Đồng thời có thể nghiên cứu, xem xét phân cấp, phân quyền hơn cho địa phương. Tuổi Trẻ đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, chuyên gia, đại diện Bộ Lao động, thương binh và xã hội về nội dung này.
Đại biểu NGUYỄN QUANG HUÂN (Bình Dương):
Nên có kế hoạch từ cuối năm trước
Hoán đổi ngày làm việc bình thường để kéo dài kỳ nghỉ, giúp kích thích du lịch, tiêu dùng và giúp người lao động có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Việc bố trí ngày làm bù như kế hoạch mới cũng rất hợp lý để việc nghỉ ngơi - lao động không bị ngắt cục. Song có điều hơi đáng tiếc mà nhiều người cũng nêu ra là kế hoạch mà Bộ LĐ-TB&XH xin ý kiến, trình quyết định muộn quá, dẫn đến cập rập cho nhiều bên.
Qua đây cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm cho các năm sau, trong đó nên có kế hoạch cho việc này từ đầu năm hoặc từ cuối năm trước. Trường hợp cần xin ý kiến, trình Thủ tướng phê duyệt thì phải xin sớm.
Về việc phân cấp, phân quyền thì cần phải tính toán, hoạch định rất kỹ xem phân cấp loại gì, tiến hành đồng bộ để tránh hôm nay nghĩ cái này phân cấp, ngày mai nghĩ cái kia phân cấp sẽ dẫn tới rất rối. Do vậy, cần có cơ quan nghiên cứu, đánh giá thêm.
Thực tế quản lý đất đai, tài chính công có nhiều vấn đề khó cũng đã phân cấp nên việc phân cấp những nội dung như ngày nghỉ cũng nên được xem xét, đánh giá, tránh tập trung hết về trung ương, dẫn tới việc gì cũng phải xin ý kiến Thủ tướng.
TS BÙI SĨ LỢI (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội):
Kế hoạch cho 6 tháng hoặc cả năm
Việc đề xuất hoán đổi ngày làm việc để người lao động có thời gian nghỉ dài hơn, tham gia các hoạt động vui chơi, du lịch là cần thiết và cũng có thời gian để kỷ niệm các dịp lễ lớn.
Thực tế ở các nước phát triển đều có xu hướng tăng số lượng ngày nghỉ trong năm của người lao động và nhiều nước ở châu Á có số ngày nghỉ nhiều hơn Việt Nam.
Nên về lâu dài, các cơ quan chức năng nên có nghiên cứu, đánh giá để tăng thêm ngày nghỉ trong năm của người lao động vào các dịp lễ, Tết... để họ có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Đồng thời kích thích mua sắm, chi tiêu, du lịch.
Bên cạnh đó thực tế việc xác định lịch các ngày nghỉ lễ trong năm đã có sẵn.
Do vậy nên xem xét lại để làm kế hoạch thật sớm, trình Thủ tướng cho các dịp nghỉ lễ trong 6 tháng hoặc cả năm. Việc này không chỉ có lợi khi giúp các bên chủ động mà còn hạn chế được việc phải chờ để xin ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan liên quan như vừa qua. Các bên được xin ý kiến thì cũng cần trả lời ngay.
Về vấn đề phân cấp, phân quyền cho địa phương liên quan thời gian nghỉ cũng được đặt ra, tuy nhiên việc này liên quan đến quy định của Bộ luật Lao động. Nếu phân cấp, phân quyền cho địa phương có thể dẫn tới mỗi nơi một kiểu, cách thực hiện khác nhau. Do vậy nên giữ đúng quy định như hiện nay.
Ông PHẠM MINH HUÂN (nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH):
Đang làm theo cách cũ
Việc xin ý kiến của Bộ Lao động, thương binh và xã hội vừa qua như dư luận, người dân có nêu là chậm và lẽ ra nên có kế hoạch, xin ý kiến sớm hơn vì doanh nghiệp, người dân ai cũng cần có kế hoạch lâu dài.
Thực tế, việc xác định các ngày nghỉ của năm nay không phải đến sát ngày nghỉ mới được đưa ra mà từ đầu năm đã có tính toán. Thậm chí từ năm ngoái báo chí đã có nêu về thời gian nghỉ lễ năm nay.
Vì thế, lẽ ra những tình huống này phải được tính toán sớm hơn. Rõ ràng, có những nơi có thể hoán đổi nhưng cũng có nơi không thể hoán đổi được khi thời gian xin ý kiến, quyết định sát như vậy.
Do vậy, qua lần này, các cơ quan quản lý cần rút kinh nghiệm, tránh lặp lại cho những kỳ nghỉ tương tự như thế này.
Cũng cần nói thêm cách làm kế hoạch, xin ý kiến các bộ, ngành hiện nay của Bộ Lao động, thương binh và xã hội vẫn theo phương cách cũ nên nhiều khi mang tính hình thức. Do đó nên xem xét, tìm, đưa ra các nguyên tắc chung để thực hiện. Trừ những trường hợp nào chệch ra khỏi nguyên tắc chung thì mới phải xin ý kiến, trình cơ quan có thẩm quyền. Việc này sẽ tránh cho năm nào cũng phải xin ý kiến, trình quyết định...
Với việc phân cấp, phân quyền về quyết định ngày nghỉ trong năm ở nhiều nước cũng thực hiện. Trong đó có những nước, ngoài kỳ nghỉ chung toàn quốc thì các bang có thể quyết định thêm những ngày nghỉ cho người lao động.
Tuy nhiên ở Việt Nam chúng ta đã có quy định chung, thống nhất từ trước đến nay về việc nghỉ lễ và nội dung này thực hiện theo Bộ luật Lao động. Tuy vậy, cũng cần thấy rõ là việc quyết định nghỉ lễ này chỉ áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong khu vực công.
Luật sư TRẦN NGỌC THÍCH (trưởng bộ phận pháp lý Talentnet, chuyên gia về lao động):
Doanh nghiệp tư nhân, FDI cũng ảnh hưởng
Đề xuất hoán đổi ngày làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khu vực nhà nước như năm nay rất muộn.
Không những vậy, doanh nghiệp tư nhân, FDI cũng ảnh hưởng đến việc giải quyết thủ tục, giấy tờ, xuất nhập khẩu hoặc người lao động không đồng ý vì có kế hoạch cá nhân từ trước.
Về mặt pháp lý, chúng ta cần tuân thủ quy định trong Bộ luật Lao động 2019 nên nếu có tình huống tương tự thì phải tránh bị động như năm nay.
Việc phân cấp, phân quyền thì thuộc về Quốc hội nên cũng phải tính toán kỹ lưỡng, tránh tạo ra sự không thống nhất, rối loạn.
Bộ Lao động, thương binh và xã hội nói gì?
Ông Hà Tất Thắng, cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, cho rằng đây là tình huống đột xuất, đặc biệt.
Cụ thể, năm 2024, cục không thể trình sớm được việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 vì đây là tình huống đột xuất, đặc biệt. Bộ luật Lao động 2019 quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định ngày nghỉ dịp Tết âm lịch (5 ngày) và Quốc khánh 2-9 (2 ngày).
Do vậy, cục phải căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội và tình hình của các cơ quan, tổ chức.
Bên cạnh đó, trước khi trình Thủ tướng quyết định việc hoán đổi ngày nghỉ, chúng tôi phải xin, tổng hợp các ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan quan trọng như Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam...
Thực tế, cũng có ý kiến đề nghị về việc phân cấp, phân quyền trong vấn đề này nhưng theo quy định của luật thì chỉ Quốc hội mới có thẩm quyền phân cấp.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn (giám đốc nhân sự công ty dệt may tại Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM):
Doanh nghiệp sản xuất phải tự sắp xếp ngày nghỉ
Ngoài những ngày nghỉ theo Luật Lao động thì việc có nhiều nhà máy với hàng ngàn người lao động, nên việc sắp xếp lịch nghỉ lễ đều được lên kế hoạch sớm tùy theo kế hoạch sản xuất, đơn hàng.
Theo tôi, Nhà nước nên quy định thêm kỳ nghỉ dài 4 - 5 ngày trong năm tương tự như kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cho người lao động. Năm nay có nghỉ ngày giỗ Tổ (18-4-2024) và dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 không liền mạch khiến doanh nghiệp cũng khó xoay xở.
Luật Lao động quy định số ngày nghỉ nhưng những trường hợp như năm nay có thể cho phép doanh nghiệp sản xuất dồn vào một kỳ nghỉ để người lao động vừa có kỳ nghỉ dài ngày, lại đỡ tốn kém chi phí đi lại được không?
Bà Nguyễn Thị Thùy Vân (chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Long Rich Việt Nam):
Cần có kế hoạch từ đầu năm để doanh nghiệp chuẩn bị
Luật Lao động đã quy định ngày nghỉ lễ bắt buộc rất cụ thể và các công ty, doanh nghiệp chắc chắn phải tuân thủ.
Nhưng nếu có những đề xuất cho nghỉ dài hơn số ngày quy định trong một dịp nghỉ lễ thì cũng nên có thông báo ngay từ đầu năm chứ không thể cận ngày để thuận tiện cho cả doanh nghiệp và người lao động nói chung. Vậy nên chúng tôi càng cần cơ quan quản lý có kế hoạch sớm, thông báo ngay từ đầu năm các thời điểm nghỉ lễ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận