26/01/2020 09:00 GMT+7

Họa sĩ Lý Tùng Niên: Thi thư họa thiền

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Con dấu nhàn chương của họa sĩ Lý Tùng Niên có nội dung gồm bốn chữ "thi thư họa thiền", đây cũng chính là triết lý nghệ thuật tột cùng mà nay ở tuổi chín mươi ông vẫn không ngừng theo đuổi...

Họa sĩ Lý Tùng Niên: Thi thư họa thiền - Ảnh 1.

Họa sĩ Lý Tùng Niên sáng tác thủy mặc tại Ngọc Đức thư uyển - Ảnh: L.ĐIỀN

Đó là lột tả tính thiền trong ba bộ môn: thơ, thư pháp, hội họa.

Sài Gòn thời trước 1975 là mảnh đất phát triển nhiều trường phái hội họa của cộng đồng người Hoa. Trong đó gây thanh thế đáng chú ý có Lĩnh Nam họa phái với họa sĩ Lương Thiếu Hàng là truyền nhân kế nghiệp của họa sĩ Triệu Thiếu Ngang ở Hương Cảng.

Đáng chú ý là hai đợt triển lãm liên tiếp vào mùa xuân hai năm 1966 và 1967 của môn đệ Lĩnh Nam họa phái và là đệ tử của Lương Thiếu Hàng. Song song với triển lãm còn phát hành cả tập tranh lấy tên Nam Tú họa san, gây được tiếng vang trong họa giới và người mộ điệu lúc bấy giờ.

Có lẽ, hai chữ Nam Tú (vẻ đẹp phương Nam) này chính là khởi nguyên để sau này vào năm 1989, họa sĩ Lý Tùng Niên cùng vợ và nhóm bạn sáng lập phòng tranh lấy tên là Nam Tú nghệ uyển ở đường Trần Hưng Đạo (quận 5, gần Đại Thế Giới).

Truyền thừa từ Lĩnh Nam họa phái

Họa sĩ Lương Thiếu Hàng là truyền nhân đời thứ ba của Lĩnh Nam họa phái nếu tính từ ba vị sáng tổ là Cao Kiếm Phụ, Cao Kỳ Phong và Trần Thụ Nhân vào thời Thanh mạt. Lương Thiếu Hàng học trực tiếp với họa sĩ Triệu Thiếu Ngang tại Hương Cảng, sau đó định cư tại Sài Gòn, mở trường dạy họa và phát triển họa phái Lĩnh Nam tại mảnh đất phương Nam này.

Cũng nhân dịp các học trò tổ chức triển lãm và phát hành họa tập vào năm 1966, họa sĩ Lương Thiếu Hàng có mấy lời tâm sự về Lĩnh Nam họa phái: “Tôi gặp được môn phái hội họa Lĩnh Nam đang lúc khởi hưng và phát triển khá mạnh.

Những nét bút linh diệu, phong cách thoát tục và huyền ảo, bố cục vững chắc của phái này đã làm cho tôi kính phục và say mê, khiến tôi tìm đến học với thầy Triệu Thiếu Ngang ở Hong Kong kể từ ngày ấy”.

Trong tập Nam Tú họa san in lần đầu ấy, Lý Tùng Niên có góp một bức thủy mặc “Vị tân độc điếu” vẽ Khương Tử Nha ngồi câu bên sông Vị, có lẽ đây là một phần tâm sự của người họa sĩ trong thời buổi loạn lạc lúc bấy giờ.

Sinh hoạt với cộng đồng người Hoa tại Chợ Lớn, Lý Tùng Niên được biết đến như một nghệ nhân mực thước. Thư pháp của ông được khắc liễn tại hội quán Tuệ Thành, và mỗi kỳ cho chữ viết liễn xuân làm từ thiện của tập thể họa sĩ, thư pháp gia người Hoa tại đây, ông đều có mặt.

Nói về tranh thủy mặc của Lý Tùng Niên, ông chủ hãng trà Tân Sanh họ Hứa ở quận 5 hiện còn giữ một bức vẽ đôi con vượn ngồi trên cành bắt chí cho nhau.

“Tranh này có từ đời cha tôi, do thầy Lý Tùng Niên vẽ tặng, bút pháp tranh này thể hiện phong cách thầy Niên lúc còn trẻ tuổi, đến giờ muốn tìm lại phong cách như vậy cũng không có được”, ông họ Hứa nói.

Họa sĩ Lý Tùng Niên: Thi thư họa thiền - Ảnh 2.

Bức tranh thủy mặc “Song ưng đồ” của họa sĩ Lý Tùng Niên - Ảnh: L.ĐIỀN chụp lại

Thiền lý vô xứ vô

Gần hai mươi năm trước, khi Nam Tú nghệ uyển còn mở cửa, họa sĩ Lý Tùng Niên mở lớp dạy thư họa tại đây. Chính nơi này ông giới thiệu bài thơ của Trịnh Bản Kiều “Nhất tiết phục nhất tiết/ Thiên chi toàn vạn diệp/ Ngã tự bất khai hoa/ Miễn điều phong dữ điệp” và giảng rằng đây là bài thơ Trịnh Bản Kiều đề cho bức tranh vẽ trúc.

Cây trúc tự nói lên cái chí của mình: Một đốt lại một đốt, trăm cành chen vạn lá, ta vốn chẳng ra hoa, khỏi tiếp ong cùng bướm. Lúc đó từ phong thái của Lý Tùng Niên toát ra điều gì đó hay hay, nhuốm vẻ thoát tục.

Cũng tại Nam Tú nghệ uyển bấy giờ, mỗi chiều người ta thường thấy một ông lão tuổi đã cao nhưng vẫn cần mẫn luyện chữ, lâu ngày hỏi ra mới biết đó là nhà thư họa Quan Tồn Chí, ông ngồi tỉ mẩn viết những chữ nguệch ngoạc hồn nhiên như trẻ con.

Thấy khách lấy làm lạ, họa sĩ Lý Tùng Niên giảng giải: Đây là một cảnh giới cao của thư pháp, khi người luyện chữ đã đạt thành các thể chữ rồi, tự thấy mình viết có phong cách riêng không lẫn vào đâu rồi, thì cái khó lúc bấy giờ là luyện kiểu chữ hồn nhiên nguệch ngoạc như trẻ con vậy đó.

Nó như con đường của thiền, vượt qua tất cả trở lại tự nhiên, giống như cái chỗ “Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều/ vị đáo sinh bình hận bất tiêu/ đáo đắc hoàn lai vô biệt sự/ Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều” mà Tô Đông Pha đã nói đó.

Về sau, vì nhiều lý do mà Nam Tú nghệ uyển đóng cửa, Lý Tùng Niên lui về dạy họa và sáng tác tại căn nhà nhỏ ở quận 6. Trong những lần hội ngộ, hoặc các dịp triển lãm, giao lưu cho chữ, vẫn thấy ông vận dụng ý thiền cho các tác phẩm.

Như mùa xuân năm ngoái tại hội viết liễn xuân do hội quán Nghĩa An tổ chức, ông đã dùng thể chữ hành thảo viết câu của thiền sư Hoài Tố: “Cuồng lai khinh thế giới/ Túy lý đắc chân như” (phóng túng mãnh liệt làm nhẹ cuộc đời/ trong cơn say tìm được chân như) rất được đồng nghiệp tán thưởng.

Sau bao nhiêu năm làm nghệ thuật, đến tuổi 80 ông mới in một tập thư họa cho riêng mình. Lý Tùng Niên thư họa tập phát hành vào năm 2010 vừa đánh dấu một hành trình lao động vì nghệ thuật, vừa là dịp để ông nhắc lại lời dặn khi xưa của thầy Lương Thiếu Hàng: “Con phải cố gắng phát triển phái tranh Lĩnh Nam, không được bỏ bê”. Vâng theo lời thầy, ông tiếp tục đào tạo nhiều môn đệ kế tục họa phái Lĩnh Nam.

Nhưng cái khó nhất chính là quan niệm nghệ thuật của mỗi người. Họa sĩ thủy mặc thường lấy tâm sự hoặc bày tỏ ý chí qua ấn văn nhàn chương. Và 4 chữ “thi thư họa thiền” của họa sĩ Lý Tùng Niên chính là một đỉnh cao không dễ ai đến được.

Điều thú vị là được tham dự những buổi giao lưu thư họa của các danh gia người Hoa có Lý Tùng Niên tham dự. Như hồi tháng 3-2019, nhân dịp họa sĩ Ngô Quảng Phái từ Đài Loan ghé đến Ngọc Đức thư uyển ở Chợ Lớn, một cuộc hội ngộ giao lưu nho nhỏ đã diễn ra ở đây.

Lúc này đã vào tuổi 90, ông cũng đến và cùng sáng tác một bức thủy mặc đề tài hoa điểu như một hoạt động chào đón nghệ hữu Ngô Quảng Phái. Sau khi hoàn thành phần vẽ của mình trên bức tranh chung, chẳng hiểu sao ông bỗng đổi bút, lấy tờ xuyến chỉ to vẽ một chữ Thiền theo thể khải thư đại tự.

Kèm theo đó, ông đề đôi câu thơ “Thi tình hữu thời hữu/ Thiền lý vô xứ vô”. Cả hội có mặt đều ồ lên, đây quả là một phát biểu sâu sắc về thiền và thi, ý thơ đến với người làm thơ vốn tùy lúc tùy hứng và tùy nhiều điều kiện, còn lý thiền ẩn tàng trong sự sự vật vật, không chỗ nào không có, chỉ là hành giả có thể ngộ đến đâu mà thôi.

Họa sĩ Lý Tùng Niên: Thi thư họa thiền - Ảnh 3.

Bức thủy mặc “Vị tân độc điếu” của họa sĩ Lý Tùng Niên công bố năm 1966

Người viết bài này nhớ mãi lần cùng nhà nghiên cứu Lý Lược Tam vào thăm họa sĩ Lý Tùng Niên. Ông Lý Lược Tam vốn mến mộ ông Lý Tùng Niên từ lâu, tự mình nghĩ một đôi câu đối nhờ nhà thư pháp Lâm Hán Thành (cũng là học trò của Lý Tùng Niên) viết lên tấm giấy xuyến bồi sẵn, cùng mang vào tặng ông.

Khi vào nhà, thấy Lý Tùng Niên vừa hoàn thành một bức tranh vẽ hoa hướng dương, màu sắc tươi nhuận, kèm bốn câu thơ tự đề: “Sinh trưởng cổ tường âm/ Phương viên thảo mộc thâm/ Khả tằng triêm vũ lộ/ Bất cải hướng dương tâm”. (Mọc trong bóng vách tường/ giữa vườn thơm hoa cỏ/ từng ướt đẫm mưa móc/ không đổi dạ hướng dương).

Thấy có người quan tâm đến mấy câu thơ, Lý Tùng Niên ân cần giảng giải: Hướng dương đây chính là cái mà người ta theo đuổi, một thú vui, một lý tưởng nghệ thuật, một quan niệm sống, hay cũng chính là lòng yêu nước đó...

Vâng, những ý tứ sâu sắc ngụ trong từng lời thơ nét vẽ của ông bàng bạc mà thâm sâu, nhẹ nhàng nhưng dằng dặc bất tận, chúc ông xuân này vào tuổi 90 vẫn vui khỏe cùng môn đệ.

Cá tính của Nhật, đường đi của Thiền Cá tính của Nhật, đường đi của Thiền

TTO - Mỗi nền văn hóa đều mang một màu sắc riêng, một cá tính riêng. Với Nhật Bản, cá tính đó được định hình nhiều nhất bằng wabi và sabi.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp