Hoa khôi áo dài Lan Khuê: “Tuyết đã lôi cuốn tôi đến trang cuối cùng” - Ảnh: Hoàng Duy |
Có vẻ như Tuyết đã trở thành từ khóa mở ra những cảm xúc khác biệt đối với Lan Khuê - cô gái trẻ vừa được xướng tên cho ngôi vị cao nhất của cuộc thi Hoa khôi áo dài 2014, và sẽ trở thành đại diện của VN tại Hoa hậu thế giới 2015.
Cô bắt nhịp rất nhanh khi nói về sách. Với Khuê, sách vở thật sự là những người bạn thân thiết từ nhỏ trong một gia đình mà ông bà, cha mẹ, cô dì đều là giảng viên đại học. Cũng có chút bất ngờ bởi “gu” đọc sách khá đa dạng của cô nàng.
Riêng về Tuyết, Khuê bảo:
“Giống như chuyện tôi không thể ăn được thịt cừu, trong đời chỉ ăn một lần duy nhất mà đến giờ vẫn còn nhớ như in mùi vị của nó, Tuyết của Orhan Pamuk là một “món ăn” như vậy! Khô khan nếu chỉ nhìn lớp vỏ (một cuốn sách dày hơn 400 trang) và rất “khó nuốt” khi chỉ đọc vài trang đầu - một cốt truyện hơi nặng.
Nhưng rồi khi vượt qua những định kiến lúc đầu ấy, Tuyết có thể khiến bạn xúc động ở nhiều phía, với tôi là tình cảm rất mạnh mà tác giả Orhan Pamuk - qua Tuyết - đã gửi gắm lòng mình đến độc giả của ông”.
* Orhan Pamuk nổi tiếng là một nhà văn có lối viết không dễ đọc, câu chuyện của ông tất nhiên cũng không dành cho số đông. Khuê từng nói mình thích những cuốn sách nhẹ nhàng, vậy có gì ở Tuyết đã hấp dẫn Khuê đến thế?
- Tôi biết đến cuốn sách khi ghé chơi nhà người bạn. Lấy về rồi để một chỗ, không đả động gì cho đến một hôm nhà cúp điện, không có việc gì làm mới lấy đèn pin ra đọc vài trang. Bảo chứng duy nhất của tôi lúc đó chỉ bởi Orhan Pamuk từng đoạt giải Nobel văn chương năm 2006.
Tôi tin rằng một người như thế, sách của ông đương nhiên... không thể dở! Ka - nhà văn, nhân vật chính của câu chuyện - tìm đến một vùng đất mới để khơi lại cảm hứng văn chương với khao khát tìm được “nàng thơ” của chính mình...
Nhưng có lẽ đó chỉ là một cái cớ hợp lý để nhà văn bắt đầu hàng loạt câu chuyện về sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh...
Với lối viết của Pamuk, người đọc không bị kéo lê trong những nhịp điệu từ từ, chậm chạp mà cực kỳ dữ dội, “phanh gấp”, chuyển đổi liên tục. Riêng cách ông xây dựng tình huống và câu chuyện lại khiến tôi nhớ đến Dostoevsky khi tôi đọc Tội ác và trừng phạt.
Xung đột, chiến tranh vẫn xảy ra đâu đó ngoài biên giới này và khát khao của nhiều người không còn là ăn ngon, mặc đẹp nữa... Tuyết đã lôi cuốn tôi đến trang cuối cùng!
"Ðôi khi chúng ta chỉ lựa chọn niềm vui, chỉ lựa chọn những gì không rắc rối, chúng ta chọn yên ổn thì cuộc sống cứ thế trôi đi... Nhưng thực tế càng chìm vào trong sự yên bình thì chúng ta lại càng mất đi tính quyết liệt của đấu tranh và quan trọng là sự trung thực của bản thân... Tuyết là cuốn sách khiến tôi có thêm dũng khí, can đảm khi buộc phải chọn lựa giữa sự thật hay sự yên ổn... ". (Lan Khuê suy nghĩ sau khi đọc Tuyết). |
Và nếu 10 năm sau bạn có hỏi tôi về cuốn sách này, tôi tin rằng mình vẫn có thể nhớ như in câu chuyện đặc biệt ấy.
* Câu chuyện của Tuyết có giúp bạn được điều gì khi nghĩ về cuộc sống hiện tại?
- Những ai chờ đợi một phép mầu vào những kết thúc có hậu thì chắc chắn Tuyết không phải là lựa chọn dành cho họ. Một cái kết tàn bạo và nhân vật chính đã không còn lối thoát!
Nhưng vấn đề ở đây Orhan Pamuk là người của thời đại hiện tại, ông sinh ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và chứng kiến nguyên vẹn những xung đột về văn hóa, tôn giáo của một đất nước nằm ở cả Âu lẫn Á này.
Ðiều quan trọng là thông qua ngòi bút của mình, ông dũng cảm nói lên sự thật đó một cách thẳng thắn và không e dè.
Tôi nghĩ đây là điều khiến tôi vừa khâm phục lại vừa phải nghĩ ngợi rất nhiều, nhất là sau khi đóng Tuyết lại.
1 trong 10 cuốn sách hay nhất năm 2002 Theo bình chọn của tờ The New York Times, Tuyết (tựa tiếng Anh là Snow, bản tiếng Việt do dịch giả Lê Quang chuyển ngữ) nằm trong danh sách 10 cuốn sách hay nhất thế giới năm 2002. Năm 2006, sau khi tác giả - nhà văn Orhan Pamuk đoạt giải Nobel văn chương, nhiều tác phẩm của ông được Công ty sách Nhã Nam dịch ra tiếng Việt như Tên tôi là Ðỏ, Bảo tàng ngây thơ, Những màu khác, Pháo đài trắng... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận