Xây nhà tình thương cho người nghèo ở tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: T.N.
Theo đó, khoảng 230.000 hộ nghèo ở nông thôn chưa có nhà hoặc có nhà ở tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ đổ sập nhưng không có khả năng tự cải thiện nhà ở sẽ được Chính phủ hỗ trợ tiền để xây và sửa lại nhà ở.
Mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 40 triệu đồng
Mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho hộ gia đình nghèo ở nông thôn xây mới nhà ở là 40 triệu đồng và với hộ có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng.
Ngoài ra, các hộ nghèo ở nông thôn có nhu cầu vay vốn xây mới, sửa lại nhà sẽ được vay tối đa 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi vay ưu đãi 3%/năm, thời hạn vay 15 năm, ân hạn 5 năm.
Nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo nông thôn tạo lập nhà ở sẽ do ngân sách trung ương cấp, với nguồn vay ưu đãi thì ngân sách trung ương sẽ cấp 50% thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, 50% còn lại do Ngân hàng Chính sách xã hội tự huy động.
Phần chênh lệch lãi suất tại Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình nghèo ở nông thôn do ngân sách trung ương, ngân sách địa phương cùng hỗ trợ tùy theo tỉ lệ điều tiết ngân sách giữa trung ương với địa phương.
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, việc xây dựng, phê duyệt đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo ở nông thôn sẽ được hoàn thành trong tháng 9 năm nay.
Trong ba tháng cuối năm 2022 sẽ thực hiện hỗ trợ 10% số hộ nghèo thuộc diện hỗ trợ. Tiếp đó năm 2023 hỗ trợ khoảng 35% số hộ, năm 2024 hỗ trợ khoảng 35% số hộ, và trong năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu hỗ trợ 20% số hộ nghèo còn lại.
Trước đó, trong giai đoạn 2015 - 2020, Chính phủ cũng đã triển khai hỗ trợ các hộ gia đình nghèo nông thôn tại 58 tỉnh, thành phố trên cả nước xây mới và sửa chữa, nâng cấp nhà ở đạt tiêu chuẩn kiên cố.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến cuối năm 2020 bên cạnh số tiền hỗ trợ hộ gia đình nghèo nông thôn xây, sửa nhà ở, ngân hàng đã cho các hộ nghèo nông thôn vay ưu đãi thêm khoảng 2.800 tỉ đồng để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở.
Đồ họa: N.KH.
Lo ngại mức hỗ trợ quá thấp
Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cho thấy trên địa bàn xã hiện còn khoảng 70 hộ nghèo, nhưng những năm qua chỉ có một vài hộ nghèo nhận được tiền hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà ở từ Chính phủ.
Ông Vũ Anh Trung, phó chủ tịch UBND xã Chân Lý, cho biết năm nào xã cũng rà soát điều kiện nhà ở của các hộ nghèo trên địa bàn để lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền cải tạo nhà ở, nhưng không phải hộ nghèo nào cũng nhận được tiền hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa lại nhà ở. Chỉ những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà ở dột nát, xuống cấp, hư hỏng nặng mới đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ. Và những năm gần đây, mỗi năm cả xã chỉ có 3 - 5 hộ nhận được tiền hỗ trợ để xây mới và cải tạo nhà ở.
Từ thực tế hỗ trợ xây nhà cho người nghèo tại địa phương, ông Trung cho rằng mức hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở cho người nghèo là quá thấp. Để xây được một căn nhà cấp 4 đạt tiêu chuẩn, an toàn trước mưa bão tại địa phương phải bỏ chi phí khoảng 100 triệu đồng, trong khi người nghèo chỉ được hỗ trợ và cho vay ưu đãi khoảng 65 triệu, họ rất khó xoay xở đủ tiền để làm nhà.
Có một thực tế khác nữa là hộ nghèo nông thôn thường chỉ trông vào cây lúa, không có nguồn thu khác nên họ chấp nhận ở vậy chứ không dám vay thêm tiền ngân hàng để xây nhà mới, sau đó phải trả lãi hằng tháng, ông Trung cho biết thêm.
Còn ông Đặng Văn Tiến, một chủ thầu xây dựng tại Hà Nội, cho biết với tình hình giá vật liệu xây dựng tăng cao như hiện nay, xây một căn nhà cấp 4 kiên cố từ 50 - 70m2 mất khoảng 150 - 210 triệu đồng, nên với mức hỗ trợ 40 triệu đồng, vay ưu đãi thêm ngân hàng 25 triệu đồng, nhiều hộ nghèo sau khi nhận hỗ trợ cũng chưa chắc dám phá nhà cũ đi xây nhà mới, vì họ sẽ phải vay mượn thêm rất nhiều mới đủ chi phí làm nhà.
TS Nguyễn Văn Đáng, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng chính sách hỗ trợ phải căn cứ vào thực tế mức sống, chi phí xây dựng ở từng địa phương, phải đi từ dưới lên, vì xây một căn nhà kiên cố mức tối thiểu nhất ở Hà Nội sẽ khác với xây ở tỉnh Sơn La hay tỉnh Lai Châu.
Hơn nữa, chi phí xây dựng mỗi năm một khác nhau nên cán bộ địa phương cần tìm hiểu chi phí xây dựng tối thiểu ở từng địa bàn, từ đó mới quyết định mức chi hỗ trợ chứ không nên quy định mức hỗ trợ cứng 40 triệu đồng từ trên xuống.
Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo cần linh hoạt theo điều kiện của từng địa phương, ví dụ ở Sơn La, Lai Châu chi phí xây dựng rẻ hơn, xây một căn nhà có thể chỉ hết 60 - 70 triệu đồng, nhưng ở vùng nông thôn của Hà Nội chi phí tối thiểu để xây một căn nhà có thể lên tới 120 - 150 triệu đồng.
Vì thế, nếu quy định cứng mức hỗ trợ từ trung ương thì các địa phương sẽ khó triển khai, nên căn cứ vào nguồn lực hỗ trợ cho người nghèo hằng năm bao nhiêu và đề xuất cụ thể của từng địa phương để lập phương án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo nông thôn.
Địa phương trình phương án xây dựng, các bộ, ngành có thể thẩm định được mức chi phí bao nhiêu là phù hợp, từ đó ra quyết định hỗ trợ.
Bộ Xây dựng: chi phí xây một căn nhà khoảng 85 triệu đồng
Bộ Xây dựng tính toán chi phí để xây mới hoặc sửa chữa một ngôi nhà đang có, bảo đảm diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, với ba tiêu chí nền cứng, khung tường cứng, mái cứng, bảo đảm an toàn khi xảy ra bão, tố, lốc, trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 85 triệu đồng/căn. Trong đó, tiền hỗ trợ từ Chính phủ khoảng 40 triệu đồng/hộ gia đình, vốn vay ưu đãi 25 triệu đồng/hộ gia đình, các nguồn khác và hộ nghèo tự huy động khoảng 20 triệu đồng.
5 tỉnh thành không thuộc diện hỗ trợ
Có năm tỉnh, thành phố không thuộc diện hỗ trợ về nhà ở theo quyết định 33 năm 2015 của Thủ tướng gồm: TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, TP.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh vì đã sử dụng Quỹ vì người nghèo, nguồn huy động khác để xây nhà ở cho hộ gia đình nghèo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận