25/09/2014 07:00 GMT+7

​Hỗ trợ tiền cho người hiến thận?

HỒ VIẾT TƯ (phó giám đốc Sở Tư pháp Thừa Thiên - Huế)
HỒ VIẾT TƯ (phó giám đốc Sở Tư pháp Thừa Thiên - Huế)

TT - Sau loạt bài “Vạch trần đường dây mua bán thận”, ông Hồ Viết Tư, phó giám đốc Sở Tư pháp Thừa Thiên - Huế, gửi đến Tuổi Trẻ một đề xuất về giải pháp ngăn chặn tình trạng mua bán thận.

Những người bán thận nằm chờ ở nhà nghỉ Thanh Nga (đường Ngô Quyền, TP Huế) - Ảnh: H.Lộc - Đ.Phú
Những người bán thận nằm chờ ở nhà nghỉ Thanh Nga (đường Ngô Quyền, TP Huế) - Ảnh: H.Lộc - Đ.Phú

Chúng tôi giới thiệu đề xuất này cùng với ý kiến phản biện của ngành y tế.

Cần một tổ chức thay thế đường dây mua bán thận

Đọc loạt bài về đường dây buôn thận vừa đăng trên báo Tuổi Trẻ (từ ngày 8 đến 13-9)tôi thật sự xót xa cho người bán thận phải chịu nỗi đau mất mát quá lớn, rủi ro sức khỏe quá cao, mà lợi ích vật chất thì quá thiệt thòi. Đồng thời cũng ray rứt cho các bệnh nhân đau thận, tiêu tốn quá nhiều tiền nhưng phần lớn tiền đó vào túi kẻ trung gian môi giới.

Thực tế, nhu cầu được ghép thận rất lớn và cũng có người muốn hiến nhưng không có nơi để thực hiện. Vì vậy, nhiều người Việt Nam phải sang các nước trong khu vực nằm chờ bán thận, nhiều người phải đi nước ngoài để được ghép thận với chi phí cao gấp nhiều lần trong nước.

Vấn đề đặt ra là làm cách nào để người cần ghép thận và người cần hiến thận gặp nhau mà không phải qua trung gian “cò mồi” môi giới?

Việc tự nguyện hiến các bộ phận cơ thể (trong đó có hiến thận) đã được pháp luật quy định rất rõ ràng, không cần bàn thêm nữa.

Điều cần trao đổi là nguyên tắc không nhằm mục đích thương mại (điều 4) và cấm mua bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác (điều 11) trong Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác (Luật HLGM...) hiểu thế nào cho đúng để các tổ chức, cá nhân thực hiện việc hiến, nhận các bộ phận cơ thể mà không vi phạm pháp luật.

Trong thực tế khó có ai tự nhiên đi hiến một bộ phận cơ thể mình cho một người không họ hàng, quen biết để chỉ nhận lại quyền lợi: được chăm sóc, phục hồi sức khỏe tại cơ sở y tế, được khám sức khỏe định kỳ, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí...(ngoại trừ người thân thích) theo quy định tại điều 17 của Luật HLGM...

Nhiều người chấp nhận hiến một bộ phận cơ thể của mình cho một người khác, ngoài những điều được hưởng theo quy định của pháp luật như trên, họ mong muốn nhận được một khoản giá trị tương ứng cho việc đánh đổi sức khỏe của mình. Đó không gì khác hơn là một khoản tiền mà người bệnh tự nguyện chi ra để đổi lấy cuộc sống, sức khỏe.

Đề cập việc nhận tiền và chi tiền trong việc hiến và nhận bộ phận cơ thể, nên hiểu rằng hoàn toàn không vi phạm nguyên tắc “nhằm mục đích thương mại” (sinh lợi cho người mua và người bán), lại phù hợp với nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận như quy định của Bộ luật dân sự.

Nó khác với đường dây mua bán thận, bởi những người mua bán thận mua thận của một người 150 triệu đồng, nhưng người cần ghép thận phải trả cho những kẻ môi giới này số tiền hơn gấp nhiều lần.

Họ lấy quá nhiều tiền của người bệnh, đã hoạt động vì mục đích sinh lợi và rõ ràng họ đã vi phạm cả nguyên tắc không nhằm mục đích thương mại và cả điều cấm mua bán mô, bộ phận cơ thể của luật hiện hành.

Ở nước ta đã có trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, nhưng do cơ chế ràng buộc bởi pháp luật như trên; mặt khác, do hiểu về việc hiến và nhận bộ phận cơ thể với việc tự nguyện hỗ trợ thích đáng của người bệnh đối với người hiến là hành vi mua bán, vì mục đích thương mại nên chẳng cơ quan nào dám đứng ra làm tổ chức trung gian cho việc hiến, nhận có tự nguyện hỗ trợ.

Để việc hiến, nhận hiến bộ phận cơ thể đúng quy định của pháp luật, đồng thời khuyến khích được người tham gia các chương trình hiến bộ phận cơ thể, tôi đề nghị cần một tổ chức trung gian cho việc hiến, nhận các bộ phận cơ thể nói chung và thận nói riêng, đúng theo quy định của pháp luật.

Nhà nước nên giao cho các cơ sở y tế nơi có năng lực ghép tạng đã được Bộ Y tế thẩm định và cho phép, đứng ra tổ chức tiếp nhận hiến các bộ phận cơ thể. Cơ sở y tế nghiên cứu mặt bằng chi phí cho một ca ghép tạng trên phạm vi khu vực ASEAN, chủ động đặt ra mức chi phí hợp lý cho một ca ghép tạng tại cơ sở mình.

Khoản tiền tự nguyện của người bệnh phải trả, sau khi trừ toàn bộ chi phí cần thiết cho một ca ghép tạng, còn lại nên ưu tiên hỗ trợ cho người hiến bộ phận cơ thể. 

Chỉ tặng phần quà nhỏ

Theo ông Nguyễn Viết Tiến, thứ trưởng Bộ Y tế, Luật HLGM... (được Quốc hội thông qua năm 2006) không cho phép trả tiền cho người hiến tạng, yêu cầu hiến tặng mô tạng là hành động thiện nguyện, hoàn toàn tự nguyện.

Trong điều 11 của luật, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm ép buộc người khác phải cho mô, tạng, mua bán mô tạng, lấy ghép, sử dụng, lưu giữ mô và bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại...

Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng luật và kể cả Hiến pháp là do con người soạn thảo, nếu điều gì khả thi và có lợi cho con người đều có thể bổ sung, sửa đổi.

“Tôi thấy việc hỗ trợ người hiến tặng tạng là việc nên làm. Như những người hiến máu hiện nay được hỗ trợ về xét nghiệm hay tặng phần quà nhỏ sau khi hiến máu. Nhưng đó là những phần quà nhỏ, còn nếu khoản hỗ trợ lớn như tặng người hiến tạng mấy chục triệu đồng thì bệnh viện không có tiền.

Còn để người ghép tạng chi trả thì sẽ có những người cần ghép tạng khó khăn không trả được chi phí này, chẳng lẽ họ không được ghép tạng? Vì thế đề xuất này trở nên không khả thi” - ông Tiến nêu ý kiến.

Về cách xử lý tận gốc những đường dây đen lừa người nghèo bán thận và các mô tạng khác, ông Tiến cho rằng cần đẩy mạnh vận động, truyền thông để người dân hiểu rằng hiến tạng cứu người là một hành động đẹp, trong đó tập trung vận động người chết não hiến tặng mô tạng.

Người VN có tập quán mong người thân qua đời được yên ổn, nhưng ở Ninh Bình những năm qua đã có rất nhiều người quyết định hiến tặng giác mạc của người thân vừa qua đời, điều đó đã giúp cho nhiều người mù được ghép giác mạc và sáng mắt trở lại. Những mô tạng khác nếu có nguồn hiến tặng tương tự thì những đường dây đen như vậy sẽ bị triệt tiêu.

Phải nghiên cứu thật kỹ

Ông Nguyễn Tiến Quyết - giám đốc Bệnh viện Việt Đức, đơn vị đã thực hiện ghép thận, gan, tim, van tim từ người hiến đã chết não và người hiến còn sống - cũng cho biết luật pháp hiện hành không cho phép trả tiền cho người hiến tặng mô tạng.

Về ý kiến nên có hình thức hỗ trợ tài chính cho người hiến tặng mô tạng một cách chính thức để giảm thiểu mua bán tạng thông qua các đường dây phi pháp, ông Quyết cho rằng đó là vấn đề phải được các nhà làm luật và chuyên gia nghiên cứu thật kỹ, bởi có mua bán là có những rắc rối hệ lụy nảy sinh.

L.ANH ghi

HỒ VIẾT TƯ (phó giám đốc Sở Tư pháp Thừa Thiên - Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp