19/04/2016 15:19 GMT+7

Hoa vàng cỏ xanh, Trúng số...: phim nào đoạt giải Cánh diều?

CÁT KHUÊ (catkhue@tuoitre.com.vn)
CÁT KHUÊ ([email protected])

TTO - 18 phim truyện dự Giải Cánh diều năm nay - con số kỷ lục của giải này, nhưng thật ra cũng chỉ cao hơn năm trước một phim dù con số phim được làm năm 2015 mới là kỷ lục: 40 phim.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Ảnh tư liệu.

Phim nhà nước: may mà có "Hoa vàng cỏ xanh"

7/18 phim dự Giải Cánh diều 2015 (công bố kết quả vào tối 20-4-2016 tại Hà Nội) là phim nhà nước. Đây chính là số phim nhà nước vượt trội so với các mùa giải khác chỉ bốn, năm phim. Và hình như là luật bất thành văn, phàm là phim nhà nước thì đủ điều kiện và không thể không dự Giải Cánh diều cũng như tham dự liên hoan phim để chờ đợi Bông sen.

Nhìn vào những cái tên phim nhà nước, có thể những khán giả khó tính, ít quan tâm sẽ ngạc nhiên: hóa ra nhà nước làm phim khá đa dạng về đề tài chứ không chỉ nặng về phim tuyên truyền, phim… cúng cụ như nhiều năm trước.

Nếu như Mỹ nhân (đạo diễn Đinh Thái Thụy - Công ty TNHH MTV phim Giải Phóng) là một phim lịch sử hư cấu, chọn một lát cắt thời Trịnh Nguyễn phân tranh để thông qua số phận một cô đào hát, kể chuyện một vương triều, thì Cuộc đời của Yến (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ - Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam) lại kể về số phận người phụ nữ trước, cho đến khi Cách mạng tháng Tám thành công. 

Mỹ nhân làm thô vụng, Cuộc đời của Yến dù không vụng đến thế nhưng câu chuyện cũ, cách kể cũ cũng là lý do phim dù đoạt Giải Bông sen nhưng lại nhận phản ứng khen chê khá đa chiều.

Nếu như Đường xuyên rừng (đạo diễn Xuân Cường - Công ty TNHH MTV phim Giải Phóng) là một lát cắt chiến tranh, một phim điện ảnh mang màu sắc truyền hình khi kể chuyện vượt rừng của những người lính vào những năm 1967 ở chiến trường Tây Ninh, thì Người trở về (đạo diễn Đặng Thái Huyền - Điện ảnh Quân đội Nhân dân) lại là câu chuyện hậu chiến cảm động được kể có ngôn ngữ điện ảnh riêng bởi một nữ đạo diễn.

Người trở về (đạo diễn Đặng Thái Huyền – Điện ảnh Quân đội nhân dân) 

Ngoài ra, có thể liệt kê thêm Nhà tiên tri (đạo diễn Vương Đức - Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam) với đề tài phim chân dung lãnh tụ, Trên đỉnh bình yên (đạo diễn Hữu Mười - Công ty CP Phim truyện 1) là phim về đề tài dân tộc “phản ánh đời sống sinh hoạt và lao động giản dị nơi làng gốm truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm ở Nam Trung bộ... như lời giới thiệu phim gửi dự giải.

Trong danh sách này, có lẽ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là phim nổi bật lên trong số bảy phim nhà nước. Về doanh thu, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh nằm ở tốp phim Việt  có doanh thu cao nhất.

Về chất lượng, ngoài chất lượng được khán giả bỏ phiếu thông qua doanh thu phòng vé thì đây là phim vừa giành những giải quan trọng nhất ở Liên hoan phim quốc gia lần thứ 19.

Và điểm đáng nói cuối cùng về phim này là phim được làm chủ yếu bằng kinh phí rót từ Cục Điện ảnh nhưng hãng thực hiện lại là Galaxy, đạo diễn phim là một đạo diễn Việt kiều. Thế nên chẳng phải ngẫu nhiên ta thấy Tôi thấy hoa vàng... hút hồn công luận một thời.

Phim tư nhân: cái gì cũng có…

Nói thì hơi “phũ” nhưng có lẽ đã thành truyền thống, các phim bị khán giả chê, truyền thông xếp hàng thảm họa lại thường rất mau mắn có mặt trong giải của hội nghề nghiệp như Giải Cánh diều. Cánh diều 2015 cũng không ngoại lệ.

Bộ ba rắc rối - một phim của đạo diễn Võ Tấn Bình, Chánh Phương phim sản xuất chẳng đã làm khán giả phát… ngáp ngoài rạp vì sự kém duyên của câu chuyện, mặc cho diễn viên hài Thúy Nga la hét đến đau tai mỗi khi chị xuất hiện trên màn ảnh phim này. 

Tương tự, câu chuyện đồng tính của Cầu vồng không sắc (đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến) với nhiều chi tiết gượng ép, thiếu thuyết phục, thiếu những yếu tố nghề nghiệp để có thể coi đây là một tác phẩm điện ảnh.

Trong khi đó, Quyên (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình) là một phiên bản điện ảnh gây thất vọng  so với sự chờ đợi tác phẩm điện ảnh từ cuốn sách cùng tên nhiều chất liệu làm phim. 

Siêu trộm (đạo diễn Hàm Trần) dù được đánh giá cao về tay nghề nhưng lại lâm vào tình trạng cũ người mới ta, phim cho một cảm giác hơi xa lạ, rối rắm, chưa đem lại cảm xúc.

Có thể kể thêm cái “sến” cũ kỹ của Việt Trinh với Trót yêu, câu chuyện nhàn nhạt của Ngày nảy, ngày nay (đạo diễn Cường Ngô) hay chất hài nhây của Gái già lắm chiêu (đạo diễn Bảo Nhân – Nam Cito), Bảo mẫu siêu quậy (đạo diễn Lê Bảo Trung), 49 ngày (đạo diễn Đoàn Nhất Trung)… 

Phim Trúng số - Ảnh tư liệu

Trong đám “mịt mù sương khói” phim dự thi ấy, Trúng số (đạo diễn Dustin Nguyễn) nổi lên như một tác phẩm dễ thương, tròn trịa và nhuần nhị nhất. Ra rạp mùa tết năm trước, phim hài được quay với rất ít thời gian (tin bên lề là chỉ 18 ngày quay), đạo diễn kiêm luôn diễn viên chính, kinh phí nhỏ hẹp… nhưng Trúng số là một bất ngờ với cả truyền thông và khán giả.

Tuy vậy, hi vọng “làm nên chuyện” của Trúng số ở Giải Cánh diều cũng mơ hồ như việc bất kỳ một phim bị “chê” nào ở trên thì sẽ trượt giải.

Bởi lẽ câu chuyện cao thấp, bó đũa hay cột cờ thì đến đêm 20-4, Hội Điện ảnh mới chính thức công bố. Mà ban giám khảo phim truyện với chủ tịch là NSND Đặng Nhật Minh cùng các thành viên là đạo diễn Nhuệ Giang, đạo diễn Lê Lâm (từ Pháp về), diễn viên Mai Thu Huyền... chắc sẽ có những lý lẽ riêng của họ để trao Cánh diều về tay ai.

CÁT KHUÊ ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp