Đoàn du khách leo núi đi giữa biển mây - : NGUYỄN HƯỜNG
Đỉnh Tà Chì Nhù với độ cao 2.979m so với mực nước biển là một cái đích chinh phục trong hành trang của nhiều người mê leo núi.
Chinh phục những con dốc
Khi những cơn gió mùa đông đầu tiên mang theo hơi lạnh tràn xuống phía bắc, chúng tôi bắt đầu xuất phát từ Hà Nội nhằm hướng Trạm Tấu (Yên Bái) thẳng tiến. Thời tiết se se lạnh và khô ráo là lúc thích hợp nhất để mọi người chinh phục đỉnh núi cao gần 3.000m. Sau một đêm nghỉ lại Trạm Tấu, chúng tôi bắt đầu tìm đường vào Mỏ Chì, thuộc xã Xà Hồ.
Cung đường từ trung tâm huyện vào khu Mỏ Chì tuy chỉ gần 20km nhưng khá lắt léo, uốn lượn với nhiều đèo dốc và thỉnh thoảng phải băng qua con suối. Giàng A Chư - sinh năm 1990, chàng porter (người khuân vác, dẫn đường) chuyên nghiệp mà chúng tôi thuê được ở bản Mông - cho biết muốn chinh phục đỉnh 2.979m phải vượt quãng đường leo núi gần 7km mà chỉ có lên dốc liên tục.
"Cung đường leo núi rất khó khăn vì địa hình ở đây nhiều núi đá, độ dốc lớn, vì thế các bạn, các anh chị phải có sức khỏe thật tốt đấy..." - Giàng A Chư khuyến cáo.
Và ngay từ những bước chân đầu tiên, mọi người đã phải băng một con dốc dựng đứng, cao ngất. Dù khá vất vả nhưng đến gần trưa, nhóm chúng tôi đặt chân tới địa điểm gọi là đồi Ba Cây, nơi có 3 cây dẻ mọc cao giữa ngọn đồi cỏ dại và là nơi dừng chân quen thuộc trên cung đường leo đỉnh Tà Chì Nhù.
Sau khi uống nước, nạp thêm năng lượng để có sức và ghi lại những khung cảnh hoang sơ, hùng vĩ xung quanh, chúng tôi tiếp tục lên đường chinh phục những độ cao mới. Những đoạn dốc ngược lên ở đây chỉ toàn đất đá lởm chởm hoặc phải len mình vào giữa những tán cây rậm rạp, nhiều khi để đặt một bàn chân vào lối đi cũng vô cùng khó.
Lạc vào miền hoa chi pâu (loài hoa không biết tên) hoang sơ, diệu kỳ - Ảnh: NGUYỄN HƯỜNG
Thưởng hoa, ngắm mây
Sau sáu tiếng leo núi, đến đầu giờ chiều, cả nhóm đã tới độ cao 2.500m. Trước mắt chúng tôi là một không gian bao la, quang đãng với những vạt rừng mênh mông cùng những bông hoa đang đua nở.
Hoa mang tên gì có lẽ đến nay vẫn chưa ai biết, ngay cả những người Mông sành sỏi như A Chư cũng chịu. Có lẽ vì thế mà người Mông đặt cho hoa lạ trên Tà Chì Nhù cái tên chi pâu (theo tiếng Mông có nghĩa là không biết, không hiểu).
Núi rừng hoang sơ, mây trời bao la, những nụ hoa nhỏ xinh khoe sắc cùng đàn dê núi nhởn nhơ gặm cỏ đã tạo ra bức tranh đẹp đẽ. Người Mông sống ở các bản quanh đó đã làm lán gần đỉnh để chăn thả ngựa, bò, dê.
Trên lưng chừng trời, những đàn gia súc tung tăng giữa rừng hoa, giúp cho bức tranh phong cảnh vốn đã đẹp càng có thêm hơi thở của cuộc sống, sự cuốn hút của muôn loài.
Điểm cắm trại đã được Giàng A Chư chọn trước là một bãi đất bằng phẳng và đặc biệt sáng sớm hôm sau thức dậy, mọi người sẽ ngắm một bình minh ấn tượng. Sau khi cắm trại xong, mọi người cùng A Chư chuẩn bị bữa tối với gà đồi chế biến thành các kiểu nướng, rang, luộc; thịt heo, cơm, canh, rau rừng và một chút rượu ngô cho ấm bụng.
Sau bữa tối, ai nấy cũng đã có một ngày mệt mỏi nên nhanh chóng chìm vào giấc ngủ say. Sáng hôm sau, khi ra khỏi chiếc lều bạt hà hít khí trời, trước mắt chúng tôi là biển mây trắng bao la, ôm ấp núi non. Những ngọn núi trùng điệp xanh biếc nổi lên như các hòn đảo giữa biển mây.
Đường lên đỉnh Tà Chì Nhù đã không còn xa, mọi người hứng khởi thu dọn hành lý và thảnh thơi bước đi qua những vạt núi tràn ngập hoa. Đỉnh Tà Chì Nhù giờ đã được gắn chóp inox với thông số chiều cao là 2.979m. Ở đây là một bãi đất khá bằng phẳng, mọi người bắt đầu nghỉ ngơi, uống nước, ăn nhẹ và chuẩn bị hành trang xuống núi.
Tà Chì Nhù (thuộc khối núi Phú Lương của dãy Hoàng Liên Sơn) thực ra chỉ là cái tên do các phượt thủ đặt, được ghi trên chóp inox gắn trên đỉnh núi này.
Với người dân tộc Thái, nó có tên là Phu Song Sung, còn người Mông gọi là Chung Chua Nhà. Với chiều cao 2.979m, đỉnh Tà Chì Nhù đứng thứ 7 trong các đỉnh núi ở Việt Nam theo số liệu mới nhất và là nóc nhà của tỉnh Yên Bái.
Với người sức khỏe tốt, trang bị đầy đủ phương tiện chuyên nghiệp có thể leo núi đi và về trong 1 ngày. Còn hành trình quen thuộc nhất cho mọi người là 2 ngày 1 đêm. Thời gian leo núi đẹp nhất vào tháng 10, 11 dương lịch khi vừa được ngắm mây vừa thưởng hoa chi pâu nở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận