21/05/2022 18:44 GMT+7

Ngắm Nhà thờ Đức Bà TP.HCM, Khuê Văn Các Hà Nội ảo diệu trong tranh của họa sĩ 9X

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Những di tích kiến trúc tôn giáo thâm trầm màu thời gian trải dài khắp đất nước như Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Nhà thờ lớn Hà Nội, chùa Thầy, tháp Báo Thiên, Khuê Văn Các… hiện lên rực rỡ, đầy sức sống trong những bức tranh của họa sĩ 9X Sài Gòn.

Ngắm Nhà thờ Đức Bà TP.HCM, Khuê Văn Các Hà Nội ảo diệu trong tranh của họa sĩ 9X - Ảnh 1.

Họa sĩ, kiến trúc sư trẻ Nguyễn Thanh Vũ tại triển lãm Kỳ ẩn Việt Nam - Ảnh: T.ĐIỂU

Khoảng 20 bức tranh rực rỡ sắc màu theo trường phái hậu ấn tượng của kiến trúc sư, họa sĩ 9X Nguyễn Thanh Vũ vẽ các di tích kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo trải dài khắp 3 miền của đất nước đang được bày tại thư quán trong di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Triển lãm mang tên Kỳ ẩn Việt Nam này của bạn trẻ Sài Gòn khai mạc ngày 21-5, kéo dài tới 30-5, chính là triển lãm đầu tiên khai trương thư quán của Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Với thư quán này, giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu đang định hướng Văn Miếu Quốc Tử Giám trở thành một không gian văn hóa sáng tạo hoạt động phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ các nhà sáng tạo trẻ.

Ngắm Nhà thờ Đức Bà TP.HCM, Khuê Văn Các Hà Nội ảo diệu trong tranh của họa sĩ 9X - Ảnh 2.

Những bức tranh đầy màu sắc vẽ di sản khắp đất nước thu hút đông bạn trẻ, khách tham quan - Ảnh: T.ĐIỂU

Vốn là "dân" kiến trúc, Thanh Vũ dành tình yêu lớn đối với các kiến trúc cổ của đất nước. Càng yêu, càng muốn tìm hiểu, càng tìm hiểu lại càng mê, tới năm 2021, Thanh Vũ quyết định thực hiện bộ tranh vẽ các di sản kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo khắp mọi miền đất nước.

Vượt qua nhiều khó khăn về kinh tế lẫn hạn chế đi lại vì COVID-19 trong 1 năm qua, Thanh Vũ đi tới từng di tích kiến trúc nổi tiếng của ba miền, chiêm ngưỡng, sờ nắm, cảm nhận, để mình được thấm đẫm cái hồn cốt của di tích.

Vũ còn đọc rất nhiều câu chuyện về mỗi di tích ấy trước khi đứng trước màu và giá vẽ.

Ngắm Nhà thờ Đức Bà TP.HCM, Khuê Văn Các Hà Nội ảo diệu trong tranh của họa sĩ 9X - Ảnh 3.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn trong tranh của Thanh Vũ

Theo đuổi trường phái hậu ấn tượng trong hội họa, Vũ chọn phủ màu rực rỡ, thổi sức sống tươi trẻ lên di sản trong những bức tranh đầy cảm xúc của mình. Đó là cách Vũ ngợi ca vẻ đẹp của di sản, gửi vào nó sức trẻ đầy năng lượng để những thứ vốn được mặc định là già nua, ảm đạm này đến gần hơn với công chúng hôm nay theo một cách thật tươi mới.

Không chỉ vẽ các di tích vẫn còn hiện diện lộng lẫy, Vũ còn vẽ cả những di tích chỉ còn tìm thấy trong sử sách như Thần điện Lưu Cừ - nơi thờ cúng của đạo Bà La Môn trong thời kỳ văn hóa Óc Eo của vương quốc Phú Nam xưa.

Họa sĩ quê Quảng Ngãi dành nhiều sự chú tâm tới các kiến trúc nhà thờ Công giáo. Vũ vẽ Nhà thờ lớn ở Hà Nội, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Vương cung thánh đường Sở Kiện ở Hà Nam, Đan viện Citeaux Mỹ Ca ở Khánh Hòa, Nhà thờ đổ ở bãi biển Hải Lý tỉnh Nam Định… Cái rực rỡ sắc màu, cái trầm lắng hơn, nhưng đều gợi cảm theo cách riêng.

Nhiều trong số những bức tranh này đã được bán. Bức Đan viện Citeaux Mỹ Ca có khách mua ngay khi tranh vừa đáp tới thư quán Văn Miếu Quốc Tử Giám để bày triển lãm.

Ngắm Nhà thờ Đức Bà TP.HCM, Khuê Văn Các Hà Nội ảo diệu trong tranh của họa sĩ 9X - Ảnh 4.

Tác phẩm Khuê Văn Các của Thanh Vũ

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về tình yêu đặc biệt dành cho những di sản kiến trúc và theo đuổi dự án này, Vũ nói vì những di sản ấy đều quá đẹp, là hồn cốt, văn hóa của cha ông gửi gắm lại cho chúng ta nhưng đến nay nó vẫn như kho tàng ẩn giấu.

Vũ muốn phơi lộ một phần cái kho báu ấy với mọi người, đánh thức những báu vật ấy để nó phát huy giá trị trong đời sống hôm nay, để di sản được gìn giữ.

"Tôi tin thế hệ trẻ sẽ vững vàng hơn rất nhiều trong một thế giới đầy biến động nếu họ có hiểu biết phong phú về tiền nhân và kết nối tốt hơn với cha ông qua những di sản", Vũ nói.

Làng Gò Cỏ của không gian văn hóa Sa Huỳnh: Ngôi làng sống dậy nhờ di sản Làng Gò Cỏ của không gian văn hóa Sa Huỳnh: Ngôi làng sống dậy nhờ di sản

TTO - Biến ngôi làng, câu hát dân ca, bờ đá, giếng nước... thành sản phẩm du lịch, người dân vùng "văn hóa Sa Huỳnh" đang sống dựa vào di sản. Với họ, đây là sinh kế ngàn năm, trăm đời.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp