Cuộc thi hội họa UOB Painting of the year với lịch sử 40 năm ở Singapore vừa chính thức phát động tại Việt Nam lần đầu tiên cho giới họa sĩ Việt. Trước đó cuộc thi này ngoài Singapore đã lan tới Indonesia, Malaysia, Thái Lan.
Một cuộc triển lãm giới thiệu các tác phẩm thắng giải cuộc thi này mấy năm qua ở bốn quốc gia đã được giới thiệu trong lễ phát động tại Việt Nam, mang đến nhiều suy nghĩ về dòng chảy mỹ thuật đương đại ở các nước xung quanh chúng ta, cũng như đo lường khoảng cách giữa nghệ sĩ các nước và nghệ sĩ Việt Nam.
Hai trong ba giám khảo của UOB Việt Nam là họa sĩ Lương Xuân Đoàn - chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam và họa sĩ Trần Lương nhân tin vui với mỹ thuật Việt này đã có những chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về các vấn đề của mỹ thuật Việt đương đại.
Mỹ thuật đương đại Việt: Họa sĩ xa rời đời sống, chỉ còn học thủ pháp "câu" thị trường
Họa sĩ Trần Lương nêu quan điểm, sau Đổi mới, những người làm chuyên môn hội họa hơi tự hào quá về nền mỹ thuật của mình. Đó là nền tảng đào tạo mỹ thuật hàn lâm tốt từ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Sau Đổi mới, mỹ thuật của Việt Nam có phát triển so với chính nó, nhưng các nước láng giềng cũng phát triển và còn chạy nhanh hơn.
Theo dõi mỹ thuật trong nước và các nước trong khu vực 30 năm, ông Trần Lương nhận thấy Thái Lan, Indonesia, Malaysia có sự vận động tốt trong phát triển mỹ thuật.
Từ những năm 1995 - 1997 các nước này đã tiến nhanh bằng hệ thống đào tạo, hệ thống tư duy quản lý văn hóa tốt.
Ở Thái Lan, nhà quản lý đã chấp nhận nghệ thuật đương đại từ khoảng năm 1995, chấp nhận các liên hoan, các bộ môn nghệ thuật mới. Indonesia còn sớm hơn.
Trong khi cho đến giờ Việt Nam vẫn chưa có chương trình giáo dục nghệ thuật đương đại chính thức, một nền tảng quản lý phù hợp với phát triển.
Theo ông Trần Lương, tranh của các họa sĩ Việt Nam về kỹ thuật không thua kém gì các nghệ sĩ trong khu vực, nhưng thua về tư duy. Một lý do quan trọng dẫn tới điều này, ngoài chuyện tầm nhìn của nhà quản lý, là nghệ sĩ cũng có xu hướng tự kiểm duyệt.
Vì vậy mà nghệ thuật xa rời các vấn đề xã hội, các vấn đề cá nhân dị biệt, dẫn tới điều tất yếu là tụt hậu.
"Những vấn đề, hiện thực xã hội phải nằm trong nghệ thuật. Nghệ thuật không chứa đựng được những điều đó thì sẽ tụt hậu", ông Trần Lương khẳng định.
Né tránh các vấn đề của hiện thực đời sống, các họa sĩ Việt Nam chỉ còn "xoay ra học thủ pháp câu thị trường bằng những tác phẩm bắt mắt, hoành tráng, nhưng nội dung mỏng và vô vị, không đặt chân dưới nền tảng mặt bằng xã hội đại chúng".
"Việt Nam có dung nhan mỹ thuật đương đại riêng của mình"
Trong bối cảnh đó, ông Trần Lương đánh giá cuộc thi UOB Việt Nam là một cú hích, có vai trò khích lệ, quảng bá mỹ thuật Việt Nam ra khu vực, đồng thời mang lại cái nhìn so sánh, cùng soi chiếu mỹ thuật Việt Nam với nền hội họa khu vực.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn thì đánh giá sự xuất hiện của giải thưởng UOB này là rất quan trọng với mỹ thuật Việt Nam hiện nay, khiến "thời tiết mỹ thuật đương đại Việt Nam đang ấm dần lên".
Tuy nhiên, khác với ông Trần Lương khích lệ các họa sĩ trẻ hãy dấn thân hơn vào các đề tài từ hiện thực xã hội nóng bỏng của đất nước, họa sĩ Lương Xuân Đoàn lại cho các họa sĩ Việt Nam nên… bình tĩnh.
"Xã hội đương đại ngổn ngang, rất nhiều vấn đề, đè nặng lên tâm thế sáng tác của người nghệ sĩ. Nhưng các bạn hãy cứ bình tĩnh lựa chọn, đừng làm nghệ thuật phản kháng làm gì. Cách của các họa sĩ Việt Nam là đôi khi thiếu bình tĩnh với các vấn đề xã hội đang diễn ra.
Hãy thả lỏng đi, tự lựa chọn con đường đi đến thành công của mình, cũng không nên bị ảnh hưởng với các tác phẩm được giải UOB của các quốc gia láng giềng. Hãy nghĩ khác, nhìn khác, vẽ khác đi. Việt Nam có dung nhan mỹ thuật đương đại của riêng mình", ông Đoàn nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận