Tranh minh họa: Bích Khoa |
Tuổi Trẻ Online cũng đã đặt thêm ba câu hỏi liên quan đến chuyện ấy để xem cách ứng xử của các học sinh như thế nào.
Câu hỏi 1: Bạn chia sẻ những vấn đề liên quan đến tình cảm, đến chuyện ấy với ai? Bạn bè, cha mẹ, thầy cô, anh chị?
Câu hỏi 2: Theo bạn, ở lứa tuổi của bạn, bạn được gì và mất gì sau/với chuyện ấy?
Câu hỏi 3: Bạn mong mỏi ở người lớn điều gì khi bạn liên quan đến chuyện ấy?
Và để tôn trọng sự riêng tư, TTO xin phép không ghi tên người trả lời và tên trường học.
Mời bạn đọc những nội dung trả lời bên dưới:
* Câu hỏi 1: Bạn chia sẻ những vấn đề liên quan đến tình cảm, đến chuyện ấy với ai? Bạn bè, cha mẹ, thầy cô, anh chị?
- V. TH. (nữ), học sinh lớp 12 trường P. (Hà Nội): Mình chia sẻ với người yêu...
- B. TH. (nam), lớp 11 trường H. (Hà Nội): Tôi không chia sẻ với ai cả, Với tôi, đó là chuyện gì đó riêng tư giữa tôi và cộng sự của mình.
- Một bạn giấu tên từ đầu (nam) lớp 9 trường T. (TP.HCM): Tôi chỉ chia sẻ với anh chị
- N. P.A. (nữ), lớp 11 trường L.: Bạn bè
- T.N. (nữ) lớp 10 trường P (TP.HCM): Chỉ dám nói với bạn bè hay anh chị, chứ phụ huynh hay giáo viên mà biết thì chỉ có nước dọn ra gầm cầu ở.
- H. Q.T. (nam), lớp 12 trường S (TP.HCM): Về chuyện tình cảm, tôi ít khi thổ lộ hay nói ra. Chỉ có một vài người bạn thân khác giới tôi mới dám chia sẻ với họ. Cũng một phần do cùng giới với người tôi có tình ý nên họ hiểu được tâm lý của người ấy hơn nên lời khuyên tốt hơn. Ngoài ra khi chia sẻ với họ thì họ cũng cảm thông cho tôi hơn, ít nhất là tôi thấy thế.
Về chuyện ấy, tôi hiện đang được học về giáo dục giới tính bởi giáo viên uy tín nên tôi khá dễ dàng bàn luận cũng như chia sẻ về chuyện ấy với bất cứ ai có nhu cầu chia sẻ.
- B.N. (nữ) lớp 12, trường Đ. (TP.HCM): Bạn bè
- N.T.T. (nam), lớp 12 trường V. (TP.HCM): Không chia sẻ với ai, tự tìm hiểu nhưng phải biết cái nào đúng, cái nào sai.
Câu hỏi 2: Theo bạn, ở lứa tuổi của bạn, bạn được gì và mất gì sau/với chuyện ấy?
- V. TH. (nữ), học sinh lớp 12 trường P. (Hà Nội): Mất trinh, mất tự tin.
- B. TH. (nam), lớp 11 trường H. (Hà Nội): Tại cái lứa tuổi 16-17 này chuyện ấy như một liều thuốc để giải tỏa sự tò mò tuổi mới lớn, cũng có thể là thứ hâm nóng tình yêu của một đôi trẻ. Hoặc đơn giản chỉ là tình dục.
- Một bạn giấu tên từ đầu (nam) lớp 9 trường T. (TP.HCM): Tôi không rõ lắm.
- N. P.A. (nữ), lớp 11 trường L.: Được: tình cảm với người kia bền chặt hơn. Mất: mất trinh
- T.N. (nữ) lớp 10 trường P (TP.HCM): Chắc là được "kinh nghiệm", mà mất thì chắc chắn là "mất trinh" rồi... Nếu không xài biện pháp an toàn thì lại gánh thêm tệ nạn xã hội/ có bầu nữa, nói chung là không ổn.
- H.Q.T. (nam), lớp 12 trường S (TP.HCM): Được và mất. Tôi thấy khái niệm được và mất gần như bị xóa nhòa trước dục vọng. Nếu ở lứa tuổi của tôi mà nghĩ thấu đáo được đến vấn đề này thì đã không còn tình trạng trẻ vị thành niên mang thai (không tính đến trường hợp cưỡng dâm). Ở tuổi sung sức như thế này, hầu hết ai cũng chỉ nghĩ tới cái trước mắt là "thích", thế thôi. Có ai mà nghĩ tới trách nhiệm? Có ai nghĩ tới gánh nặng của phái nữ? Chỉ vì "thích" trong vài phút cuộc đời mà lại vứt đi trách nhiệm. Cái mất sau chuyện ấy ở lứa tuổi này chính là tinh thần trách nhiệm.
- B.N. (nữ) lớp 12, trường Đ. (TP.HCM): Được: thỏa mãn ham muốn nông nổi tình dục. Mất: Sự tôn trọng của bạn bè, người lớn nếu biết chuyện; bị người ấy khinh thường và xem như một món đồ chơi để thỏa mãn khi cần; có những tổn thương về vật chất lẫn tinh thần; dễ có quan niệm sai lệch về tình dục, tình yêu.
- N.T.T. (nam), lớp 12 trường V. (TP.HCM): Được: thỏa mãn ham muốn, dục vọng. Mất: mất sự tôn trọng của mọi người, mất trinh, ảnh hưởng đến việc học tập và cuộc sống.
Câu hỏi 3: Bạn mong mỏi ở người lớn điều gì khi bạn liên quan đến chuyện ấy?
- V. TH. (nữ), học sinh lớp 12, trường P. (Hà Nội): Mong người lớn không nghĩ mình hư hỏng...
- B. TH. (nam), lớp 11 trường H. (Hà Nội): Chấp nhận và coi đó như một điều bình thường trong quá trình sinh trưởng.
- Một bạn giấu tên từ đầu (nam) lớp 9 trường T. (TP.HCM): Mong được người lớn lắng nghe và thấu hiểu.
- N. P.A. (nữ), lớp 11 trường L.: Muốn được thông cảm, được hiểu.
- T.N, (nữ) lớp 10 trường P (TP.HCM): Dù liên quan một cách vô tình hay cố ý thì người lớn cũng làm ơn giải quyết đàng hoàng giùm, đừng có tra tấn tâm lý là được. Nếu có hậu quả, tất nhiên là phải giải quyết rồi. Chuyện đâu còn có đó, tìm cách mà tính với nhau là được rồi.
- H.Q.T. (nam), lớp 12 trường S (TP.HCM): Nếu tôi có liên quan đến chuyện ấy và tôi nhận thức được việc mà tôi làm là không cần thiết và vô ý thức, thiếu trách nhiệm thì tôi chỉ mong người lớn lắng nghe và bỏ cái tôi của mình. Tôi muốn họ lắng nghe để họ hiểu rằng tôi biết mình sai, tôi sẽ sửa chữa nó, đừng công kích tôi và ghét bỏ tôi vì tôi đã nhận ra sai lầm của tôi, hãy cho tôi cơ hội và giúp tôi giải quyết vấn đề thay vì soi mói và làm nó to ra hơn nữa.
Tôi muốn người lớn bỏ cái tôi của mình. Họ sợ người ngoài chê trách, họ sợ mất danh tiếng, họ sợ đủ thứ. Xin nhắc lại người sai phạm là tôi, không phải họ.
- B.N. (nữ) lớp 12 trường Đ. (TP.HCM): Tha thứ. Tôn trọng. Vẫn yêu thương và che chở. Không đặt một tâm lý áp lực khi nói với mình về chuyện đã rồi.
- N.T.T. (nam), lớp 12 trường V. (TP.HCM): Hãy biết thông cảm và hiểu cho con em chứ đừng chửi sướng miệng.
Hầu hết những bạn được TTO hỏi đều chưa được học qua một buổi giáo dục giới tính nào. Một số ít cho rằng tình dục không phải là một chuyện xấu xa. Đa số chưa có thái độ tìm hiểu chuyện này nghiêm túc, thấu đáo. Cũng có những ý kiến cho rằng đây là chuyện cấm đoán.
Bạn có ý kiến gì sau khi đọc những câu trả lời này? Theo bạn, đâu là cách nhìn đúng đắn cho chuyện ấy ở tuổi học trò? Là phụ huynh, thầy cô, nên làm gì để hướng dẫn các em hiểu đúng, hiểu đủ chuyện ấy ở tuổi học trò? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận