Triết gia John Dewey từng nói, ta cũng là một cái cây.

Cây viết khoa học Amanda Gefter cho tờ Nautilus kể chuyện có lần mua cây cảnh để trang trí, và từ lúc mang cây về, đêm nào cô cũng nghe tiếng sột soạt trong phòng.

Sau ba đêm theo dõi, thủ phạm hóa ra chính là cái cây: những cành nhánh vươn lên trong lúc đám lá so kè chèn ép nhau. Amanda bỗng thấy đám cây thú vị hơn, như có hồn.

Hóa ra chúng ta là một rừng cây - Ảnh 1.

Cô mua thêm nhiều cây nữa, để chật cả ban công. Cô chăm cây cẩn thận, lo cây đủ nước không, đủ ánh sáng không…, nhưng chưa một lần tự hỏi: "Cây đang nghĩ gì?".

Những người như Amanda được gọi là "mù cây cỏ" - một thuật ngữ do nhà khoa học Paco Calvo nghĩ ra. Calvo có một phòng thí nghiệm trong Đại học Murcia (Tây Ban Nha), chuyên nghiên cứu hành vi của cây cỏ.

Hóa ra chúng ta là một rừng cây - Ảnh 2.

Tuyên bố như thế chẳng khác nào giỡn mặt với quan điểm truyền thống về nhận thức, cho rằng nhận thức nằm cả trong đầu, có được là nhờ sự truyền dẫn tín hiệu của các neuron thần kinh trong não.

Mà cây lại không có lấy một bộ não. Bổ một cái cây ra, ta tự hỏi, nếu nói cây có trí khôn thật thì trí khôn đó cất ở đâu?

Theo Calvo, hỏi kiểu đó tức đã chọn xuất phát điểm sai. Biết đâu nhận thức, trí khôn của cây (và của cả ta) không nằm hết ở não. Và Calvo đề nghị chúng ta hãy thử xem lại một lần toàn bộ khung lý thuyết đã quá quen kia.


Hóa ra chúng ta là một rừng cây - Ảnh 3.

Bản thân Calvo thoạt đầu cũng không quan tâm tới cây cỏ. Ông chỉ quan tâm tới trí óc con người. Vào những năm 1990, Calvo bắt đầu nghiên cứu về nhận thức, về những gì có trong não.

Quan điểm thống trị lúc ấy coi não là một loại máy tính. Máy tính chạy bằng các nguyên tắc logic (thuật toán) và não suy ra cũng thế.

Tuy nhiên Calvo thấy không phải thế: Máy tính giỏi về logic, về thực hiện những phép tính dài và chính xác (con người lại kém mấy môn này), nhưng sự "lý luận" của máy tính chỉ tốt nếu dữ liệu ta cung cấp cho nó cũng tốt, cũng rõ ràng.

Trong khi đó, con người có một biệt tài là ở giữa một đám ồn ào, mơ hồ, đầy lỗi… vẫn vận hành tốt, trực giác tốt, nhận ra được "mẫu" (ví dụ thấy trong bụi loáng thoáng vài sọc vằn biết ngay là có hổ).

Việc đánh đồng não với máy tính rồi cho rằng nhận thức chính là xử lý các ký hiệu và tuân theo các quy tắc - như máy tính - theo Calvo là sai.

Calvo đi tiếp sang ANNs, mạng lưới thần kinh nhân tạo - một thứ máy tính vận hành theo cung cách sinh học, tức là thay vì dùng thuật toán để xử lý các ký hiệu, chúng xử lý bằng những mạng lưới liên kết rộng, lại có khả năng vừa làm vừa học (như người), có thể phán đoán tương đối chỉ bằng những manh mối khá sơ sài, dữ liệu đầu vào cũng không bắt buộc phải đúng toàn bộ ("như người" mà!).

Hóa ra chúng ta là một rừng cây - Ảnh 4.

Calvo thấy trí tuệ của hệ thống nhân tạo ANNs dù cao tới mấy và có nhiều ứng dụng tới mấy vẫn không giống trí tuệ của động vật sống.

Theo ông, hệ thống sinh học "xịn" vận hành theo cách hoàn toàn khác. Calvo quyết phải tìm cho ra cách vận hành ấy, để xem thế giới sinh học tri giác, nghĩ ngợi, tưởng tượng và học hỏi thế nào.

Nhưng chọn đối tượng nào để nghiên cứu đây? Ông lý luận: trong lịch sử tiến hóa rất dài, loài người đã song hành với nhiều dạng sống khác, nhiều dạng nhận thức khác. Vậy sao không bắt đầu bằng những hệ thống sống căn bản nhất, rồi từ đó nghiên cứu lên cao?

Đó chính là thực vật. Để hiểu cách hoạt động của trí não con người, Calvo bắt đầu bằng cỏ cây.

Hóa ra chúng ta là một rừng cây - Ảnh 5.

Calvo thấy: thực vật tuy không có một bộ não nhưng có thể cảm nhận các thứ xung quanh nhờ các bộ phận "không phải não".

Hóa ra chúng ta là một rừng cây - Ảnh 6.

Từ đó, cây có cách cư xử thông minh đối với xung quanh. Rễ chúng biết tránh chướng ngại vật. Chúng biết phân biệt "ta" với "không phải ta", lạ với quen.

Nếu xung quanh xúm xít, chúng sẽ chọn lên cao để có được ánh sáng; nếu nguồn dinh dưỡng giảm, chúng sẽ ưu tiên nở bộ rễ. Những chiếc lá bị côn trùng gặm sẽ gửi tín hiệu để báo cho đám lá còn lại; và khi tái ngộ kẻ trong quá khứ đã từng làm hại, chúng sẽ phản ứng nhanh hơn.

Cây "trò chuyện" với nhau và với các loài khác. Calvo nói, chúng có một vốn từ vựng hơn 1.700 "từ" dưới dạng phức hợp hữu cơ bay hơi được; nhờ đó chúng có thể gửi tới "quần chúng" những thông điệp, ví dụ "Sâu tới kìa!" hoặc "Bỏ mẹ chưa, máy cắt cỏ!".

Hóa ra chúng ta là một rừng cây - Ảnh 7.

Nếu một cái cây chỉ đáp ứng với môi trường theo cách 1:1 "chan chát" thì cũng hợp lý khi bảo cây không có quan điểm, không biết suy nghĩ, chỉ thuần tự động.

Nhưng trên thực tế, cây sống trong thiên nhiên đầy bất trắc, rễ lại chôn một chỗ, thế mà vẫn phải giải quyết bao nhiêu sự vụ để sống sót được.

Có nghĩa là, cây phải biết đặt ưu tiên, tấn công xen thỏa hiệp, thay đổi chiến thuật… Vì thế Calvo cho rằng cây có một năng lực xử lý bao quát, một nhãn quan ở mức cao hơn, và đó chính là thứ giúp cây có tình cảm, cảm giác.

Cái gì? Có tình cảm? Có cảm giác? Nói cây thông minh còn có thể. Nói cây có tính thích nghi - chắc chắn rồi. Nhưng nói cây có tri giác, có tình cảm, có nhận thức? Ta lập tức nghe quanh đây có tiếng nghiến răng kèn kẹt.

Hóa ra chúng ta là một rừng cây - Ảnh 8.

Calvo không đồng ý chính ở điểm này. Nếu bằng chứng cho thấy điều ngược lại, thì theo ông, đã đến lúc phải xem lại lý thuyết. "Chúng ta đã thấy cây cỏ làm được những điều tuyệt vời, mà chúng lại không có neuron, nên có lẽ chính chúng ta cần xem lại cái tiền đề chủ chốt, rằng phải có neuron mới có ý thức".

Hóa ra chúng ta là một rừng cây - Ảnh 9.

Theo quan điểm truyền thống về nhận thức, ta cần cơ thể để ăn, ngủ, thở, bài tiết… Còn bộ não, như một "thánh đường", lặng lẽ, một mình trong bóng tối mà tri giác, lưu trữ, ngẫm ngợi.

Cái ý tưởng cho rằng ý thức nằm cả trong bộ não đã thấm quá sâu vào khoa học và văn hóa của chúng ta, vào lời ăn tiếng nói, đến nỗi không ai lật lại xem xét ý tưởng ấy.

"Chúng ta thậm chí không nhận ra mình đang thâu nạp một quan điểm vẫn ở dạng giả thuyết," nhà sinh vật học Louise Barrett của Đại học Lethbridge từng thốt lên như thế.

Ngày càng nhiều khoa học gia và triết gia như Calvo và Berrett "chất vấn" lý thuyết tượng đài kia, khi thấy nó không tương thích lắm với những gì ta hiểu biết về sinh vật.

Để hiểu về thứ ý thức hoang dã "trời cho" của sinh vật, theo Barrett, việc đầu tiên là chúng ta hãy ngừng coi bản thân là những cỗ máy.

Hóa ra chúng ta là một rừng cây - Ảnh 10.

Chúng cho rằng nhận thức, ngoài phần não đảm nhiệm, còn đến từ việc cơ thể va chạm, tương tác với môi trường (rồi tự quyết, chẳng phiền đến não), hoặc thậm chí nhận thức ấy có thể mở rộng ra khỏi cơ thể (như chiếc điện thoại thông minh vắng ta vẫn lưu dữ liệu và vận hành khéo còn thông minh hơn).

Hóa ra chúng ta là một rừng cây - Ảnh 11.

Một thí dụ rõ nhất về sự "không não vẫn sống ổn" chính là tế bào - đơn vị căn cơ nhất của sự sống.

Trong tế bào chứa các mạng lưới chuyển hóa có khả năng tự tạo ra không ngừng các "phụ kiện" cho chính tế bào, thí dụ màng tế bào.

Đáp lại, màng tế bào bao bọc giúp các mạng lưới chuyển hóa kia vận hành êm ái, không rò rỉ. Tế bào sống phải thường xuyên trao đổi chất với môi trường: lấy dinh dưỡng vào, tống chất thải ra.

Màng tế bào - là nơi các chất đi qua đi lại - phải làm việc rất nghiêm ngặt, phải có "lập trường", giữa thế giới mênh mông phải tự phân biệt cái tốt với cái xấu, cái lợi với cái hại; uyển chuyển tùy theo nhu cầu liên tục thay đổi của tế bào.

Phẩm chất bao quát nhịp nhàng này, theo Calvo, là những bước đi đầu tiên của cảm xúc. Một công ty của những con người thông minh chúng ta liệu có xoay xở được khéo léo như một tế bào "thiếu não" kia không?

Hóa ra chúng ta là một rừng cây - Ảnh 12.

Để đúc kết, Calvo lặp lại lời một bậc thầy đi trước: "Ở đâu có sự sống, ở đó đã có tinh thần".

Đề cao thứ thông minh hoang dã "có từ trong trứng nước" ấy, phái 4E cho rằng tinh thần đến trước rồi não đến sau. Não xuất hiện khi bắt đầu có các cơ thể sống đa tế bào và di chuyển được.

Não sinh ra không phải để "diễn đạt" lại thế giới hay để tạo ra lương tri, ý thức, mà để củng cố mối gắn kết giữa hệ thống cảm giác với hệ thống vận động, nhờ đó từng cơ thể sống có thể hành xử như một khối toàn vẹn đơn lẻ, bôn ba trong môi trường của mình bằng cách nào đó khiến nó trở nên sống động nhất, đẹp nhất.

Giáo sư triết học Evan Thompson của Đại học British Columbia còn "chối bỏ" vai trò của não, đề cao tính tự chủ của cơ thể sống. Ông cho rằng "sống" tức là được "cơ cấu" theo một cách nào đó.

Hóa ra chúng ta là một rừng cây - Ảnh 13.

Con chim cần cánh để bay, nhưng "cái sự bay" không nằm trong đôi cánh. Cánh chỉ là cơ quan. Một đôi cánh rời không tự bay. Chính toàn thể con chim, khi tương tác với những luồng không khí được "nắn" theo chuyển động của nó, đã cất nó lên bầu trời.

Cây cỏ không có não, nhưng theo Calvo, hệ thống mạch phức tạp của cây xếp lớp không khác gì vỏ não. Ở mỗi chóp rễ cũng có các phân tử giống như chất dẫn truyền thần kinh của não, các tín hiệu vận động và cảm giác tại đây cũng được tích hợp như trong não, các tế bào chóp rễ cũng phát ra điện thế hoạt động như các neuron của não, nhưng chậm hơn.

Giống như não người, chóp rễ cây tập hợp mọi luồng cảm giác của nó, từ đó tạo ra hành vi mới giúp cây thích nghi với thế giới.

Hóa ra chúng ta là một rừng cây - Ảnh 14.

Calvo còn "nâng" thêm: cây đúng là không dùng não để diễn giải vạn vật quanh mình, cũng không có một thế giới tri giác riêng tư "nhốt" trong lòng, nhưng nếu chiếu theo khoa học nhận thức kiểu 4E thì chính chúng ta cũng có đâu!

Cái sai lầm, theo Calvo, là ta cho rằng nhận thức chứa trong đầu, trong khi đó, nhận thức thuộc về mối quan hệ giữa cơ thể sống với môi trường bao quanh nó.

Bởi vì, như Evan Thompson đã nói bên trên, não chỉ là một cơ quan giúp việc cho cơ thể sống.

Toàn bộ cơ thể sống có ý thức chứ không phải chỉ mỗi não có ý thức. Toàn bộ cơ thể sống tham dự đời sống và ghi nhớ chứ không phải mỗi não làm việc ấy.

Não giúp động vật có nhận thức, tạo điều kiện và kích hoạt cho nhận thức ấy hoạt động tốt. Nhưng não không phải là nơi chứa nhận thức.

Sau cuộc nói chuyện với Calvo, Amanda Gefter thú nhận mình bỗng nhìn cây bằng một con mắt hoàn toàn khác. Calvo đã dặn cô hãy nghĩ về cây như một thứ lộn ngược: "đầu" cắm trong lòng đất, "tay chân" và cơ quan sinh sản vươn lên trời và đu đưa.

Cây với cô không còn là thứ sinh vật vô tri mà là những "chủ thể" biết phấn đấu, biết thu xếp để sống với đời. Cô thậm chí có lúc còn tự hỏi, đám cây đứng trong chậu thế kia có thấy cô đơn không, có lo sợ không mỗi khi cô quên tưới, mỗi khi cô vần chậu cây lên bệ cửa sổ chúng có chóng mặt không?

Bản thân Amanda cũng thấy bớt làm một kẻ quan sát thụ động ru rú ẩn náu bên trong chính bộ não mình. Cô thấy mình giống một dạng sinh vật sống động, kỳ lạ, có tua, di chuyển xuyên qua vạn vật trong lúc vạn vật cũng di chuyển xuyên qua mình.

"Cỏ cây suy cho cùng không khác chúng ta đâu" - Calvo nói - Tôi không thổi phồng chúng, cũng không hạ thấp con người mà chỉ đưa cả hai về chung một bàn".

Những người đề ra khái niệm "nhận thức 4E" hướng tới sự bình đẳng ấy. Họ muốn chúng ta có lúc nào đó tự hỏi ta là ai trong thế giới tự nhiên này, ta quấn quýt với nó chặt chẽ cỡ nào, và nếu đứng tách biệt khỏi tự nhiên thì việc nhìn nhận chính ta còn hợp lý hay không? Và quan trọng nhất, sự phá hủy thiên nhiên mà chúng ta làm đây có đang từ từ làm suy giảm nhận thức hoang dã trời đã ban cho chúng ta không?

Bởi vì như triết gia John Dewey từng nói, ta cũng là một cái cây. "Bản chất con người tồn tại và vận hành trong một môi trường. Và không phải ‘trong’ môi trường như kiểu những đồng xu trong một cái hộp, mà như một cái cây trong đất và ánh sáng mặt trời. Nó là của ánh sáng mặt trời và của đất…

Hóa ra chúng ta là một rừng cây - Ảnh 15.
T. LINH
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp