Khó thở, nhức đầu, buồn nôn... là những hiện tượng mà nhiều người dân sống tại các khu vực ô nhiễm này phản ảnh, trong khi cơ quan chức năng vẫn đang... tìm giải pháp.
Ngồi học phải mang... khẩu trang
Những đợt mưa lớn vào cuối tháng 10 vừa qua cũng không thể cuốn trôi những chất xú uế đang đọng lại âu thuyền Thọ Quang, TP Đà Nẵng. Dọc các con đường Chu Huy Mân, Trần Thánh Tông, Vân Đồn..., một bên là nhà cửa cao tầng san sát nhau, một bên âu thuyền với nước đen ngòm, đặc quánh, đủ loại rác nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối nặng nề.
Hàng trăm tàu thuyền đang neo đậu vẫn thản thiên xả thải, từ nước sửa chữa máy bám dầu mỡ đến rác sinh hoạt, chất thải sinh hoạt...
Do dịch vụ hậu cần phát triển, thuận tiện việc mua bán hải sản nên cảng cá Thọ Quang đã thu hút nhiều tàu cá của các tỉnh miền Trung cập về neo trú, gây ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Nước thải của tàu, dầu mỡ đến xác hải sản... được đổ vô tội vạ xuống biển.
Ông Nguyễn Nhàn (P.Thọ Quang) cho biết người dân tại khu vực này đang chịu cảnh “ô nhiễm kép”, mùi hôi thối từ âu thuyền và cảng cá, cùng mùi hôi từ các nhà máy chế biến hải sản. “Trong vòng bán kính 500m quanh Khu công nghiệp Thọ Quang, lúc nào cũng có mùi hôi... đặc trưng do chế biến hải sản và cá, tôm, mực phân hủy gây ra” - ông Nhàn nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Mã - giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải TP Đà Nẵng, đơn vị đang quản lý trạm xử lý nước thải Thọ Quang - cho biết hiện trạm đang hoạt động tối đa công suất với 20.000 m3/ngày đêm, xử lý nước thải của 22 nhà máy chế biến thủy sản tại khu công nghiệp này.
Tuy nhiên, ông Mã thừa nhận không thể loại trừ được mùi hôi mà chỉ có thể hạn chế được mùi hôi bằng các chế phẩm sinh học. “Chúng tôi sẽ bịt tất cả các ống xả nước thải từ các công ty ra hệ thống cống chung thành phố để hạn chế mùi hôi, khống chế lưu lượng và chất lượng nước thải, yêu cầu các doanh nghiệp tách hẳn nguồn nước” - ông Mã cho biết.
Tại Khu công nghiệp Mỹ Tho (Tiền Giang), tình trạng ô nhiễm mùi hôi do nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô lớn của Công ty Uni-President gây ra cũng làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người dân.
Theo người dân quanh nhà máy, mùi hôi đặc trưng của thức ăn chăn nuôi đã gây ra hiện tượng khó thở, buồn nôn, nhức đầu. Thậm chí học sinh, sinh viên các trường học ở gần nhà máy phải mang khẩu trang để học. Sở TN-MT đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu công ty này đầu tư thêm hệ thống xử lý khí thải nhưng vẫn chưa chấm dứt được mùi hôi.
Muốn được dời ra xa nhà máy
Bà Trần Trung Hiền (tổ 21, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng), sống cạnh tổ hợp bôxit Tân Rai (Lâm Đồng), cho biết vào những ngày trời nắng nóng, mùi hôi từ nhà máy này bốc lên khiến người dân không chịu nổi.
Dù chưa có đánh giá cụ thể nào về nước ngầm sinh hoạt, nhưng hơn 120 hộ dân sống xung quanh nhà máy alumin không dám dùng nước giếng cho những sinh hoạt của gia đình, phải đi chở nước từ những nơi khác về sử dụng.
Ông Nguyễn Hữu Bồn (bí thư chi bộ tổ 22, thị trấn Lộc Thắng) có nhà cách nhà máy alumin khoảng 500m cho biết trước đây nước được bơm lên bể lắng là có thể sử dụng nhưng nay phải mua lọc than hoạt tính, máy sục khí để lọc.
Theo bà Nguyễn Thị Mai (thị trấn Lộc Thắng), do nuôi con nhỏ nên bốn năm nay gia đình bà phải mua nước tinh khiết về nấu ăn. Lo lắng về tình trạng ô nhiễm, người dân ở khu vực này đều xin được dời ra khỏi khu vực sản xuất bôxit, nhất là chỗ gần nhà máy alumin, nhưng nhiều lần vẫn chưa được.
Trong đơn gửi Tập đoàn Than - khoáng sản VN, người dân khu vực này phản ảnh thường xuyên bị cay mắt, nóng rát mũi, đau đầu, buồn nôn và khó thở về ban đêm do phải hít thở trực tiếp đủ loại mùi hôi, như mùi vôi nung, mùi xút, mùi tanh, mùi khét, mùi cay...
Trong cuộc họp dân sống quanh nhà máy alumin vào giữa tháng 9-2016, ông Tường Thế Hà - phó tổng giám đốc Công ty Nhôm Lâm Đồng - thừa nhận: “Về môi trường thì thông số quan trắc có lúc vượt nhưng chúng tôi đã và đang cải tiến công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm”.
Theo bà Hiền, trước khi triển khai dự án này vào năm 2006, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bảo Lâm và Ban quản lý dự án bôxit Tân Rai đã cam kết sẽ tổ chức đưa người dân ra khỏi khu vực sản xuất alumin, cách ít nhất khoảng 2km.
Nhà máy đã hoạt động được bốn năm nhưng người dân vẫn không thấy nhắc đến chuyện di dời. “Sức khỏe, đời sống của hàng trăm hộ dân khu vực này đang bị đe dọa, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng không có cấp nào giải quyết và trả lời thỏa đáng” - bà Hiền nói và đề nghị được sớm bồi thường và di dời đến nơi sống an toàn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Thành, phó chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, công nhận “người dân có than phiền sức khỏe họ bị ảnh hưởng nhưng chưa có cơ sở đánh giá. Phải có đánh giá sâu về việc này”, đồng thời công nhận: đáng lẽ người dân được di dời ra khu vực cách nhà máy ít nhất khoảng 2km. Nhưng ở Bảo Lâm, Công ty Nhôm Lâm Đồng không có vốn di dời...
* Ông Trần Xuân Thành (giám đốc Sở TN-MT tỉnh Tiền Giang): Chưa có quy định kiểm soát ô nhiễm mùi hôi Hiện chưa có quy định nào kiểm soát ô nhiễm về mùi nên địa phương không thể xử lý Công ty Uni-President, dù đã xác định được mùi hôi từ doanh nghiệp này phát tán ra môi trường thời gian dài. “UBND tỉnh đã chỉ đạo lập phương án di dời công ty này ra khỏi TP Mỹ Tho. Tạm thời sẽ thường xuyên giám sát, nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm” - ông Thành nói. V.Trường * Ông Vũ Minh Thành (tổng giám đốc Công ty Nhôm Lâm Đồng): Không có lý do để di dời dân!? Chúng tôi đã nhận được thông tin này (người dân đề nghị được di dời ra khỏi khu vực nhà máy alumin - PV) và đơn tập thể của người dân. Tuy nhiên, những tác động của nhà máy chưa quá đáng, không có lý do di dời. Hiện chúng tôi đang lên kế hoạch để người dân tham gia hoạt động quan trắc môi trường. Đoàn quan trắc sẽ có sự tham gia của cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, Công ty Nhôm Lâm Đồng, người dân sống trong khu vực nhà máy alumin và đơn vị quan trắc. Người dân sẽ chỉ định đơn vị quan trắc, chỉ định địa điểm và thời gian quan trắc trong khu vực tổ hợp bôxit Tân Rai. Nếu kết quả quan trắc sau nhiều lần thực hiện chứng tỏ ô nhiễm vượt mức kiểm soát, chúng tôi sẽ có những đề xuất lên cấp trên để giải quyết nguyện vọng của người dân. |
Xử nặng doanh nghiệp gây ô nhiễm Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TP Đà Nẵng vừa được UBND TP Đà Nẵng giao nhiệm vụ kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống đấu nối, thu gom nước mưa, nước thải của các doanh nghiệp, yêu cầu thực hiện theo thiết kế đã phê duyệt. Doanh nghiệp có trách nhiệm xử lý cục bộ nước thải của đơn vị, đảm bảo xử lý đạt yêu cầu theo cam kết trong hồ sơ môi trường hoặc đạt yêu cầu về thiết kế đầu vào trước khi đưa nước thải về trạm xử lý nước thải tập trung. UBND Q.Sơn Trà kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với các đơn vị được quận phê duyệt hồ sơ môi trường, xử phạt thật nặng các đơn vị vi phạm. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị liên quan phải ưu tiên thời gian, tập trung xử lý sớm ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Theo đó, thủ trưởng các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm cá nhân trước chủ tịch UBND TP nếu không thực hiện đúng nội dung, tiến độ theo yêu cầu, để tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn ra tại khu vực này. Ám ảnh mùi hôi Tình trạng ô nhiễm ở Khu công nghiệp Bình Long và Khu công nghiệp Bình Hòa (Châu Thành, An Giang) đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều cư dân địa phương bởi thường xuyên bốc mùi hôi nồng nặc, đặc biệt là vào những thời điểm trời mưa. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Phong - trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh An Giang - xác nhận Khu công nghiệp Bình Long vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn theo quy định, địa phương đã nhiều lần kiến nghị và vừa được Bộ KH&ĐT chấp thuận phân bổ vốn cho xây dựng. Riêng Khu công nghiệp Bình Hòa đang triển khai hệ thống xử lý nước thải, dự kiến đầu năm tới sẽ đi vào hoạt động. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận