắk Man). Những người này coi Hoàng "Lò Xo" như là thủ lĩnh của họ vậy.
Để công tác cứu nạn đạt hiệu quả cao, Hoàng bỏ tiền túi sắm sửa các trang thiết bị. Hai bình chữa cháy cùng bộ đồ nghề sửa xe nhưng trong trường hợp cần thiết cũng có thể trở thành công cụ giải thoát người bị nạn là hành trang mang theo của các thành viên nhóm cứu hộ.
Nhờ vậy, không ít vụ tai nạn giao thông trên đèo Lò Xo thời gian qua đã giảm thiểu sự thiệt hại. Đó là nhờ công đóng góp không nhỏ của Hoàng "Lò Xo" và nhóm bạn trong đội cứu hộ. Họ luôn trong tâm thế sẵn sàng có mặt mọi lúc mọi nơi cùng lực lượng chức năng chống lại kẻ thù mang tên "tai nạn".
Thành tích xuất sắc
Ảnh: T.BA
Ngày 23-6-2015, chiếc xe khách chạy hướng Sài Gòn - Hà Nội, đến đoạn cuối đèo giáp ranh giữa Kon Tum và Quảng Nam thì bất ngờ lật ngửa. Nghe tiếng la thất thanh của hành khách, Hoàng bỏ dở bữa trưa và lao ra.
Anh ra sức đập bể các cửa kính, sau đó chui vô xe kéo từng người ra ngoài. Mãi tới 3h chiều cùng ngày, Hoàng "Lò Xo" và đội cứu hộ mới kéo toàn bộ 50 hành khách mắc kẹt và đưa về cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Glei.
Những người có mặt hôm ấy chứng kiến hình ảnh Hoàng trong bộ dạng máu me lấm lem quần áo. Đó là lần đầu tiên sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Hoàng nán lại hiện trường rất lâu.
"Khi ấy, tôi thẫn thờ trước cái chết của một hành khách vì vết thương quá nặng. Về sau, hay tin toàn bộ các nạn nhân còn lại may mắn bình phục, tôi mới thấy nhẹ nhõm. Làm cái nghiệp cứu nạn này mới thấy, dù là người dưng nước lã chết thì mình cũng thấy đau" - Hoàng nói.
UBND huyện Đắk Glei đã trao tặng giấy khen cho Đinh Văn Hoàng vì đã có thành tích xuất sắc trong cứu hộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận