Tác phẩm Người ngợm 3 của họa sĩ Nguyễn Trung Kiên - Ảnh: MAI THỤY
Họa sĩ Trần Hữu Nhật gọi đó là "nham thạch", cuộn trào trong lòng đất rồi chợt nổ tung, tuôn chảy theo nhiều hướng. Là một người con của Huế, dành ngót 20 năm để sáng tác ở giữa xứ này, anh hiểu rõ tâm tư của những đồng nghiệp.
"Vẽ không hẳn để bán" - Trần Hữu Nhật khẳng định chắc nịch. Những triển lãm ở Huế thường vắng người mua, có cuộc bày tranh ra rồi lại mang về nhưng họa sĩ vẫn sáng tác với những chủ đề chẳng ăn khách, thậm chí rất kén người sưu tập.
Triển lãm Xứ thần kinh diễn ra tại Mây Artspace (36/70 Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh) là dịp để công chúng TP.HCM vén bức rèm, khám phá hội họa Huế qua tác phẩm của bốn họa sĩ: Trần Hữu Nhật, Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Hữu Long và Nguyễn Trung Kiên. Triển lãm trưng bày 36 tác phẩm, kéo dài từ nay đến ngày 23-10.
Bốn họa sĩ tham gia triển lãm Xứ thần kinh - Ảnh: MAI THỤY
Ngay từ gian phòng đầu tiên, Nguyễn Đức Nghĩa đã đưa người xem vào cõi u uất. Anh vẽ những nhân dạng phì nộn, đang phình ra trước những tổn thương cuộc sống. Bức Thiếu phụ của anh mang những vết cắt xẻ như để tượng trưng cho nỗi đau người phụ nữ gánh chịu.
Bức Chiếc hôn màu xanh miêu tả một cảnh gia đình với cha mẹ đang hôn lên đứa trẻ. Ở khung hình tưởng như hạnh phúc ấy, Nguyễn Đức Nghĩa lại suy nghĩ khác, anh muốn nói về sự bất hạnh của những đứa trẻ oằn mình trước mong ước của cha mẹ và bị kẹp giữa lằn ranh yêu thương - kỳ vọng.
Còn các tác phẩm của họa sĩ Lê Hữu Long lại bày tỏ suy tư của anh trong dịch COVID-19. Với họa sĩ, đó là giai đoạn con người bị cuốn vào vòng xoáy của số phận, nơi sự sống và cái chết cách nhau gang tấc. Anh phóng to những con ngựa giấy được dùng để hóa vàng, phô rõ sự kết nối mong manh giữa hai thế giới âm - dương.
Ở phòng bên cạnh, Nguyễn Trung Kiên bày chín bức tranh tổng hợp vải bố, đa số là chân dung tự họa. Nguyễn Trung Kiên nhìn thấy trong vải bố sự thô ráp của con người, những đường chỉ bị uốn nếp, cắt xẻo một cách chủ ý để tạo nên sự giằng xé nội tâm.
Tác phẩm Chơi cờ người của họa sĩ Lê Hữu Long - Ảnh: MAI THỤY
Gian phòng giữa trưng bày tác phẩm của họa sĩ Trần Hữu Nhật, tươi sáng hơn. Khác với ba họa sĩ còn lại, Trần Hữu Nhật thích nhìn vào mặt tích cực của cuộc sống. Tranh trừu tượng của anh luôn tồn tại những vệt màu rực rỡ chấm phá trên cái nền mờ mịt.
Nhìn xa, tác phẩm chỉ đơn giản là vài nét cọ ngẫu hứng nhưng khi người xem đến gần, họ có thể thấy nhiều lớp màu bên dưới, đó là nơi câu chuyện của họa sĩ chôn giấu.
Người cũng như tranh, Trần Hữu Nhật không cố gắng quên lãng đi quá khứ nhọc nhằn của mình, anh chọn những cảm hứng tích cực để đè lên với từng mảng màu và tìm thấy niềm hạnh phúc từ đây.
Theo họa sĩ Trần Hữu Nhật, mặc dù các họa sĩ Huế hoạt động nghệ thuật khá kín kẽ, cũng hiếm khi tham dự triển lãm lớn, song họ vẫn nhận được sự quan tâm từ giới sưu tập quốc tế. "Nhiều người đã bay từ nước ngoài về Việt Nam và trò chuyện hàng giờ liền về cuộc sống, gia đình chỉ để hiểu thấu về người họa sĩ.
Có nhà sưu tập còn bước vào căn nhà ẩm thấp, chật chội của chúng tôi, chụp lại hình ảnh gian phòng ngổn nganh tranh, tượng… và quần lót. Với họ, đó là cuộc sống thật của nghệ sĩ. Cũng chính nhờ sự đồng hành và thực tâm đó, họa sĩ Huế có thể bán được tranh và nuôi sống gia đình" - họa sĩ Trần Hữu Nhật tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận