Họa sĩ Thành Chương tại Hà Nội sáng 23-7 - Ảnh: Nho Quân |
Những ngày vừa qua, khi phát hiện tranh của mình bị biến thành tranh Tạ Tỵ, họa sĩ Thành Chương nhận được rất nhiều sự quan tâm của báo chí, anh em bạn bè trong giới mỹ thuật.
Khi trở về Hà Nội, họa sĩ Thành Chương gặp gỡ một số bạn bè thân thiết đang theo dõi sự việc vào sáng 23-7 tại Bảo tàng Phụ Nữ.
Thành Chương kể ông chứng kiến những vụ tranh giả, người ta biến họa phẩm thành món đồ souvenir (đồ lưu niệm) nên trở nên chai lỳ cảm xúc với chuyện tranh thật - tranh giả. Nhưng ngay khi xem triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, ông sởn da gà, lạnh gáy bởi nhận ra tranh của mình bị biến thành tranh Tạ Tỵ.
Sau đó, đại diện các cơ quan như Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, Hội Mỹ thuật, Cục Mỹ thuật và Triển lãm… họp đưa ra kết luận 15 bức tranh tại triển lãm là tranh giả, hai bức còn lại là mạo danh.
Ban đầu, các bức tranh được giữ tại bảo tàng để chờ các cơ quan chức năng vào cuộc. Nhưng tới 22-7, 17 bức tranh triển lãm xong được trả về cho ông Vũ Xuân Chung.
“Sự việc đối với tôi chỉ là một tai họa nhỏ, nhưng nó là cơ hội để chúng ta xử lý nạn tranh giả” - họa sĩ Thành Chương nói.
Theo ông, nạn tranh giả hoành hành ở Việt Nam nhiều năm qua, kìm hãm sự phát triển của mỹ thuật, làm giảm giá trị của tranh Việt. Vì thế, các cơ quan chức năng, quản lý mỹ thuật cần vào cuộc.
Họa sĩ Thành Chương trước bức tranh của mình bị biến thành tranh Tạ Tỵ - Ảnh tư liệu |
Thành Chương phân tích, việc của ông coi như đã xong. Ông có nhiều nhân chứng, vật chứng chứng minh được đó là tranh của mình. Vấn đề là: “Tôi thấy việc này mình phải dấn thân, bởi tôi là đầu mối duy nhất để liên hệ. Tôi không phải muốn lấy lại chữ ký trên tranh, mà muốn nạn tranh giả cần được xử lý”.
Họa sĩ Đào Anh Khánh là một người có nhiều tranh được khách quốc tế mua, bởi thế anh có ít nhiều kinh nghiệm về thị trường mỹ thuật. Anh cho rằng hiện trạng tranh giả ở Việt Nam là một bức tranh đen tối.
“Nó là nguyên nhân khiến giá trị mỹ thuật đương đại Việt Nam trở nên tồi tệ. Khiến cho giới mỹ thuật quốc tế lo ngại cho thị trường mỹ thuật chúng ta. Bức tranh đen tối này tồn tại quá lâu. Nhưng chưa bao giờ có ai lên tiếng mạnh mẽ về việc này”.
Theo Đào Anh Khánh, sự việc tranh giả lần này nếu không làm rõ ngay thì các chứng cứ lịch sử sẽ bị xóa. Nếu sự việc bị làm ngơ thì đó không phải là hành động thiếu trách nhiệm mà còn là bao che cho hành vi vi phạm pháp luật.
Nhà điêu khắc Đào Châu Hải nhìn nhận câu chuyện tranh giả dưới góc độ văn hóa. Ông nói: “Về triển lãm này, bản thân tôi thấy xấu hổ. Nó xúc phạm lòng tự trọng của chúng ta. Đây là cơ hội để chúng ta xem xét lại, nhìn nhận lại lòng tự trọng, danh dự về các vấn đề văn hóa”.
Theo Đào Châu Hải, câu chuyện tranh giả cũng như văn hóa xuống cấp liên quan tới nhiều cơ quan chức năng, nhưng trước tiên, các cơ quan quản lý văn hóa như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bảo tàng... có trách nhiệm giải quyết việc này cho thấu đáo, hiệu quả. Với Hội Mỹ thuật Việt Nam thì đây là cơ hội để nêu cao vai trò hội nghề nghiệp cho chính đáng.
Họa sĩ Đặng Xuân Hòa cho biết sự việc tại triển lãm vừa rồi cho thấy mức độ ngang nhiên của nạn tranh giả. Bởi thế, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ trắng đen.
“Bản thân giới họa sĩ bọn mình đã sa vào những tình huống dở cười dở khóc vì tranh giả. Nhiều người đã mất, ở đây còn Thành Chương, đó là chỗ bám vào để điều tra, xử lý sự việc. Nhân chứng ở đây rất rõ ràng, nếu không làm rõ thì phí một cơ hội để giải tỏa cho giới họa sĩ” - họa sĩ Đặng Xuân Hòa nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận