Tình huống có thật xảy ra cách đây không lâu này được đưa ra để các nhà báo và chuyên gia truyền thông cùng thảo luận, thuyết trình trong buổi tọa đàm Giới và báo chí do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UNDP và nhiều đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam tổ chức ngày 18-10.
Một trong những câu hỏi được đặt ra để thảo luận là khi gặp câu chuyện một hoa khôi lên tiếng về việc mình là nạn nhân của quấy rối, bạo lực giới, thì viết tên tắt của nhân vật đã đủ để đảm bảo giấu danh tính cho nhân vật chưa, có nên dùng từ "hoa khôi" khiến hé lộ phần nào danh tính nhân vật trong bản tin?
Câu trả lời không đơn giản.
Thạc sĩ Trần Lệ Thùy (giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nói bạn đọc thích đọc tin tức liên quan tới những người nổi tiếng, vì vậy bỏ từ "hoa khôi" trong bản tin chắc chắn sẽ làm giảm mức ảnh hưởng của bản tin.
Nhưng ngược lại, nếu khai thác quá mức thông tin cá nhân này thì có nguy cơ khiến người đọc chỉ tập trung quan tâm tới vấn đề ngoại hình, vị trí của nhân vật mà không chú ý đến vấn đề cốt lõi là bạo lực giới.
Ngoài ra nó cũng khiến danh tính của nạn nhân bị tiết lộ nhiều hơn, có thể ảnh hưởng tới quyền riêng tư của nhân vật.
Vì vậy điều các nhà báo cần làm là cố gắng cân bằng các lợi ích: không giật gân hóa tin tức dẫn đến tổn hại tới nhân vật, nhưng đồng thời cân nhắc tối đa hóa lợi ích công mà bản tin liên quan tới nạn nhân là người nổi tiếng có thể mang lại cho cộng đồng.
Lợi ích công trong trường hợp bản tin một hoa khôi, người nổi tiếng bị bạo lực giới đó là nó sẽ rất thu hút sự chú ý của công chúng quan tâm đến câu chuyện chống bạo lực giới.
Vì vậy nhà báo trong từng trường hợp cụ thể có thể cân đong đo đếm giữa quyền riêng tư của nhân vật cần được tôn trọng và lợi ích công rất lớn trong việc chống bạo lực giới.
Trong một số trường hợp nhân vật hiểu tác động của truyền thông với họ khi tiết lộ danh tính nhưng họ chấp nhận vì việc xuất hiện của họ giúp ích rất lớn trong việc ngăn chặn những vụ việc tương tự tiếp sau, ngăn chặn những tổn hại cho xã hội, thì các nhà báo có thể lựa chọn đưa câu chuyện đầy đủ, với danh tính rõ ràng.
Nhưng nếu chỉ vì lợi ích thương mại của tờ báo chứ không phải vì lợi ích công thì việc tiết lộ danh tính của nhân vật là "không ổn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận