Truyện Hoa cúc áo của nhà văn Trần Đức Tiến bị công ty Mĩ thuật và Truyền thông làm thành tác phẩm phái sinh, vi phạm bản quyền từ năm 2008 đến nay - Ảnh: V.V.TUÂN
Họ không thẳng thắn thừa nhận sai lầm, không tích cực tìm cách sửa sai. Trung tâm Bản quyền văn học đã có công văn chính thức gửi cho họ, đề xuất phương án xử lý, nhưng cho đến nay, sau gần chục ngày, họ vẫn án binh bất động".
Nhà văn Trần Đức Tiến
Bên vi phạm đề xuất trả nhuận bút hơn 11 triệu
Sau khi nhà văn Trần Đức Tiến phản ánh truyện Hoa cúc áo của ông bị công ty cổ phần Mĩ thuật và Truyền thông vi phạm bản quyền suốt từ năm 2008 đến nay, ngày 18-9, ông Phạm Văn Thắng, giám đốc công ty này đã ký công văn gửi Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (đơn vị đã được nhà văn Trần Đức Tiến uỷ quyền).
Công văn giải thích, năm 2005, nhà xuất bản Giáo dục phối hợp cùng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục & Đào tạo) tổ chức cuộc thi sáng tác thơ, truyện cho lứa tuổi mầm non.
Nhà văn Trần Đức Tiến có gửi dự thi và đạt giải Nhất chùm truyện ngắn: Khi thạch sùng vỗ cánh, Kì Nhông chơi trốn tìm, Hoa cúc áo, Tia nắng.
Sau khi cuộc thi kết thúc, ban Mầm non - nhà xuất bản Giáo dục đã lần lượt lọc ra những tác phẩm có chất lượng, đáp ứng các mục tiêu của giáo dục mầm non để xuất bản.
"Năm 2007, nhà xuất bản Giáo dục tiến hành cổ phần các ban biên tập thành các công ty con, trong đó có công ty cổ phần Mĩ thuật và Truyền thông.
Lúc này công ty đã tuyển dụng và thành lập phòng biên tập sách và tranh ảnh mầm non, có kế thừa nguồn tư liệu của Ban mầm non trước để lại.
Năm 2008, các biên tập viên của công ty chọn lựa truyện Hoa cúc áo - một trong những truyện đạt giải cao ở cuộc thi nói trên để chuyển thể thành truyện nhiều minh hoạ với mong muốn giới thiệu tới trẻ mầm non trong cả nước một sáng tác văn học có ý nghĩa giáo dục tốt...."
Do không có kinh nghiệm, biên tập viên nghĩ rằng đó là sản phẩm của cuộc thi nên nhà xuất bản Giáo dục được phép sử dụng nguồn tư liệu. Trong trường hợp này, biên tập viên chưa hiểu đầy đủ quyền tác giả đối với tác phẩm gốc, đồng thời có quyền đối với những tác phẩm phái sinh.
Công văn giải thích
Công ty Mĩ thuật và Truyền thông đề xuất phương án xử lý là sẽ thanh toán nhận bút cho nhà văn Trần Đức Tiến số tiền nhuận bút hơn 11 triệu đồng, tính trên các xuất bản phẩm có truyện ngắn của ông từ năm 2008 đến nay.
Công ty này sẽ gửi tặng nhà văn Trần Đức Tiến 30 cuốn Hoa cúc áo, bổ sung tên đầy đủ của tác giả trên bìa sách trong lần tái bản tiếp theo đồng thời gửi email xin lỗi tác giả về sự việc trên.
Một cuốn sách khác của công ty Mĩ thuật và Truyền thông vi phạm bản quyền truyện Kỳ Nhông chơi trốn tìm của nhà văn Trần Đức Tiến - Ảnh: V.V.TUÂN
Bên bảo vệ bản quyền yêu cầu bồi thường hơn 100 triệu
Tuy nhiên, ngày 21-9, Trung tâm quyền tác giả văn học VN đã có công văn phản hồi nêu rõ, hành vi của công ty Mĩ thuật và Truyền thông đã xâm phạm nghiêm trọng các quyền của tác giả theo quy định tại điều 28, Luật Sở hữu trí tuệ:
- Chiếm đoạt quyền tác giả
- Mạo danh tác giả (từ năm 2008 đến 2015 trên trang bìa chính của ấn phẩm Hoa cúc áo và bìa lót ghi tên tác giả là Thu Hương)
- Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả
- Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả (chuyển thể tác phẩm thành truyện tranh minh hoạ)
- Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả
- Không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật
- Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Vì vậy, Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam đề nghị công ty Mĩ thuật và Truyền thông:
- Phải xin lỗi tác giả Trần Đức Tiến bằng văn bản và công khai văn bản xin lỗi trên phương tiện truyền thông đại chúng nhằm cải chính thông tin chưa chính xác, sai lệch và sai sót trong việc sử dụng tác phẩm
- Thu hồi toàn bộ các ấn phẩm Hoa cúc áo được in ấn, phát hành năm 2017 và các ấn phẩm hiện còn lưu hành trên thị trường các năm trước.
- Ngừng xuất bản tác phẩm Hoa cúc áo cho đến ngày đạt được thoả thuận mới về việc sử dụng với Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam.
- Bồi thường thiệt hại cho các hành vi xâm phạm quyền tác gỉa, quyền thân nhân, trong đó tiền làm tác phẩm phái sinh là 50 triệu đồng, tiền nhuận bút cho các ấn phẩm được in ấn từ năm 2008 đến nay là gần 18 triệu đồng, tiền phạt lãi chậm chi trả từ năm 2008 đến nay là gần 40 triệu đồng.
Tổng số tiền mà Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam đề nghị công ty Mĩ thuật và Truyền thông phải chi trả cho tác giả là 107,5 triệu đồng.
Công văn do ông Đỗ Văn Hàn, phó giám đốc Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam ký, đề nghị công ty Mĩ thuật và Truyền thông thực hiện các nội dung trên trước ngày 26-9.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Hàn cho biết, đến thời điểm hiện tại, đơn vị trên vẫn chưa thực hiện các đề nghị đó.
"Công ty Mĩ thuật và Truyền thông chủ động gửi công văn cho Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam sau khi được biết thông tin từ facebook của nhà văn Trần Đức Tiến.
Như vậy, công ty đã có thao tác để trả lời vi phạm của họ.
Nhưng chúng tôi thấy rằng công ty Mĩ thuật và Truyền thông chưa nhận thấy hết những sai phạm được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ.
Hơn nữa, công ty tính toán nhuận bút cho các nhà văn hết sức rẻ mạt.
Quyền công bố tác phẩm thuộc về tác giả, nhưng phía công ty khi làm tác phẩm phái sinh lại không hề hỏi ý kiến tác giả.
Biết đâu tác giả không muốn chuyển thể tác phẩm thì sao? Họ rất coi thường quyền nhân thân và quyền công bố tác phẩm của tác giả".
FB nhà văn Trần Đức Tiến ngày 17-9 cho biết công ty Mĩ thuật và Truyền thông đã gọi điện đề nghị ông gỡ bài viết về vụ việc trên facebook cá nhân...
Diễn biến vụ việc vi phạm bản quyền truyện Hoa cúc áo:
Ngày 16-9 nhà văn Trần Đức Tiến đăng trên trang cá nhân cho biết, truyện của ông được in thành sách tranh nhưng nhà xuất bản không hỏi ý kiến ông và tên tác giả sách lại là Thu Hương.
Ngày 17-9, ông cho biết, phía công ty Mĩ thuật và Truyền thông (thuộc NXB Giáo dục Việt Nam) đã gọi điện cho ông muốn được làm việc trực tiếp để giải quyết vụ việc và đề nghị ông gỡ bài viết về vụ việc trên facebook cá nhân.
Nhưng nhà văn Trần Đức Tiến đã uỷ quyền cho Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam làm việc với công ty Mĩ thuật và Truyền thông. Ông cũng khẳng định không gỡ bài về vụ việc trên facebook cá nhân.
Ngày 18-9, công ty Mĩ thuật và Truyền thông gửi văn bản đến Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam đề xuất hướng giải quyết vụ việc.
Ngày 21-9, Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam có công văn phản hồi, đề nghị công ty Mĩ thuật và Truyền thông phải bồi thường cho nhà văn Trần Đức Tiến tổng số tiền 107,5 triệu đồng.
Ngày 30-9, trên facebook cá nhân, nhà văn Trần Đức Tiến cho biết thêm, không chỉ truyện Hoa cúc áo mà truyện Kỳ Nhông trốn tìm của ông cũng bị công ty Mĩ thuật và truyền thông vi phạm bản quyền.
Ông thẳng thắn nói rằng, thái độ tiếp thu và xử lý sự việc của công ty này rất thiếu thiện chí.
Dự kiến, ngày 2-10, công ty Mĩ thuật và Truyền thông sẽ có phản hồi tiếp theo với Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam về vụ việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận