Cuốn Kinh bản nguyện của Bồ Tát Địa Tạng do họa sĩ Lê Thiết Cương in mỹ thuật và tiện dụng vừa ra mắt tại Hà Nội.
Cú "ngã ngửa" và một cuốn kinh đẹp
Về nhân duyên làm cuốn kinh Phật này, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết Kinh Địa Tạng ông đã đọc, tụng nhiều lần, cũng từng ngỡ mình "hiểu" được phần nào những lời kinh ấy.
Nhưng một buổi chiều tháng 6-2024, cùng bằng hữu tụng Kinh Địa Tạng trên Ba Vì (Hà Nội), ông Cương "ngã ngửa" không thể đứng dậy được nữa. Từ lúc ấy là một sự đổi khác trong lòng ông, những nứt vỡ lớn.
Ngay buổi chiều hôm ấy, ông ngồi vẽ 11 bức tranh mực nho trên giấy dó. Ông vẽ những gì mình đã thấy từ cuốn kinh, vẽ những tinh thần cốt tủy nhất của cuốn kinh mà ông đã khắc ghi.
Đó là tinh thần của Đức Bồ Tát Địa Tạng: "Địa ngục chưa hết thì không thành Phật".
Sau những bức tranh là thôi thúc in, ấn tống (truyền bá) cuốn kinh này, bản dịch của Hòa thượng Thích Tuệ Hải.
Đó là cái thôi thúc của một người đã ngồi đọc, chép, tụng Địa Tạng Kinh và nhận ra bao bất cập khó chịu từ những cuốn kinh thông thường hiện nay.
Các bản kinh mà ông Cương có đều nhiều lỗi đánh máy, lỗi câu, ngữ pháp, cách dùng các dấu của tiếng Việt chưa hay.
Người thiết kế, in ấn, gia công sau in không phải là người tụng, đọc kinh. Sách xấu đã đành, mà rất khó để đọc, tụng.
Cho nên họa sĩ Lê Thiết Cương bỏ công sức ngồi sửa từng lỗi đánh máy, dấu câu, thiết kế, in cuốn kinh thật đẹp.
Ông sẽ mang tặng sách cho những ngôi chùa, đưa chế bản lên mạng để ai muốn in cuốn kinh này đều có thể sử dụng miễn phí.
Đọc kinh, để thắp lại ngọn lửa trong mình
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đánh giá cao công đức của họa sĩ Lê Thiết Cương trong việc in Kinh Địa Tạng này.
Theo ông, trong mỗi chúng ta đều có một bản kinh của mình, là cách chúng ta suy nghĩ về bản thân, về con người, về cuộc sống. Nhưng chúng ta lại không tin vào bản kinh ấy, chúng ta bỏ qua.
Khi đọc được những cuốn kinh của các đấng giác ngộ, như cuốn Kinh Địa Tạng như họa sĩ Lê Thiệt Cương vừa cho in, biết đâu, ta sẽ tìm thấynhững trang kinh, bộ kinh ẩn tàng trong bản thân mình.
"Đọc những cuốn kinh Phật, mình nhận ra hóa ra trong lòng mình có lớp lớp những trang kinh nhưng mình không phát hiện ra, không tin mình chứa đựng điều đó. Mình phát hiện ra mình có những thứ mình lãng quên", ông Thiều nói.
Theo ông, đọc kinh là một nghi lễ giúp mình phát hiện ra lâu nay mình là "một đống hoang tàn, một đống đất đá, một đống tro bụi, một nơi đầy sâu bọ và đầy bóng tối vì ngọn nến bên trong mình đã bị vụt tắt lâu nay".
Và kinh Phật "như một lời nhắc, để mình bật lửa lên, nhóm lại ngọn đèn đã bị chính mình và đời sống này vô tình thổi tắt từ lâu".
Là một người mê kinh Phật và các triết lý của nhà Phật, năm 2020, họa sĩ Lê Thiết Cương đã làm triển lãm và cuốn sách cùng tên Kinh Gốm.
Ông chọn những câu thơ Thiền (Việt Nam) hoặc những câu kinh điển của nhà Phật viết lên lọ, đĩa gốm kèm minh họa.
Trước đó, năm 2016, ông có nhân duyên thiết kế bìa cuốn Kinh Kim Cương - Gươm báu cắt đứt phiền não, bản dịch và bình chú của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ phối hợp với Công ty sách Phương Nam thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận