Chàng nghệ sĩ tự nhận mình "dễ bị lẫn vào số đông"
Thiệp không phải người hoạt ngôn, cứ cất lời thì chỉ nói được nửa câu, nửa còn lại Thiệp cười. Chắc vì có bao nhiêu tư tưởng, bao nhiêu nổi loạn, bao nhiêu phá phách, bao nhiêu nhảy nhót, bao nhiêu điên rồ thì Thiệp dồn cả vào những khối kim loại mất rồi. Những khắc, những chạm, những khoét, những cưa, những đúc, những ráp, những hàn xì, những đẽo đục luôn đòi hỏi sự mạnh mẽ, quyết liệt, dứt khoát trong sự tính toán tinh vi và sự thuần nhuyễn của từng cơ tay. Người nghệ sĩ điêu khắc như Thiệp được rèn nhẫn nại, điềm tĩnh và kiệm lời từ công việc thường ngày ấy của mình. Bởi chỉ mảy may nóng nảy hay để cái miệng nói leo vào cuộc đối thoại của trí óc là hỏng bét.
Là tôi tự diễn giải thế khi làm việc cùng Thiệp. Chứ Thiệp nào nói được ra một câu đủ ý.
"Tôi làm là vì tôi thích thế"
Điêu khắc Hà Nội trong 1 thập kỷ qua luôn có mặt Hoàng Mai Thiệp. Tác phẩm của anh hiếm khi bị các giám tuyển bỏ qua. Nhưng anh vẫn chưa có một triển lãm cá nhân nào. Còn những triển lãm nhóm lâu nay phần đa vẫn buộc phải trưng bày theo kiểu chỗ nào trống thì đặt vào, trong khi điêu khắc luôn cần một không gian đủ riêng tư để tác phẩm biểu hiện.
Thế nên khi dự án Art In The Forest 2018 tìm đến Thiệp, anh nhận lời ngay với lý do "nó hợp với mình". Tác phẩm của anh lần đầu tiên sẽ có một không gian của riêng nó và dành cho nó, một không gian để nó hít thở và rã đông và vùng vẫy và thủ thỉ và chuyện trò và lột tả tư tưởng.
7 tác phẩm Thiệp mang "vào rừng" lần này vẫn là cá, chủ đề mà Thiệp say sưa nhiều năm nay. Thiệp không phải kiểu nghệ sĩ chủ đích xây dựng "bộ nhận diện thương hiệu" sáng tạo bằng việc chôn chân ở một mảng đề tài.
Thiệp phân bua không phải anh ngại thay đổi, ngại khám phá mà chỉ vì "còn thích nên còn làm". Thực ra Thiệp muốn nói đến hai chữ "cảm xúc". "Song song với cá mình vẫn làm nhiều đề tài khác, nhưng mình vẫn có hứng thú với cá hơn cả. Còn muốn khai thác thêm nữa, ở các ngóc ngách, các tầng khác nữa", Thiệp bảo.
Rất khó để tìm trong tác phẩm của Thiệp một thông điệp cụ thể, trực diện. Thiệp cười: "Vì mình chẳng có tư tưởng gì lớn lao". Thiệp mê man đối thoại không lời với những khối kim loại, những khối gỗ hay đất sét. Nhưng không vì thế mà Thiệp bắt tác phẩm của mình phải phát ngôn cho mình.
Hỏi vì sao Thiệp lại thích cá, Thiệp bảo: "Cá nó có thân phận". Thiệp dừng ở đấy và tốt nhất đừng ai thắc mắc gì thêm. Dù rằng, đâu phải cá mới có thân phận, đến hạt bụi còn có thân phận dưới mỗi gót giày. Nhưng nhìn các tác phẩm của Thiệp, có cá lớn, có cá bé, có cá độc hành, có cá bầy đàn, có cá hung tợn, có cá thủ thế… thì mới hiểu nốt cái ý mà Thiệp chưa nói ra hết.
Cá trong tư tưởng của Thiệp mang đủ hỉ nộ ái ố của kiếp nhân sinh, với những mối quan hệ tương tác bất đắc dĩ trong không gian bất trắc và khó đoán định, bản thể bị xóa sổ bởi những quy luật vận hành ớn lạnh của tạo hóa. Thiệp muốn đi sâu hơn nữa vào kiếp cá ấy, xoay trở các tầng nước để ngắm nghía, sờ nắn, áp chạm, cảm nhận, khao khát khắc đục ra một cái hình hài - thứ hình hài của linh giác.
Các tác phẩm Thiệp mang đến triển lãm Art In The Forest lần này cá, nguồn cảm hứng với Thiệp suốt nhiều năm nay
Cá lôi Thiệp đi. "Tới đâu thì tới", Thiệp cười. Nhưng Thiệp giữ sự mẫn tiệp của tay phanh khi đi theo sự dẫn dắt mê dụ của cá. Có lúc Thiệp dừng, chuyển sang những đề tài khác để mở rộng tâm trí. Hay như lúc này, Thiệp làm song song. Có triển lãm, Thiệp không mang cá đi mà trình diện những màu sắc khác của mình. Nhưng người ta vẫn nhận ra Thiệp trong lối phóng tác mạnh mẽ và vững chãi.
"Nghề sáng tạo chỉ nên có một sự áp đặt"
Thiệp có chút phấn chấn khi nói về cách Art In The Forest trao cho mỗi nghệ sĩ tham gia dự án một không gian riêng. "Họ đặt mỗi cá nhân vào một không gian và để cho chúng tôi tự do". Thiệp vui vẻ thổ lộ chuyện không gặp bất cứ áp lực nào khi tham gia dự án của Flamingo, cũng không bị tác động bởi bất cứ áp đặt nào từ chủ đầu tư. "Mình cảm nhận được đó là sân chơi nghệ thuật thực sự. Bởi nhà đầu tư họ hiểu rất kỹ là, cái nghề sáng tạo này chỉ nên có một sự áp đặt, đó là áp đặt về chất lượng".
Thiệp bảo: "Thực ra có hay không có Art In The Forest thì mình vẫn cứ làm việc bình thường thôi. Nhưng có thì tốt hơn chứ. Ai chẳng muốn giới thiệu tác phẩm của mình và nhìn nó đi vào đời sống. Điều đó khó quá. Vì khó mà đành bỏ qua. Thế nên, một sân chơi vì nghệ thuật thuần túy như thế này rất quý".
Làm nghề 10 năm, Thiệp thú nhận có chút bức bối khi nghe đâu đó có người bỏ cả bạc tỉ ra mua một cục đá phong thủy hay một chậu bonsai nhưng những điêu khắc nghệ thuật thì không. "Tất nhiên là do tư duy và gu thẩm mỹ của mỗi người. Song nếu có nhiều hơn một Art In The Forest, biết đâu khoảng cách giữa mình và họ được thu hẹp lại".
Không gian triển lãm nghệ thuật đương đại AIF, với Thiệp, là cơ hội thu hẹp khoảng cách giữa nghệ sĩ và công chúng
Bức bối thì bức bối vậy thôi, chứ Thiệp vẫn cứ làm việc bình thường. Thiệp vẫn tự tin vào sự thu xếp ổn thỏa của mình với nghệ thuật. Thiệp vẫn cặm cụi ngẫm nghĩ, cặm cụi cắt cưa gò hàn, lọ mọ ở các xưởng cơ khí để mài gọt rồi lại lọ mọ mang về nhà tỉ mẩn hoàn thiện. Có giám tuyển gọi thì Thiệp lại mang tác phẩm đi trưng bày.
Mà không ai gọi thì Thiệp lại làm việc tiếp. Hỏi Thiệp có mong một ngày điêu khắc Việt bùng nổ và tác phẩm của Thiệp được săn tìm bởi những nhà sưu tập không, Thiệp lắc đầu cười: "Làm thì cứ làm thôi, cái gì đến thì cứ đến."
Thiệp làm tôi bất giác nhớ đến một câu của GS Cao Huy Thuần: "Một con én chỉ biết đưa thoi, mùa xuân có đến hay không, én không đặt vấn đề". Thiệp có lẽ cũng thế, Thiệp thích thì Thiệp làm thôi. Mùa xuân có đến hay không, Thiệp không đặt vấn đề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận