03/01/2005 22:00 GMT+7

Họa sĩ Nguyễn Quân: Người "Việt hóa" nghệ thuật siêu thực

Theo Gia đình & Xã hội
Theo Gia đình & Xã hội

Con đường của họa sĩ Nguyễn Quân đi từ biểu hiện đến siêu thực, và đọng lại ở một phong cách “siêu thực phương Đông", phản chiếu những bí ẩn của tâm thức người Việt...Ông vốn là một cử nhân Toán tu nghiệp từ Đông Đức về, đã làm nhiều nghề, rồi vẽ tranh và theo nghiệp mỹ thuật.

01XCPUPB.jpgPhóng to
Chân dung tự họa của Nguyễn Quân - Ảnh: Nhân Dân
Con đường của họa sĩ Nguyễn Quân đi từ biểu hiện đến siêu thực, và đọng lại ở một phong cách “siêu thực phương Đông", phản chiếu những bí ẩn của tâm thức người Việt...Ông vốn là một cử nhân Toán tu nghiệp từ Đông Đức về, đã làm nhiều nghề, rồi vẽ tranh và theo nghiệp mỹ thuật.

Thời bao cấp, Nguyễn Quân vẫn lần lượt cho ra đời Nghệ thuật tạo hình Việt Nam, Raphaelo, Tiếng nói của hình và sắc, Ghi chú về nghệ thuật, những cuốn sách không giấu giếm niềm háo hức say mê đối với thứ nghệ thuật và thẩm mỹ đa chiều.

Con đường ở tự người đi

Ông là người luôn có một đám đông "nhiều màu sắc" vây quanh, nhưng cũng luôn lạc lõng ngay giữa đám đông.

khtBYoux.jpgPhóng to
Nguyễn Quân trước hết là một người tự học. Không hẳn để khắc phục những thiếu thốn về trường lớp, trang bị cơ sở, người hướng đạo. Học như một cách khắc phục những ngộ nhận áp đặt tất yếu của môi trường, như một con đường tìm tòi khai lộ phẩm chất bản thân, đáp trả những khao khát, ẩn ức của đời người và tư tưởng, để vượt khỏi những rào cản của tồn tại cá nhân vừa độc nhất vừa đơn lẻ, hữu hạn. Như một cao vọng.

Những sách nghiên cứu của ông không đơn thuần tổng kết sơ đồ hóa khô khan kiến thức áp đặt từ bên ngoài, mà mở ra một chu trình sống thực sự của bản thân người nghiên cứu, kể từ khi bắt đầu va chạm, tiếp nhận và đắm mình trong thế giới nghệ thuật, dù phương Tây hay truyền thống.

Bóng dáng của những ngỡ ngàng rung động hay ngây ngất choáng ngợp, và quan trọng hơn là một tâm thế chứng nghiệm, tâm thế người trong cuộc với những ngả đường, hiện tượng, cả thiên tài... của ngành mỹ thuật, là tính cách độc đáo trong nghiên cứu của Nguyễn Quân.

Lịch sử và những vấn đề bản chất của sáng tạo mỹ thuật cũng trùng hợp vẫn con đường tự khai phá những nội lực bản thân của ông. Nói cách khác, lịch sử nghệ thuật trọn vẹn là lịch sử trong cảm nhận chứng giải của một cái tôi mạnh mẽ, nhạy cảm, đầy phát hiện và "theo chiều ngược lại”.

Những người trẻ tìm thấy trong lối viết của ông điều gần giống như chia sẻ và động viên bởi nó còn mang dấu vết của con đường đi tìm chân lý với những hồ nghi nhưng đầy khát vọng và luôn cần đồng cảm.

Bên kia những rào cản

5RDvGKTW.jpgPhóng to
Nguyễn Quân thuộc số những họa sĩ bị "mổ xẻ " nhiều nhất, giới thẩm bình nghệ thuật xem sáng tác của ông như phương án dẫn dắt cho một thế hệ người vẽ tự "đổi mới”, tìm đến đường biên của nghệ thuật hiện đại thế giới. Con đường của Nguyễn Quân từ Biểu hiện đến Siêu thực và đọng lại ở một phong cách "siêu thực phương Đông" như một số người thấy, phản chiếu những bí ẩn của tâm thức Việt khi xâm lấn tinh thần và những kỹ thuật phương Tây hiện đại.

Mảng màu êm và trầm, hình nét chuyển động nhuần nhị êm ả trong thời kỳ đầu. Biểu hiện tạo ra thứ nhịp điệu hài hòa duy cảm thuần Việt, tinh thần này lặp lại khá rõ nét trong một số học trò của ông. Giai đoạn tranh Bàn thờ có nude, tranh về Cái Chết như cách gọi của Nguyễn Quân, được vẽ hoàn toàn dưới ánh sáng hiện đại với sơn dầu hoàn hảo. Những mảnh nhỏ của thế giới tự nhiên, hoa trái, gốc cây, đá, bụi mưa... cho đến những phần cơ thể con người được đặt vào trong một tiểu vũ trụ riêng, mang cùng một linh hồn, trong cùng một đốn ngộ, một satna như cách gọi của Phật.

Một sớm mai đêm chưa tàn còn đẫm sương giá và bóng đen tuyệt không xóa sổ mọi cảnh vật, có tiếng chuông sớm bập bềnh, len lỏi, thoắt ẩn hiện giữa thinh không tinh khiết. Tiếng chuông vừa rành rọt vừa đứt quãng va đập vào tâm trí người thức sớm, làm hiện lên rõ mồn một những không gian bị khuất lấp dưới thứ ánh sáng lạ lùng của tiềm thức. Có thể hội hoạ của Nguyễn Quân cũng đem đến cho người xem cảm giác tương tự.

Họa sĩ vẽ những hiện thực không đuợc nhìn thấy bằng mắt. Đôi khi là vẽ một lối cảm nghĩ, điều này khiến ông gần hơn với xu hướng của các họa sĩ trẻ hiên tại, mặc dầu vẫn thong thả tự chiêm ngưỡng trong form hình và màu viên mãn.

Nguyễn Quân nói, ông thích Chùa Dâu hay Tú Xương chẳng kém gì Van Gogh hay Klee... không phải một sự chia đều thiện cảm hay thích nghi để tồn tại. Trong khoảng cách thực ra còn rất xa giữa cảm thức nghệ thuật của phương Đông và Tây như đã từng nhận thấy, ông đứng ở vị trí của trái tim duy cảm, duy mỹ và tri thức năng động. Những ràng buộc riêng tư với Nguyễn Quân có thể là động lực trực tiếp và sâu xa của sáng tạo. Khi con ốm, ông sẵn lòng vứt hết "nghệ thuật phù phiếm" nếu có thể đổi lấy yên lành cho con, nhưng cũng chính tình phụ tử như một bí mật sinh tồn đẩy ông đứng lên bên giá vẽ.

Nghệ thuật cuối cùng là con đường trở về với bản thể cá nhân, sự tồn tại riêng tư tự do nhất. Vượt lên trên những rào cản của định kiến, trì trệ, tầm thường và giả tạo, con người sống phần tinh túy và rộng lớn dành cho nghệ thuật.

Hà Nội những năm tháng này vẫn còn những căn gác nhỏ ẩn dật ngoắt nghéo sau cái ồn ào hỗn độn. Nhiều gió. Và bụi của kỷ niệm. Một giá sách chất chồng cũ - mới, lặng lẽ lưu giữ gia tài tinh thần của những thế hệ. Một cuốn sách có lời ghi tặng của tác giả, Nguyễn Quân, từ cách nay mười lăm năm. Như một sự hoang đường...

* Xem tất cả tin bài về Mỹ Thuật

Theo Gia đình & Xã hội
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp