Trung tâm hòa giải đối thoại tại TAND TP.HCM - Ảnh: TUYẾT MAI
Án dân sự, hành chính: tăng cường hòa giải, đối thoại
Theo đó, trước thực trạng TAND hai cấp TP.HCM phải thụ lý và giải quyết các loại án lớn nhất cả nước về số lượng, đa dạng, phức tạp về tính chất, mức độ, đồng thời có một số vụ án hoàn toàn mới chưa có quy định của pháp luật và chưa có tiền lệ trong khi tình hình biên chế chưa đáp ứng đủ yêu cầu đã tạo áp lực rất lớn đối với tòa án.
Việc thành lập các trung tâm hòa giải đối thoại tại tòa án nhằm giải quyết hiệu quả các tranh chấp, không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội, hạn chế kháng cáo, kháng nghị, tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài, giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án.
Đồng thời, kết quả hoà giải, đối thoại góp phần hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân. Đặc biệt, hòa giải, đối thoại dựa trên nền tảng công tác dân vận là một giải pháp giải quyết tranh chấp hiệu quả, đây là kinh nghiệm của nước ta và nhiều nền tư pháp tiến bộ trên thế giới.
Ông Nguyễn Hòa Bình -Chánh án TAND Tối cao cho biết hoạt động của các Trung tâm đã góp phần giảm tải hoạt động của Tòa án - Ảnh: TUYẾT MAI
Tại hội nghị ông Nguyễn Hòa Bình (Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao) nói: Ý thức được tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, TAND Tối cao đã báo cáo và được Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương giao nghiên cứu xây dựng Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, thành lập các trung tâm hòa giải, đối thoại.
Trên thực tế việc triển khai thí điểm 6 tháng tại TAND hai cấp tại TP.Hải Phòng đã thu được kết quả rất khả quan, với tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành là 76,2%.
"Kết quả thí điểm cho thấy, việc thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án tạo ra một cơ chế mới hữu hiệu để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện, cơ bản phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Hoạt động của các Trung tâm đã góp phần giảm tải hoạt động của Tòa án, giúp hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, tạo niềm tin, phấn khởi trong nhân dân và doanh nghiệp, tác động tích cực đến việc ổn định các quan hệ xã hội tại địa phương" – ông Bình nói.
Sẽ hòa giải, đối thoại 2.000 vụ án
Thí điểm trên đã được triển khai tại 10 đơn vị gồm TAND TP.HCM và 9 TAND quận, huyện của TP.HCM (Quận 1, Quận 2, Quận 9, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Chánh, Củ Chi), mỗi đơn vị thí điểm thành lập 01 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Số lượng hòa giải viên, đối thoại viên của mỗi Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án căn cứ vào số lượng các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính phải giải quyết và tình hình thực tế tại địa phương.
Cụ thể, TAND TP.HCM có từ 15 đến 20 đối thoại viên, hòa giải viên và từ 5 đến 10 thư ký, tại các quận, huyện từ 5 đến 10 đối thoại viên, hòa giải viên và từ 3 đến 5 thư ký.
Hòa giải viên, đối thoại viên được lựa chọn từ những người là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chuyên viên pháp lý trong các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, công an, thi hành án, các cơ quan Đảng và nhà nước đã nghỉ hưu, luật sư, luật gia, hội thẩm nhân dân hoặc những người khác có kiến thức pháp luật, có năng lực, kinh nghiệm trong hòa giải, đối thoại, có uy tín trong cộng đồng.
Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND TP.HCM vừa hoạt động đã tiếp nhận nhiều hồ sơ - Ảnh: TUYẾT MAI
"Tính đến ngày 6-11-2018, chỉ sau 5 ngày đi vào hoạt động, tòa án đã chuyển cho 10 trung tâm hòa giải, đối thoại 655 hồ sơ khởi kiện các loại và dự kiến đến ngày 12-11-2018 sẽ tổ chức phiên hòa giải đầu tiên Dự kiến trong tháng 11-2018 tòa án sẽ tiếp tục chuyển khoảng 2.000 vụ án cho các trung tâm hòa giải, đối thoại" – bà Ung Thị Xuân Hương – Chánh án TAND TP.HCM cho biết.
Phát biểu tại hội nghị, ông Tất Thành Cang (Uỷ viên trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM) khẳng định việc thành lập các trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án nhân dân 2 cấp thành phố là bước chuyển rất lớn trong việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp và thủ tục giải quyết các vụ việc tại tòa án. Từ đó góp phần tạo sự đồng thuận giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, giúp tiết kiệm thời gian chi phí công sức của đương sự, của Nhà nước và toàn xã hội, đồng thời giảm tải cho công tác xét xử của tòa án và cho công tác thi hành án của các cơ quan thi hành án dân sự.
Ông Tất Thành Cang phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TUYẾT MAI
Theo đó các trung tâm hòa giải đối thoại sẽ tiến hành hòa giải các tranh chấp dân sự trong kinh doanh, thương mại, hôn nhân và gia đình lao động, đối thoại các khiếu kiện hành chính trước khi tòa án thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ông Tất Thành Cang tin tưởng rằng mặc dù là thí điểm nhưng các trung tâm hòa giải ở TP.HCM cùng với tòa án nhân dân phối hợp hỗ trợ để hoạt động đạt hiệu quả, thực hiện đầy đủ những mục đích yêu cầu theo kế hoạch số 301 của TAND tối cao.
"Lãnh đạo thành phố sẽ quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính tại TAND TP.HCM" – ông Cang nói.
Bà Ung Thị Xuân Hương - Chánh án TAND TP.HCM khẳng định các trung tâm hòa giải đối thoại sẽ giảm áp lực cho tòa án - Video: TUYẾT MAI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận