28/11/2022 08:30 GMT+7

Hỗ trợ hàng triệu thí sinh chọn hướng vào đời

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Diễn ra liên tục trong suốt 20 năm qua, Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ đã thực hiện hơn 300 chương trình trực tiếp và trực tuyến, các ngày hội khắp mọi miền cả nước, hỗ trợ khoảng 2 triệu thí sinh, phụ huynh.

Hỗ trợ hàng triệu thí sinh chọn hướng vào đời - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn trao bằng khen của bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp - Ảnh: DUYÊN PHAN

Lễ kỷ niệm 20 năm Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT tổ chức diễn ra ngày 27-11. Các thầy cô gắn bó với chương trình đến từ các trường ĐH trên cả nước đã cùng nhau ôn lại kỷ niệm trong suốt hành trình 20 năm qua.

"Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc"

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - một trong những người tham gia các buổi tư vấn đầu tiên của chương trình, kể lại những ngày đầu tư vấn rất khó khăn. 

Các thầy cô trong ban tư vấn còn nhiều bỡ ngỡ, chưa biết tư vấn tuyển sinh hay hướng nghiệp. Khi đó chủ yếu tư vấn tuyển sinh, nhưng nhận thấy rất nhiều em thắc mắc về việc chọn ngành nghề, nên chương trình điều chỉnh lại thêm thông tin tư vấn hướng nghiệp.

"Ban tư vấn của báo Tuổi Trẻ có những nguyên tắc riêng khi tư vấn là không được giới thiệu trường mình; không để thí sinh nào trúng tuyển ĐH mà phải bỏ học vì lý do học phí; tư vấn đến lúc nào học sinh không còn thắc mắc nữa thì ban tư vấn mới nghỉ. 

Chính vì vậy trong các buổi tư vấn, mặc dù di chuyển khá vất vả, đi sớm về khuya nhưng chúng tôi không thấy mệt. Khi thí sinh tham dự các buổi tư vấn thỏa mãn, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc", thầy Hùng nói.

Thầy Trần Thế Hoàng (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho hay: "Ấn tượng đầu tiên khi tôi tham gia Chương trình tư vấn tuyển sinh của báo Tuổi Trẻ là sự hỗ trợ nhiệt tình của báo đối với đội ngũ tư vấn. 

Qua tiếp xúc với học sinh, phụ huynh, chúng tôi biết được cần tư vấn nội dung gì. Từ vài thầy cô, đến nay có gần 1.000 chuyên gia đã tham gia tư vấn, tôi tin rằng chương trình ngày càng phát triển và thành công hơn nữa. 

Chương trình này cùng với học bổng Tiếp sức đến trường là hai bàn tay nâng đỡ, tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn lựa chọn đúng con đường cho tương lai".

PGS.TS Phạm Xuân Dương, hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải Việt Nam, cho hay năm 2013, lần đầu tiên báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình tư vấn tại Hải Phòng đã tạo ấn tượng lớn trong ông.

"Tôi còn nhớ mãi hình ảnh rất nhiều anh chị ở báo Tuổi Trẻ có mặt từ 5h sáng ở trường để phối hợp với trường làm công tác tổ chức. Có những buổi tư vấn được tổ chức trong thời tiết rất lạnh, mưa phùn nhưng xe của ban tổ chức đưa đón học sinh từ nơi xa về dự chương trình rất sớm. 

Thực sự chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm và tính nhân văn của chương trình. Chương trình tư vấn tại Hải Phòng có thời điểm thu hút hơn 8.000 thí sinh, trong đó có cả học sinh Thái Bình, Hải Dương... 

Phần lớn các em tự đến, điều này cho thấy sức lan tỏa của chương trình rất lớn. Qua hai năm vừa qua, báo Tuổi Trẻ cũng đã thích ứng linh hoạt, tổ chức thành công hàng chục chương trình tư vấn trực tuyến", thầy Dương nhận định.

Hỗ trợ hàng triệu thí sinh chọn hướng vào đời - Ảnh 2.

Các thầy cô thành viên ban tư vấn thích thú với triển lãm ảnh 20 năm Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ba ý nghĩa lớn lao

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ có ba ý nghĩa quan trọng: 

Thứ nhất, chương trình đã cung cấp thông tin tới đông đảo thí sinh, gia đình và xã hội. Việc này tạo sự công bằng trong tuyển sinh, đặc biệt cho các thí sinh vùng sâu vùng xa. 

Thứ hai, công tác tư vấn đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập và đào tạo. Việc thí sinh được tư vấn kỹ về trường, ngành, chương trình, phù hợp với sở trường, năng lực, điều kiện gia đình giúp các em học tập tốt hơn... giảm tỉ lệ thí sinh thôi học, chuyển trường. 

Thứ ba, công tác tư vấn góp phần giải đáp thắc mắc và tạo sự đồng thuận của thí sinh với chính sách của bộ, đồng thời cũng giúp bộ và các trường điều chỉnh chính sách phù hợp.

"Bộ GD-ĐT đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp của báo, của các thầy cô trong suốt quá trình 20 năm qua. 

Việc Bộ GD-ĐT trao bằng khen cho các thành viên ban tổ chức, các thầy cô tham gia thể hiện sự ghi nhận của bộ với các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp cho chương trình", ông Sơn nhấn mạnh.

Theo nhà báo Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, từ năm 2008, Bộ GD-ĐT đã đồng hành cùng Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp với sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ bộ và có sự cộng hưởng của sở GD-ĐT các địa phương, các trường ĐH đã giúp chương trình phát triển, mở rộng...

"Nhìn lại chặng đường 20 năm chương trình vì cộng đồng này, để có thành quả đó, trước hết chúng tôi trân trọng cảm ơn lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Vụ Giáo dục ĐH đã hỗ trợ quý báu, góp phần vào sự thành công lớn lao của chương trình. 

Đồng thời, chính các thầy cô tham gia trong đội ngũ tư vấn góp phần rất quan trọng cho sự thành công của chương trình. Rất nhiều thầy cô gắn bó suốt 20 năm qua với chương trình, dành cả tuổi thanh xuân cho chương trình. 

Chúng tôi mong rằng trong chặng đường tiếp theo Bộ GD-ĐT, các trường, các thầy cô sẽ tiếp tục đồng hành cùng chương trình", ông Chữ nói.

Hỗ trợ hàng triệu thí sinh chọn hướng vào đời - Ảnh 3.

Đồ họa: N.KH.

Khoảnh khắc thay đổi cuộc đời

Năm 2011, báo Tuổi Trẻ đã mang Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp đến với những vùng sâu, vùng xa, trong đó có học trò huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

Có thể nói đó là khoảnh khắc làm thay đổi cuộc đời tôi, giúp tôi biết được cách để chọn cho mình ngành học, trường học phù hợp.

Tôi thực sự biết ơn báo Tuổi Trẻ và chương trình ý nghĩa này. Mong rằng chương trình ngày càng lớn mạnh để có thể hỗ trợ các bạn trẻ chọn ngành, chọn nghề, chọn lối vào đời phù hợp với năng lực, sở thích, sở trường của mình.

Dương Kiều Diễm (giám đốc điều hành Công ty TNHH KKD - cựu học sinh Trường THPT Đầm Dơi, Cà Mau)

Những chương trình tư vấn đầu tiên

Nhà báo Bùi Thanh - ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết vào những năm 2000, đến mỗi mùa tuyển sinh ĐH, mỗi ngày tòa soạn nhận hàng chục thư do thí sinh và phụ huynh gửi đến với nhiều thắc mắc về việc chọn ngành, chọn trường...

"Trước thực tế đó, ngày 22-2-2002, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM) thực hiện tư vấn cho thí sinh thông qua chuyên mục mới "Bạn phù hợp với ngành nghề nào?".

Thí sinh có nhu cầu gửi thư về Ban giáo dục - khoa học báo Tuổi Trẻ để được các chuyên viên của Trung tâm tư vấn tâm lý - giáo dục - hướng nghiệp (Viện Nghiên cứu giáo dục) tư vấn nhanh cho thí sinh trên báo.

Đồng thời Tuổi Trẻ còn có mục "Giải đáp tuyển sinh 2002", "Ngành học mới", "Hộp thư tuyển sinh", "Trắc nghiệm nguyện vọng" để đáp ứng nhu cầu của đông đảo thí sinh trong thời điểm đó. Đây là tiền thân của Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp", ông Bùi Thanh chia sẻ.

Ngày 2-12-2003, nhân dịp báo Tuổi Trẻ Online ra mắt, Chương trình tư vấn tuyển sinh đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tham gia buổi tư vấn này, TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - đã dành hơn hai giờ để giao lưu, giải đáp thắc mắc của hàng trăm bạn đọc gửi về liên quan tới tuyển sinh ĐH, CĐ 2004.

Từ buổi tư vấn đầu tiên đó, ban biên tập báo Tuổi Trẻ đi đến quyết định chính thức tổ chức Chương trình tư vấn tuyển sinh trước mỗi mùa tuyển sinh ĐH hằng năm để đáp ứng nhu cầu của đông đảo thí sinh và phụ huynh.

Và những chương trình tư vấn tuyển sinh trực tiếp đầu tiên được Tuổi Trẻ tổ chức ở một số địa phương trong năm 2004 đã thu hút cả ngàn học sinh tham dự mỗi buổi.

TVTS 1

Nhà báo Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ (trái), và nhà báo Bùi Thanh, ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ (phải), trao giải thưởng “Bạn đồng hành quanh tôi” cho các thầy cô có nhiều đóng góp cho chương trình - Ảnh: DUYÊN PHAN

Dịp này, bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã tặng bằng khen cho bốn tập thể và 23 cá nhân có những đóng góp tích cực cho Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp nhiều năm qua.

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ cũng đã trao tặng giải thưởng "Bạn đồng hành quanh tôi" để tri ân bốn thầy cô là những người có nhiều đóng góp cho chương trình:

* GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội

* PGS.TS Nguyễn Phong Điền - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

* PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM

* ThS Nguyễn Hải Trường An - nguyên giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình

Về kế hoạch tổ chức Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2023, ban tổ chức cho biết sẽ tiếp tục kết hợp tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Những chương trình có nội dung thông tin chung cho mọi đối tượng thí sinh, mọi vùng miền có thể tiến hành online; các chương trình đặc thù địa phương, ngành nghề, địa lý thì tổ chức trực tiếp.

Đồng thời tiếp tục duy trì ba ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và ngày hội tư vấn xét tuyển tại Hà Nội, TP.HCM.

CO HIEN

PGS.TS Vũ Thị Hiền góp ý cho Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2023 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Dự kiến chương trình tư vấn trực tiếp đầu tiên năm 2023 sẽ diễn ra vào tháng 12-2022.

Góp ý cho kế hoạch năm 2023, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng trong bối cảnh các trường ĐH tự chủ, việc tuyển sinh cũng khác nhiều so với trước đây.

Trong khi đó cách thí sinh tiếp cận các nguồn thông tin cũng khác xưa, các em đang có quá nhiều thông tin có thể gây nhiễu; tác động của công nghệ, cách lựa chọn ngành của người học hiện cũng khác nhiều... do đó công tác tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp phải đổi mới.

Ông Sơn cho rằng cần xác định đối tượng có nhu cầu được tư vấn. Trên cơ sở đó những chương trình tư vấn hướng đến các đối tượng yếu thế ở vùng sâu vùng xa, nơi học sinh có ít thông tin, cần tạo điều kiện cho các em ở vùng khó khăn có thể được tham dự chương trình.

Với các ngày hội tư vấn nên cải tiến để thu hút các thí sinh quan tâm nội dung tư vấn của các trường và có các chương trình tư vấn sâu hơn.

PGS.TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, đề nghị chương trình cần tư vấn hướng nghiệp sớm cho học sinh từ lớp 10 để giúp các em định hướng tốt trong việc chọn ngành. Đồng thời cần tiếp tục tăng cường các chương trình tư vấn trực tuyến bên cạnh các buổi tư vấn trực tiếp.

TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng mong muốn chương trình tiếp tục tổ chức tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung.

Chung tay của xã hội

Đến năm 2007, Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp mới có vài đơn vị tham gia tài trợ quà tặng cho học sinh tham dự và một số hình thức tài trợ khác.

Những năm sau đó, số đơn vị doanh nghiệp, trường học tham gia tài trợ cho chương trình nhiều hơn với nhiều hình thức: hỗ trợ kinh phí thuê xe đưa rước miễn phí học sinh vùng xa về dự chương trình, tài trợ nước uống, học bổng, CD cẩm nang tuyển sinh điện tử...

Đặc biệt, đến nay Tập đoàn Vingroup đã có năm thứ 12 đồng hành cùng chương trình với tổng số tiền tài trợ lên tới hàng chục tỉ đồng.

Hỗ trợ hàng triệu thí sinh chọn hướng vào đời - Ảnh 11.

Nhà báo Huỳnh Sơn Phước, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, tặng hoa TS Nguyễn Đức Nghĩa (phải) trong buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến đầu tiên với chủ đề “Định hướng và kế hoạch tuyển sinh 2004” diễn ra ngày 2-12-2003 - Ảnh: T.T.D.

Hỗ trợ hàng triệu thí sinh chọn hướng vào đời - Ảnh 12.

TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, trả lời các câu hỏi của học sinh trong Chương trình tư vấn tuyển sinh trực tiếp đầu tiên ngày 21-3-2004 tại tỉnh Hậu Giang - Ảnh: T.T.D.

Hỗ trợ hàng triệu thí sinh chọn hướng vào đời - Ảnh 13.

Thí sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn trong Ngày hội tuyển sinh của báo Tuổi Trẻ lần đầu tiên tổ chức tại Trung tâm triển lãm Đà Nẵng sáng 11-3-2007 - Ảnh: ĐĂNG NAM

Hỗ trợ hàng triệu thí sinh chọn hướng vào đời - Ảnh 14.

Hàng ngàn học sinh đến dự ngày hội tuyển sinh lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội ngày 16-3-2008 - Ảnh: VIỆT DŨNG

Hỗ trợ hàng triệu thí sinh chọn hướng vào đời - Ảnh 15.

Học sinh vùng sâu đi ghe về dự Chương trình tư vấn tuyển sinh tổ chức tại huyện Đầm Dơi (Cà Mau) năm 2011 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Hỗ trợ hàng triệu thí sinh chọn hướng vào đời - Ảnh 16.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh ở Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH - CĐ lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM năm 2015 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Chương trình tư vấn tuyển sinh của báo Tuổi Trẻ có nhiều ý nghĩa lớn lao Chương trình tư vấn tuyển sinh của báo Tuổi Trẻ có nhiều ý nghĩa lớn lao

TTO - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định như vậy tại lễ kỷ niệm 20 năm Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra sáng 27-11.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp