Một bạn trẻ nhận lời tham gia trải nghiệm cảm giác của trẻ tự kỷ - Ảnh: A4A
Đó là lần đầu tiên Nguyễn Thị Hồng Xuân (Hà Nội) hiểu được cảm giác của một người tự kỷ thông qua chia sẻ của các thành viên nhóm Trẻ tự kỷ - Hiểu và yêu thương (A4A) tập hợp tại phố cổ Hội An, Quảng Nam.
Thử để hiểu
Xuân cho biết trước đây bạn luôn mường tượng người tự kỷ là những đứa trẻ đang tự cô lập bản thân, không muốn giao lưu với bên ngoài. Và Xuân cho rằng đó có thể là nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu quan tâm của gia đình. Theo Xuân, tốt nhất hãy nên để họ sống theo cách của họ, không phải bận tâm.
"Nhưng thật không ngờ mọi thứ với một đứa trẻ tự kỷ tồi tệ như thế. Họ không được quyền lựa chọn âm thanh mà mình muốn nghe. Cùng lúc những âm thanh trong không gian xung quanh đổ dồn vào tai họ, thật đáng sợ nếu điều đó diễn ra hằng ngày, hàng giờ" - Xuân nói.
Đợi Xuân lấy lại bình tĩnh, nhóm bạn trẻ lần lượt chuyện trò, trao đổi với Xuân về các vấn đề liên quan đến chứng tự kỷ. Rằng đó chỉ là một trong nhiều vấn đề mà một đứa trẻ tự kỷ gặp phải. Tự kỷ là một hội chứng chưa tìm ra nguyên nhân và bản thân người tự kỷ hay gia đình họ hoàn toàn không có lỗi.
Các bạn trẻ chia sẻ với mọi người về chứng tự kỷ qua các cuốn cẩm nang - Ảnh: A4A
Một cuốn cẩm nang được gửi đến tận tay Xuân là khi cô gái trẻ bắt đầu hiểu và đặt nhiều sự quan tâm hơn cho vấn đề đang được nói đến. Cầm cuốn cẩm nang trên tay, Xuân nói chắc nịch: "Mình sẽ nói về điều này nhiều hơn với người thân và bạn bè".
Đó là một trong hàng trăm người có sự thay đổi sau khi nhóm A4A thực hiện chương trình trải nghiệm thực tế "Thử sống như em".
Hằng tuần dù mưa hay nắng, các thành viên nhóm A4A vẫn miệt mài mang theo clip mô phỏng cảm giác của trẻ tự kỷ đi khắp các con phố, công viên ở hai tỉnh thành Đà Nẵng - Quảng Nam... Clip mô phỏng dựa trên clip "What autism feels like" (Người tự kỷ cảm thấy thế nào).
Khi mới nghe nhắc tới việc thử trải nghiệm như người tự kỷ là nhiều người hoảng sợ. Với họ, tự kỷ gần như là một bệnh đáng sợ và họ không muốn nhắc đến. Nhưng những người sau khi đồng ý tham gia thử thì trong họ đã có những thay đổi đến không ngờ.
Nguyễn Thị Phương Thảo (thành viên A4A)
Thay đổi cách nhìn để bao dung hơn - Ảnh: A4A
Thay đổi cách nhìn
Người có ý tưởng thành lập nhóm A4A là bạn Nguyễn Thị Hạnh Duyên (29 tuổi) hiện đang học cao học tại Hàn Quốc. Duyên cho biết lên ý tưởng từ năm 2012 và bắt đầu thực hiện từng bước một thông qua mạng xã hội.
Duyên cho biết: "Bản thân mình là người hay hoạt động xã hội nhưng trước đây cũng hiểu sai về tự kỷ". Từ đó Duyên quyết tâm sẽ làm thay đổi phần nào những suy nghĩ đó.
Ban đầu nhóm chỉ có sáu thành viên. Nhóm tìm đến Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục đặc biệt Ước Mơ Xanh (Đà Nẵng), tổ chức các buổi giao lưu để các thành viên hiểu rõ về trẻ tự kỷ. Cùng với đó là các cuộc gặp gỡ với chuyên gia trong lĩnh vực này. Khi nắm chắc kiến thức, nhóm mới lên phương án tuyển tình nguyện viên khắp cả nước mà khởi đầu là ở Đà Nẵng.
Nhóm thành lập được năm năm, nhưng Duyên cho biết phải mất khoảng ba năm để đào tạo các thành viên. "Làm sao cho bản thân một tuyên truyền viên phải thật sự vững kiến thức nền và thật sự có tâm huyết với hoạt động. Cả nhóm gần như biến mình thành những người thân của các trẻ tự kỷ, sống, vui chơi để hiểu các em", Duyên nói.
Giúp mọi người trải nghiệm cảm giác của trẻ tự kỷ bằng công nghệ thực tế ảo - Ảnh: A4A
Các thành viên của nhóm đa số là các bạn trẻ 15-30 tuổi. Họ hầu hết đều bận rộn với công việc, học hành nhưng ai nấy đều không bỏ một hoạt động nào.
Hơn năm năm qua, nhóm A4A với khoảng 30 thành viên hoạt động thường xuyên tại Đà Nẵng đã thực hiện hàng loạt hoạt động đồng hành cùng trẻ tự kỷ, cũng như thay đổi cách nhìn của xã hội về hội chứng này.
"Thử sống như em" là một nguồn khơi cho mọi người trải nghiệm cảm giác của trẻ tự kỷ, từ đó họ thấu hiểu và dễ dàng hơn trong việc sống hòa nhập, hành động giúp đỡ các em. Từ đó nhóm dễ truyền đạt những kiến thức về trẻ tự kỷ, hoặc phân loại mức độ quan tâm của mỗi người và truyền cho cộng đồng những thông điệp kêu gọi cụ thể.
Hàng ngàn lượt tương tác
Duyên chia sẻ sau mỗi chuyến thực tế "Thử sống như em", nhóm quay lại các video và từ mạng xã hội, truyền đến với nhiều người. Sau thời gian dài thực hiện, hàng ngàn lượt tương tác với website và Facebook nhóm.
Trong số những người quan tâm, có người có con em bị tự kỷ, họ tìm đến nhóm để mong liên kết với các chuyên gia giúp đỡ, hoặc chí ít tìm ra cách thấu hiểu những người tự kỷ hơn.
Nam (sinh viên năm 3) cho biết gia đình Nam có một người em họ mắc chứng tự kỷ, mọi người ngày càng lãng quên em vì cho rằng khó có thể thay đổi. Nam đăng ký tham gia nhóm và có cái nhìn khác về hội chứng này.
Từ đó bạn chia sẻ với gia đình, người thân và cùng có cách tiếp xúc với em khác hơn. "Thật bất ngờ chỉ vài tháng mà tinh thần em ấy đã tiến triển khá tốt. Các kiến thức trong những buổi gặp gỡ với chuyên gia đã giúp gia đình mình rất nhiều" - Nam nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận