Màu nước hồ vào cuối tháng 5 và giữa tháng 6 từ ảnh vệ tinh - Ảnh: NASA
Mới đây nhiều hình ảnh, đoạn clip ghi lại cảnh hồ Lonar nổi tiếng ở bang Maharashtra (Ấn Độ) đổi màu nhanh chóng từ xanh lá sang hồng chỉ sau một đêm. Lonar nằm trên cao nguyên, đường kính khoảng 1,2km, sâu khoảng 150m.
Theo trang Independent, hồ hình thành cách đây khoảng 50.000 năm sau vụ một thiên thạch loại nhỏ va chạm phải vùng này, cách siêu đô thị Mumbai khoảng 500km.
Theo nhà địa chất học Gajanan Kharat (Ấn Độ), màu sắc của hồ thay đổi phần lớn là do thời tiết nắng và khô hạn kỷ lục làm mực nước trong hồ giảm đáng kể. Độ mặn trong hồ vì thế cũng tăng cao.
Điều kiện này làm nhiều loại tảo và vi khuẩn trong hồ xuất hiện và thừa cơ hội phát triển nhanh chóng. Trong đó, nhóm vi khuẩn halobacteriaceae là nguyên nhân chính tạo ra màu đỏ cho hồ.
Halobacteriaceae là vi sinh vật ưa nước mặn, sử dụng chất màu đỏ để hấp thụ và chuyển hóa ánh sáng mặt trời thành năng lượng. Hoạt động của Halobacteriaceae càng phát triển trong môi trường ấm.
Nhiều người dân hiếu kỳ đến ghi lại cảnh hồ nước chuyển màu và đăng lên mạng - Ảnh: TWITTER
Gajanan Kharat cho biết trước đây hồ Lonar cũng từng nhiều lần đổi màu nhưng lần này mới thực sự rõ rệt và sắc nét.
TS Madan Suryavashi - Đại học Babasaheb Ambedkar (Ấn Độ) - cho biết hoạt động sản xuất của con người bị đình trệ do dịch COVID-19 cũng tạo cho môi trường trong hồ điều kiện để nhanh biến đổi. Trong thời gian tới, khi mùa mưa đến làm mực nước tăng trở lại, màu hồ Lonar sẽ trở về bình thường.
Hồ Lonar là môi trường nghiên cứu của nhiều nhóm khoa học, trong đó có Viện Smithsonia, Cơ quan địa chất Mỹ và Ấn Độ, Đại học Sagar... Đây cũng là địa điểm thu hút nhiều khách tham quan ưa trải nghiệm khám phá.
Theo nghiên cứu của Học viện Công nghệ Ấn Độ, một số khoáng chất trong đất ở hồ Lonar giống với một số thành phần trong đất đá do tàu Apollo mang về từ Mặt trăng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận