PMI là một chỉ số xác định một người đàn ông suy nghĩ tích cực đến chừng nào. Bạn ở đâu trong thang PMI ấy?
Một ngày tháng chín năm 2018, tiến sĩ John Barry của University College London (UCO) lên đường làm một cuộc điều tra quy mô lớn. Ông muốn xác định xem đâu là các giá trị, các ưu tiên, và đâu là những yếu tố góp phần làm nên sự lành mạnh về sức khỏe tâm thần, thể chất, lẫn tình cảm của... đàn ông Mỹ.
Khi dao cạo râu tìm hiểu về nam tính
John Barry, đồng sáng lập khoa tâm lý nam thuộc Hội Tâm lý Anh, khăn gói đi dọc ngang nước Mỹ, gặp 5.000 nam giới cả lão cả ấu, tuổi từ 18 - 95, hỏi han ân cần và thấu đáo, từ đó chấm điểm "Tâm lý tích cực" (Positive Mindset Index - PMI) cho họ.
Những người tham gia được hỏi rằng họ thấy hài lòng đến đâu trong các lãnh vực then chốt của đời sống, như nghề nghiệp, gia đình, các mối quan hệ, tiền bạc, thể chất, tinh thần. Cuối cùng, để biết được khát vọng của những người tham gia, người ta hỏi họ đâu là những giá trị cốt lõi mà họ nâng niu.
Sau khi tổng hợp dữ liệu, phân tích phân loại đâu ra đấy, kết quả cuộc khảo sát hẳn đã khiến tiến sĩ John Barry từ xứ sương mù có chút ngậm ngùi: so với đàn ông Anh, đàn ông Mỹ có chỉ số PMI tốt hơn.
Đa số bọn họ khao khát các giá trị của những "người hùng" đời thường: một ông bố tình cảm, một đồng nghiệp chăm chỉ và thân thiện, một người thầy đáng kính. Quả là may mắn thay cho phụ nữ và trẻ con nước Mỹ!
Cuộc khảo sát này do Harry’s - một thương hiệu nổi tiếng về dao cạo và các phụ kiện của nam giới - tài trợ. Năm 2017, họ thực hiện với 2.000 nam giới Anh, kết quả ta có Báo cáo về nam tính 2017 của Harry’s.
Năm 2018, họ cho làm tại Mỹ, quy mô hơn, đi vào chiều sâu hơn, hỏi cả đến giới tính thầm kín, về việc tham gia quân ngũ, khuynh hướng tình dục, quan điểm chính trị... Vì thế có thể nói, cho tới nay, Báo cáo về nam tính 2018 của Harry’s là nghiên cứu thấu đáo nhất về nam tính Mỹ được chấp thuận về mặt đạo đức và học thuật.
Để đàn ông thấy "yên lành"
Qua khảo sát, người ta thấy các yếu tố sau khiến một người đàn ông Mỹ hạnh phúc và có PMI cao:
1. Có công ăn việc làm tốt nghĩa là "an lành"
Đàn ông phải có công ăn việc làm mới thấy yên ổn. Hài lòng trong công việc sẽ kéo theo đủ thứ hài lòng khác. Hài lòng với công việc không nhất thiết phải là tiền, mà đúng hơn là "có ảnh hưởng tới thành công của công ty".
Đây là yếu tố hàng đầu mang lại suy nghĩ tích cực cho đàn ông. Người nào càng thỏa mãn với công việc thì PMI càng cao. Họ lạc quan, hạnh phúc, có động lực, ổn định về tình cảm, tự tin.
Cái này thì cả đàn ông Mỹ lẫn đàn ông Anh (và khắp mọi nơi?) đều giống nhau. Họ đều sung sướng nhất khi thấy mình góp được cái gì đó giá trị cho nơi làm việc, giao thiệp tốt với đồng nghiệp, và dĩ nhiên được trả công xứng đáng.
"Tuy đúng là ta không thể mua hạnh phúc, nhưng sự hài lòng vì đã nuôi sống được người khác, đặc biệt là những người trong gia đình, chính là cột trụ của cảm giác mình đã sống có mục đích tích cực".
Ngược lại, không có việc làm khiến đàn ông ảm đạm. Khảo sát đề nghị những người làm chính sách nên lưu ý: để ổn định xã hội, cần mang lại công việc cho những con người này. Đó không chỉ là hi vọng cho họ, mà đôi khi là lý do để họ sống tiếp và sống có trách nhiệm.
2. Chìa khóa là "khỏe tại tâm"
Khảo sát cho thấy mạnh khỏe - cả bên ngoài lẫn bên trong - là yếu tố đứng hàng thứ hai khiến một người đàn ông có PMI cao. 52% đàn ông Mỹ nói tinh thần mạnh khỏe quan trọng hơn thể xác mạnh khỏe. 43% bảo hai thứ ấy ngang nhau.
Tuy vậy thật khó mà tách bạch được hai thứ mạnh khỏe ấy vì chúng có một quan hệ nhân quả. Lòng vui thì mặt cũng hồng hào. Chân đau cũng không nghĩ được điều gì hay ho. Ta chỉ có thể nói: "Người mạnh khỏe là người hạnh phúc".
Mạnh khỏe về thể chất không có nghĩa là chỉ nghĩ đến hình hài, biến mình thành nô lệ cho các bài tập, chế độ ăn để ai ai cũng phải say đắm mình. Mạnh khỏe đây đơn giản là "không có bệnh", ăn uống vệ sinh, vẻ ngoài tươm tất, soi vào gương tự thấy hài lòng vì mình biết giữ mình gọn gàng, năng động.
Trái lại, vẻ ngoài nhem nhuốc thường là một chỉ dấu của tinh thần sa sút. Để điều trị những người đang trầm cảm, người ta gợi ý hãy bảo họ ăn uống tử tế, ra ngoài tập thể dục với "xã hội", chăm sóc bề ngoài cho bảnh bao, lấy cái bên ngoài vực dậy cái bên trong.
3. Đàn ông trưởng thành giống rượu lên men đủ
Trái với quan niệm thông thường về "khủng hoảng giữa đời", khảo sát này cho thấy đàn ông trung niên Mỹ hạnh phúc hơn đám thanh niên; đặc biệt là ở lứa 50, được coi là "đỉnh của tích cực tính", như rượu cất lâu và đến lúc ngon.
Kết quả này sẽ là một nguồn khích lệ với các anh tre trẻ: hãy cứ yên tâm, đoạn đời đẹp nhất vẫn còn để sẵn đây, chỉ cần các anh giữ sao cho đời mình lành mạnh tới lúc trung niên.
4. Quan hệ cần ổn định
Yếu tố đứng hàng thứ năm khiến suy nghĩ tích cực là "đã lập gia đình". (Ở Anh, yếu tố này đứng hạng nhì. Có lẽ trời âm u khiến người ta càng tha thiết một tổ ấm chăng?) Đàn ông với hôn nhân đàng hoàng có PMI cao, theo sau là những người có quan hệ ổn định. Đàn ông độc thân kém vui nhất, còn tệ hơn cả những người đã ly dị và thậm chí thua cả các ông góa vợ.
Trong nhóm có gia đình, đàn ông có con suy nghĩ tích cực hơn. Những người sau khi ly dị không liên lạc với con cái nữa thường có tinh thần dễ suy sụp.
5. Bạn bè là rất cần
Nhiều phụ nữ hay thắc mắc, nhà có cà phê đó, trà đó, bia đó, mồi ngon đó, sao cứ ra quán lem nhem ngồi với bạn. Đàn ông cần bạn. Những thứ mới liệt kê trên chỉ là phụ. Họ cần giao lưu là chính. Những người nhiều bạn thường có PMI cao.
Cũng thế, theo khảo sát, đàn ông thích thể thao là vì nó cho cảm giác lành mạnh, đua tranh, và có thứ để bàn tán với "nhân gian". Khía cạnh xã hội của thể thao - chơi trong một đội, hoặc cùng làm vài ly giải khát sau đó - còn quan trọng gấp nhiều lần so với việc thắng thua, kỹ năng, luyện thân hình đẹp.
Với họ, tham gia là vui cái đã, thấy mình vẫn còn xã hội bao quanh. Sự an tâm ấy khiến họ bình an, và điều đó dẫn đến bình an cho vợ con họ.
6. Sống trong quân ngũ khiến người ta tự tin
Báo cáo về nam tính 2017 của Harry’s cho thấy việc từng tham gia vào quân đội là có liên quan đến PMI cao. Những người hiện đang trong quân đội có PMI cao nhất. Ngay cả những người đã tham gia từ lâu lắm rồi thì giờ vẫn có PMI cao hơn những người cả đời chưa từng nhập ngũ.
Dĩ nhiên những người làm khảo sát cũng biết đến các khía cạnh tiêu cực của việc đi lính, đặc biệt với những người trải qua các sự kiện thảm khốc, đến nỗi không tái hòa nhập được đời sống thường, phải tìm quên trong rượu và thuốc. Nhưng trong toàn cuộc khảo sát này, yếu tố "từng trong quân đội" đứng hàng thứ bảy khiến PMI tăng, đặc biệt là với những người sống ở vùng Trung Tây nước Mỹ.
Có lẽ đó là tâm lý đàn ông: muốn thấy mình được tham gia vào một thứ gì đó lớn hơn bản thân mình; đó là tổ quốc, là tình cảm "chiến hữu". Dường như ngay cả khi không còn trong quân ngũ, thì niềm tự hào, các giá trị, dáng vẻ quân nhân, cấu trúc đội quân... vẫn còn vương vấn trong lòng họ.
7. Người Cộng hòa nghĩ tích cực hơn
Theo khảo sát này, những người bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa thường suy nghĩ tích cực hơn người theo Đảng Dân chủ, PMI của họ cao hơn. Những người không theo đảng phái nào có PMI thấp nhất. Có lẽ do những người này bản tính quá kiêu, quá khó khăn chăng, thấy đảng nào cũng không thể đại diện cho mình. Mà ở đời, người quá kiêu quá khó có lúc nào suy nghĩ tích cực!
Kết quả cuộc khảo sát này cho thấy đàn ông hiện đại Mỹ là một người đạo đức. Khi được hỏi những đặc điểm nào đáng khát khao, anh ta chọn ra những giá trị hướng đến người khác hơn là hướng về mình: trung thực, đáng tin, tôn trọng người khác, trung thành, độc lập. Cuối danh sách mới là "tráng kiện". "Chứng tỏ con đường dẫn tới hài lòng đích thực là đến từ bên trong chứ không phải từ vẻ đẹp bên ngoài".
Khảo sát cũng thấy đàn ông Mỹ nói chung là hạnh phúc, ít nhất là hơn đàn ông Anh. PMI của đàn ông Mỹ cao hơn mức trung bình.
Rồi sao nữa?
Một nghiên cứu đã tiến hành trên 5.000 người thì không phải để cho vui. Cái mô hình khiến một người đàn ông Mỹ hạnh phúc vào năm 2018 mà nó tổng kết được có thể sẽ rất khác với mô hình ấy trong mươi năm tới, hoặc thậm chí ngay lúc thực hiện đã rất khác so với tâm lý đàn ông các nước khác.
Tuy nhiên, mô hình ấy, dù chỉ của 5.000 người, là rất đáng tham khảo. Nó khiến những người làm chính sách, hoặc ở quy mô bé hơn là các chủ công ty, các bà vợ phải ngẫm nghĩ: làm gì để cải thiện PMI của một người đàn ông.
Khảo sát này có câu trả lời chắc nịch, đó chính là "một công việc khiến người đàn ông hài lòng"; một việc gì đó khiến anh ta thấy mình sống có ý nghĩa, góp phần vào điều gì đó lớn lao hơn.
Vậy là, nếu ta có một nhân viên cặm cụi làm việc nhưng lại không nhìn ra ý nghĩa của công việc ấy, chỉ thấy vô nghĩa, phí thời gian, tủn mủn, thì việc của những người muốn giúp anh là tìm ra ý nghĩa đích thực (nếu có) của công việc ấy để anh yên tâm làm và cống hiến.
Còn muốn hủy hoại một người đàn ông? Hãy nhồi vào đầu anh ta mỗi ngày rằng công việc của anh là tầm thường, là vớ vẩn chẳng tới đâu, dù mọi người thừa biết thiếu những con người làm những công việc căn bản ấy thì các hoạt động đều đình trệ.
Cuối cùng, phụ nữ cũng nên biết, khó nhất nhưng lý tưởng nhất để một người đàn ông hài lòng là: một công việc có ý nghĩa để bảo vệ và nuôi sống được người khác; cộng với sự lành mạnh về tinh thần, tươm tất về thể chất; cộng với tình bạn vững chắc và các quan hệ xã hội trong lành.
Thế đấy, trong ba yếu tố trên không có tên các chị!
Lược dịch từ tóm tắt báo cáo của Harry’s.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận