28/11/2024 08:29 GMT+7

Hòa bình Trung Đông trong tầm tay?

Thỏa thuận ngừng bắn bất ngờ giữa Israel và Hezbollah có hiệu lực từ sáng 27-11, đánh dấu bước khởi đầu cho chuỗi động thái hòa giải hiếm hoi sau hơn 14 tháng giao tranh ác liệt trong khu vực.

Hòa bình Trung Đông trong tầm tay? - Ảnh 1.

Em Aya Khater (bên phải) và cha em, ông Ibrahim Khater, trở lại ngôi nhà đã bị phá hủy của họ ở TP Tyre (Lebanon) vào ngày 27-11 sau khi lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah có hiệu lực - Ảnh: Reuters

Thỏa thuận giữa Israel và Hezbollah mang dáng dấp của chiến thuật "hòa bình dựa trên sức mạnh". Ngay trước khi lệnh ngừng bắn được Israel phê duyệt, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã không kích 20 địa điểm quanh thành trì của Hezbollah ở phía nam Beirut chỉ trong hai phút.

Đặc biệt, lần đầu tiên sau 24 năm, IDF tiếp cận sông Litani sâu trong lãnh thổ Lebanon vào ngày 26-11 nhằm gia tăng áp lực tối đa lên cả Chính phủ Lebanon lẫn lực lượng Hezbollah.

Chuyển biến lớn

Mặc dù vậy, bản chất của thỏa thuận lần này lại nhận được sự hậu thuẫn lớn từ hầu hết các bên có ảnh hưởng quan trọng trong cuộc xung đột ở Trung Đông. Đầu tiên là sự phê duyệt của Chính phủ Israel và lập trường ủng hộ của lực lượng Hezbollah thông qua đại diện trung gian là Chủ tịch Quốc hội Lebanon Nabih Berri.

Sau đó phải kể đến sự ủng hộ tuyệt đối của các bộ trưởng ngoại giao nhóm G-7 cùng với bộ trưởng ngoại giao "Nhóm năm nước Ả Rập" (gồm Saudi Arabia, Jordan, Ai Cập, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) tại hội nghị vừa diễn ra ở Ý.

Về phía Liên minh châu Âu, người đứng đầu chính sách đối ngoại Josep Borrell còn nhấn mạnh rằng "không có lý do gì" để Israel từ chối thỏa thuận ngừng bắn này.

Cuối cùng chính là lập trường hoan nghênh lệnh ngừng bắn từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmail Baghaei. Đây là động thái có tính "bước ngoặt" vì chính thức để ngỏ khả năng các lực lượng ủy nhiệm còn lại trong "Trục kháng chiến" do Iran điều phối cũng sẽ chấp thuận các mô hình đàm phán đình chiến tiếp theo với Israel.

Thỏa thuận có gì đặc biệt?

Với động thái "bật đèn xanh" từ Iran, nhiều nguồn tin cho biết phong trào Hamas đã thông báo với các đối tác trung gian ở Ai Cập, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ sẵn sàng tham gia vào một thỏa thuận ngừng bắn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cam kết sẽ "thúc đẩy thêm một lần nữa với Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Qatar, Israel và các quốc gia khác" để đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza, tạo động lực lớn cho các nỗ lực kiến tạo hòa bình tại khu vực trong những ngày cuối nhiệm kỳ của ông.

Thỏa thuận Israel - Hezbollah lần này đánh dấu sự khác biệt đáng kể so với các mô hình đình chiến trước đây giữa IDF và Hezbollah. Cụ thể, khác với thỏa thuận ngừng bắn năm 2006, lần này có sự tham gia của Mỹ và Pháp trong một cơ chế giám sát đình chiến "ba bên" mở rộng.

Cơ chế này ban đầu chỉ gồm lực lượng UNIFIL của Liên Hiệp Quốc, IDF và Lực lượng vũ trang Lebanon (LAF) nhưng đã bị tổng thống Mỹ thừa nhận là không hiệu quả do không ngăn chặn được các vi phạm đình chiến trên thực địa.

Không chỉ vậy, LAF sẽ cung cấp 5.000 - 10.000 quân tiến vào phía nam Lebanon thay thế lực lượng Hezbollah ở đây, cùng với UNIFIL tạo thành "vành đai an ninh" đảm bảo gỡ bỏ tất cả các hạ tầng quân sự của Hezbollah có thể đe dọa các tỉnh ở phía bắc Israel.

LAF cũng sẽ được củng cố năng lực bởi một ủy ban kỹ thuật quân sự (MTC) do Mỹ và nhiều quốc gia khác điều phối để cung cấp thiết bị, tài chính và các khóa tập huấn. Nói cách khác, Mỹ và Pháp sẽ đóng vai trò chủ chốt và giám sát thường trực quá trình thi hành và đảm bảo tính bền vững của thỏa thuận.

Tạm thời hay lâu dài?

Tuy nhiên thỏa thuận này vẫn còn ba điểm bất cập, trong đó nổi bật là tranh cãi về thẩm quyền đáp trả của Israel đối với các vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Hiện tại thẩm quyền này chỉ được xác định thông qua một "lá thư" do Mỹ bổ sung bên lề cuộc đàm phán.

Đáng chú ý, đại diện Chính phủ Mỹ đã từ chối cung cấp thêm thông tin về việc đảm bảo rằng Israel có quyền tấn công ngay lập tức vào Lebanon nếu Hezbollah bị cáo buộc vi phạm thỏa thuận, theo Thời báo Israel.

Điểm bất cập thứ hai nằm trong tuyên bố của Thủ tướng Israel Netanyahu, khi ông khẳng định Israel sẽ triển khai drone để giám sát các hoạt động trên bộ tại Lebanon. Dù hoạt động này không được đề cập trong thỏa thuận và bị Lebanon phản đối vì vi phạm chủ quyền không phận, ông Netanyahu vẫn khẳng định sẽ "duy trì quyền tự do hành động trong việc thực thi thỏa thuận". Điều này được ông nêu rõ trong thư cảm ơn gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 27-11.

Điểm bất cập cuối cùng liên quan đến mệnh lệnh cho phép IDF nổ súng vào thường dân Lebanon nếu nghi ngờ có các phần tử vũ trang Hezbollah trà trộn trong dòng người hồi hương về phía nam Lebanon sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.

Đây là vấn đề nhạy cảm, không chỉ ảnh hưởng đến dòng người hồi hương ở cả hai phía đường giới tuyến xanh giữa Israel và Lebanon, mà còn tiềm ẩn nguy cơ làm xung đột leo thang trở lại.

Rủi ro vẫn hiện hữu

Nhìn chung, thỏa thuận đình chiến giữa Israel và Hezbollah đang diễn ra phù hợp với các kế hoạch tiếp theo, bao gồm đàm phán giữa Israel và Hamas cùng các cuộc họp giữa thứ trưởng Ngoại giao Iran với Pháp, Đức và Anh, dự kiến vào ngày 29-11 tại Geneva (Thụy Sĩ).

Tuy nhiên rủi ro vẫn hiện hữu, làm tăng khả năng thỏa thuận chỉ mang tính tạm thời. Tiến trình hòa bình Trung Đông, dù đã có những dấu hiệu khả quan, vẫn đòi hỏi nỗ lực phối hợp lớn từ tất cả các bên để đảm bảo các thỏa thuận hiện tại và tương lai không bị phá vỡ.

Hòa bình Trung Đông trong tầm tay? - Ảnh 2.Chi tiết thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hezbollah

Israel và nhóm vũ trang Hezbollah đóng tại Lebanon sẽ bắt đầu thực hiện ngừng bắn sáng 27-11 (giờ địa phương) theo thỏa thuận do Mỹ và Pháp làm trung gian.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp