20/12/2015 10:25 GMT+7

​Hoài bão và chuyện Alice lạc xứ thần tiên

GIÁNG HƯƠNG
GIÁNG HƯƠNG

TT - 42,7% học sinh được khảo sát đã thể hiện việc sống thiếu lý tưởng và hoài bão lập thân, lập nghiệp, đó là kết quả của một cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thực hiện.

Đọc xong bài báo thông tin về chuyện này trên Tuổi Trẻ ngày 19-12, nhiều anh em bạn bè đã hỏi tôi rằng tỉ lệ ấy có tin được không? Tôi trả lời thế này: Tin chứ, thậm chí tôi cho rằng tỉ lệ ấy là còn hơi thấp.

Sở dĩ tôi tin vào tỉ lệ đáng lo ấy là vì trong những năm làm chủ nhiệm ở bậc học phổ thông, khi sinh hoạt tiết chủ nhiệm cũng đã nhiều lần đặt ra những chủ đề bàn luận về chuyện sống có lý tưởng, hoài bão.

Và một câu hỏi nghe rất quen từ các bạn học sinh là: Lý tưởng và hoài bão là gì vậy cô? Theo tự điển tiếng Việt, lý tưởng là điều thỏa mãn tới mức tuyệt đối một ước vọng cao đẹp. Còn hoài bão được định nghĩa là điều lớn lao và tốt đẹp ấp ủ trong lòng dự định muốn làm.

Nói thế thôi, chứ thật sự để các em hiểu hoài bão là gì thật không dễ. Vì vậy, tôi thường áp dụng một bài giảng mà mình đã được nghe từ hồi còn là sinh viên.

Bạn có nhớ câu chuyện “Alice lạc vào xứ sở thần tiên” không? Trong đó có một đoạn hội thoại giữa nhân vật Alice và con mèo Cheshire thế này:

Alice: Xin hãy nói cho tôi biết, từ nơi này, tôi sẽ phải đi đường nào?

Cheshire: Điều đó phụ thuộc vào nơi nào mà cô muốn đi tiếp?

Alice: Tôi không quan tâm nhiều lắm tới nơi đó.

Cheshire: Vậy thì nơi nào cô đến cũng thế cả thôi.

Đấy, đi mà không biết mình muốn đi đâu, đi đến đó để làm gì..., đó chính là sống không có hoài bão vậy.

Nhưng nói thế thôi, một hai bài giảng kiểu ấy không ăn thua gì với các em. Chuyện làm thế nào để những học sinh phổ thông trung học sống có lý tưởng, hoài bão là một vấn đề giáo dục phức tạp, bao gồm từ môi trường gia đình, môi trường giáo dục trong nhà trường và cả xã hội.

Ba yếu tố này tạo thành một thế chân kiềng vững chắc, mà chỉ cần một trong ba bị chông chênh thì tất cả sẽ dễ dàng xôi hỏng bỏng không.

Ví dụ, trường học và xã hội có hay đến mấy, nhưng sống trong một gia đình mà cha mẹ chỉ biết lao đầu đi kiếm tiền, hay cha mẹ lương ba cọc ba đồng mà chẳng biết vì sao có biệt thự, xe hơi, tiêu tiền như nước thì làm sao đòi con trẻ sống có hoài bão, lý tưởng?

Hay trong nhà thì ổn, nhưng đến trường thì bị nhồi nhét những điều sáo rỗng, phải nhìn thấy người lớn nói một đường làm một nẻo; và đặc biệt nhìn ra xã hội thì sức mạnh đồng tiền là vô đối, đầy rẫy bất công... thì mong sao được chuyện lớp trẻ có lý tưởng, hoài bão?

Tỉ lệ 42,7% học sinh được khảo sát đã thể hiện việc sống không có lý tưởng, hoài bão là một câu chuyện vô cùng hệ trọng đối với vận mệnh đất nước.

Ai cũng nói tương lai của đất nước nằm trong tay thế hệ trẻ, nhưng một thế hệ trẻ có quá nhiều người sống như Alice đi - không quan tâm nhiều lắm tới nơi mà mình sẽ đến - thì đất nước đi về đâu? Sợ lắm, nếu một ngày nào đó sẽ có người nói như mèo Cheshire: Đất nước đi đến đâu cũng thế thôi!

GIÁNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp