19/02/2017 10:28 GMT+7

Hở tí là "mẹ bầu" đi siêu âm thai, nên không?

BÍCH THẢO
BÍCH THẢO

TTO - Siêu âm đang bị lạm dụng khi nhiều thai phụ hở ra một chút là đi siêu âm dù bác sĩ không yêu cầu. Thật ra siêu âm như thế nào là đủ, an toàn và cho kết quả tương đối chính xác đòi hỏi bà mẹ cần có kiến thức về siêu âm.

Siêu âm kiểm soát định kỳ cho thai phụ để kịp thời phát hiện những bất thường của thai nhi - Ảnh: N.C.T.
Siêu âm kiểm soát định kỳ cho thai phụ để kịp thời phát hiện những bất thường của thai nhi - Ảnh: N.C.T.


Hở ra là siêu âm

Chị Dung (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mang thai lần đầu tháng thứ 8. Bác sĩ chẩn đoán ngôi ngược (bé không quay đầu) khả năng sinh mổ cao.

Nghe thông tin chia sẻ trên mạng, ngày nào chị cũng bò trườn quanh nhà cả chục lần với hy vọng con quay đầu kịp để sinh thường.

Sau một tuần, dù chưa đến lịch hẹn bác sĩ nhưng chị tự đến phòng khám đa khoa tư, yêu cầu siêu âm xem con có quay đầu chưa để… về bò tiếp.

Chị Ngọc (Q3) mang thai mới 3 tháng, quá khao khát một cu cậu sau cô con gái đầu lòng, nên dù bác sĩ mấy lần bảo khéo: không biết trai hay gái, chị vẫn 2 - 3 lần tự ra ngoài siêu âm với mong muốn sớm biết giới tính con.

Theo BS CK 2 Trần Ngọc Hải, phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, khoa học chưa có bằng chứng siêu âm gây hại cho em bé.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa siêu âm là hoàn toàn vô hại đối với thai nhi. Nhất là đối với thai dưới 10 tuần tuổi - thời điểm hình thành các cơ quan quan trọng.

Siêu âm chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ.

Thời điểm nào bắt buộc siêu âm thai?

Theo BS Hải, có 4 thời điểm bắt buộc mẹ bầu phải đi siêu âm thai.

Tuần 6 - 10: sau khi biết có thai, siêu âm từ tuần thứ 6-10 để xác định thai đã vào tử cung chưa, thai đơn hay thai đôi và thai có sự sống (tim thai) hay không.

Từ tuần 11 - 13: đo khoảng sáng sau gáy (double test) để dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể (những bất thường này có thể là nguyên nhân gây bệnh Down, dị dạng tim, chi, …).

Từ tuần 22 - 24: khảo sát thai có phát triển bình thường hay không qua cột sống, hộp sọ, não, tim, phổi, thận, cánh tay và chân của thai nhi. Ngoài ra, bác sĩ có thể phát hiện sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan nội tạng.

Thời gian này đặc biệt quan trọng còn vì những đình chỉ thai nghén chỉ có thể được thực hiện trước tuần thứ 28.

Từ tuần 30 - 32: siêu âm kiểm tra động mạch, tim và một vùng cấu trúc não, dây rốn đủ tốt để vận chuyển dinh dưỡng nuôi bào thai hay không, vị trí của nhau thai và tình trạng nước ối (đục hay trong, nhiều hay ít).

“Việc siêu âm cần được chỉ định đúng vào những thời điểm quan trọng trên để giúp cho việc chẩn đoán đạt sự chính xác cao nhất. Ví dụ dấu hiệu độ mờ da gáy dày chỉ xuất hiện trong thời điểm 11 - 13 tuần, sau thời điểm này tất cả đều trở về bình thường.

Siêu âm khảo sát hình thái học thai nhi nếu ở thời điểm sớm hơn thì chưa nhìn rõ các cấu trúc hoặc ở thời điểm muộn hơn thì thai kỳ lại quá lớn, nước ối giảm sẽ khó khảo sát”, BS Hải nhấn mạnh.

BS CK 2 Trần Ngọc Hải, phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ TP.HCM - Ảnh: Bích Thảo
BS CK 2 Trần Ngọc Hải, phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ TP.HCM - Ảnh: Bích Thảo

Siêu âm 3D, 4D sẽ thấy rõ hơn 2D?

Rất nhiều chị em mang thai trông đợi tháng thứ 5 để siêu âm 3D để thấy rõ mặt con xem giống bố hay mẹ, mũi cao hay thấp?

“Siêu âm xong, về nhà em mở đĩa video cho gia đình xem. Cũng lạ khi thấy môi bé có vẻ dày trong khi 2 vợ chồng em đều…móm”, chị Linh, thai phụ chúng tôi tiếp xúc ở một phòng khám tại Q.1 cho biết.

Theo các bác sĩ, 3D hay 4D thực chất chỉ là ảnh được dựng lại từ ảnh 2D. Tương tự như kiến trúc, khi có hình ảnh gồm chiều cao, chiều ngang và rộng, kiến trúc sư dựng hình 3D để dễ quan sát cấu trúc ngôi nhà.

Vì vậy việc nhiều thai nhi có số đo cấu trúc như nhau, dựng hình 3D, 4D giống nhau mà không giống bố mẹ cũng là chuyện bình thường. Phương pháp siêu âm 4D thực chất cũng chỉ là siêu âm 3D kết hợp hình ảnh động.

Làm gì khi kết quả siêu âm bất thường?

Siêu âm để phát hiện những bất thường của bé từ trong bụng mẹ. Tuy nhiên cũng có những trường hợp phải đến khi bé chào đời thì bác sĩ mới phát hiện ra dị tật.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả siêu âm, như siêu âm lệch thời điểm, thành bụng mẹ quá dày, lượng nước ối quá nhiều hoặc quá ít, tư thế bé nằm, trình độ siêu âm ở nhiều cơ sở khác nhau…. Đó là chưa kể có những sai số phải chấp nhận một khi thai quá to.

“Đối với bất kỳ bất thường nào trên thai qua siêu âm, gia đình không nên quá hoang mang.

Để đi đến kết luận, phải lập hội đồng chuyên môn và tuân thủ đúng lộ trình gồm 4 bước: sàng lọc, hội chẩn từ bác sĩ các chuyên khoa và sau cùng mới kết luận. Đó là chưa kế phải làm MRI, các loại xét nghiệm rồi chọc ối.

Không có chuyện chỉ dựa trên bất thường trên ảnh siêu âm mà kết luận cuối cùng”, BS Hải nhấn mạnh. 

BÍCH THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp