07/08/2016 08:38 GMT+7

“Hố tử thần” đường Trường Sa có thể liên quan cống thoát nước

N.ẨN - LÊ PHAN - THU DUNG
N.ẨN - LÊ PHAN - THU DUNG

TTO - Đến chiều 6-8, vị trí bị sụp tạo thành “hố tử thần” lớn, sâu hơn 3m trên đường Trường Sa (P.14, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) vẫn đang bị phong tỏa để đơn vị thi công xử lý sự cố.

Đơn vị thi công đóng cọc gia cố để phần miệng hố không bị mở rộng thêm - Ảnh: LÊ PHAN
Đơn vị thi công đóng cọc gia cố để phần miệng hố không bị mở rộng thêm - Ảnh: LÊ PHAN

Xung quanh vị trí hố sâu đã được các công nhân đóng cọc dài hơn 20m để giữ và gia cố phần đất quanh miệng hố không bị sạt xuống. Bên trong hố nước vẫn còn chảy từ ngoài kênh vào ngập khoảng nửa mét.

Một công nhân cho biết ngoài việc đóng cọc cũng sẽ kiểm tra phần nền đường xung quanh có dấu hiệu bị sụt hay không, chậm nhất tới thứ hai sẽ thông xe qua khu vực này, giải tỏa kẹt xe. Sau đó khắc phục và tái lập mặt đường.

Theo chỉ đạo của Sở GTVT, trong hai ngày tới, Ban quản lý dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè phối hợp Khu quản lý giao thông đô thị số 1 và Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật xác định chính xác nguyên nhân để có hướng xử lý.

Chậm nhất đến ngày 8-8 các đơn vị phải hoàn thành khôi phục mặt đường cho dân đi lại.

Theo TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông, có khả năng cống thoát nước bị gãy, bể dẫn đến đất cát phía trên bị lôi cuốn vào lòng cống gây lún sụp mặt đường.

Tuy nhiên cần xác định vị trí hư hỏng ở cống thoát nước phía trên (có đường kính 600-800mm) hoặc là cống bao (tuyến cống dài 8,5km và có đường kính 3m, dẫn nước ra trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh).

Nếu cống thoát nước phía trên bị bể thì mức độ thiệt hại sẽ ít hơn, còn nếu gãy mối nối tuyến cống bao sẽ thiệt hại nặng hơn vì tuyến cống bao đặt ở độ sâu 10-30m trong lòng đất.

Ông Sanh cũng nhận định việc gãy đứt mối cống là do thi công không đảm bảo chất lượng và cũng có thể do thiết kế không đảm bảo trên nền đất yếu.

Sở GTVT cần cho đào rộng khu vực bị lún sụt để xác định nguyên nhân hư hỏng và cần sử dụng máy siêu âm dò tìm khu vực lân cận để sớm phát hiện những vị trí bị lún sụt trong lòng đất.

Nếu sở cho tái lập ngay mặt đường chỉ vì sớm cho xe đi lại thì nguy cơ đường Trường Sa sẽ tiếp tục bị lún sụp.

Đồng quan điểm, ông Hà Ngọc Trường - phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM - cho rằng căn cứ vào hiện trường có thể nhận định sự cố bắt nguồn từ cống thoát nước thuộc dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Do quá trình mưa, đất nền quanh cống yếu, nước và bùn đất len lỏi vào cống hình thành bùn nhão xung quanh cống dẫn đến bể hoặc gãy mối nối giữa hai đốt cống, sụt lở mặt đường.

Theo Sở GTVT, việc phân luồng lại giao thông khu vực này áp dụng hết ngày 7-8. Cụ thể, đường Trường Sa (đoạn từ đường Đặng Văn Ngữ đến đường Bùi Thị Xuân), Q.Phú Nhuận: cấm tất cả các loại xe lưu thông. Lộ trình thay thế gồm 1: Trường Sa - Đặng Văn Ngữ - Lê Văn Sỹ - Phạm Văn Hai - Trường Sa, lộ trình 2: Trường Sa - Lê Văn Sỹ - Phạm Văn Hai - Trường Sa, lộ trình 3: Trường Sa - Nguyễn Văn Trỗi - Nguyễn Trọng Tuyển - Phạm Văn Hai - Trường Sa.

Đường Đặng Văn Ngữ (đoạn từ đường Trường Sa đến đường Lê Văn Sỹ), Q.Phú Nhuận lưu thông một chiều theo hướng từ đường Trường Sa đến đường Lê Văn Sỹ.

Lộ trình thay thế: lộ trình 1: Lê Văn Sỹ - Huỳnh Văn Bánh - Đặng Văn Ngữ, lộ trình 2: Lê Văn Sỹ - Trường Sa - Đặng Văn Ngữ.

Cầu số 5: cấm các loại xe lưu thông. Lộ trình thay thế: sử dụng cầu số 6, số 7, số 8, cầu Trần Quang Diệu, cầu số 9, cầu Lê Văn Sỹ để lưu thông. Theo Sở GTVT, việc phân luồng trên được thực hiện đến hết ngày 7-8.

N.ẨN - LÊ PHAN - THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp