Các hộ kinh doanh lớn sẽ phải nộp thuế theo phương thức kê khai thay vì phương pháp khoán như hiện nay - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cần áp dụng đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là kết nối máy tính tiền của hộ kinh doanh với cơ quan thuế, công khai doanh thu của hộ kinh doanh, có chính sách khuyến khích người mua hàng lấy hóa đơn...
Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia liên quan đến vấn đề này.
* Ông Phan Văn Dũng (chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 1, TP.HCM):
Nhiều hộ kinh doanh lớn đối phó bằng cách lập doanh nghiệp ở quận khác
Thời gian qua, khi cơ quan thuế áp mức thuế khoán cao hơn để sát với thực tế kinh doanh, những hộ kinh doanh lớn (hộ kinh doanh giữ hóa đơn quyển) đối phó bằng cách lập doanh nghiệp và khai thuế ở quận khác, biến cửa hàng kinh doanh tại quận 1 thành một điểm bán hàng.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy địa bàn chúng tôi mất khoảng 20 hộ kinh doanh lớn mỗi năm do những hộ này dùng chiêu "ve sầu thoát xác", nhằm tránh sự quản lý của cơ quan thuế trên địa bàn vì trên thực tế những hộ này vẫn kinh doanh như cũ.
Khi quận này làm căng, những hộ kinh doanh lớn lại chuyển hoạt động sang quận khác. Do đó, kiến nghị Cục Thuế TP.HCM đưa ra các biện pháp nhằm siết lại tình trạng "lách luật" này.
* Luật sư Trần Xoa (giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang):
Hộ kinh doanh sẽ gặp khó với kê khai thuế
Dù được cơ quan thuế vận động thành lập doanh nghiệp nhưng nhiều hộ kinh doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên đã không chịu chuyển đổi. Nhiều quán nhậu, quán cà phê sử dụng số lao động gấp 2-3 lần mức này nhưng vẫn cứ là hộ khoán.
Tuy nhiên tới đây, khi áp dụng theo phương thức kê khai, các hộ kinh doanh lớn sẽ phải nộp thuế theo kê khai và phải có chứng từ hợp lệ cả đầu ra lẫn đầu vào.
Đây sẽ là khó khăn rất lớn cho hộ kinh doanh vì lâu nay hộ khoán mua hàng đầu vào không cần hóa đơn, khi bán hàng cũng không xuất hóa đơn.
Khi phải vào khuôn khổ, doanh thu thật của các hộ kinh doanh sẽ "lộ sáng". Chưa kể đầu ra là bán hàng phải xuất hóa đơn trong khi đầu vào sẽ không được trừ chi phí nếu không có hóa đơn. Đây sẽ là áp lực rất lớn với những hộ kinh doanh này.
Trong thực tế, cơ quan thuế cũng chịu áp lực khá lớn. Bởi với hình thức khoán thuế, cơ quan thuế sẽ có được nguồn thu ổn định và tăng theo hằng năm. Nhưng khi thực hiện theo hình thức kê khai, cơ quan thuế sẽ phải chấp nhận chuyện thuế có tăng có giảm, vì hộ kinh doanh lỗ sẽ không phải nộp thuế, khác hẳn với thuế khoán là lỗ vẫn phải nộp thuế.
Chưa kể, khi áp theo phương thức kê khai sẽ không còn chuyện "chung chi" như khi khoán thuế.
Việc nộp thuế theo phương thức kê khai sẽ giúp các hộ kinh doanh tránh được tình trạng làm ăn thua lỗ mà vẫn nộp thuế. Ngược lại, nếu doanh thu và lợi nhuận tăng phải nộp thuế nhiều hơn - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
* Ông Nguyễn Văn Thức (Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đại Lý Thuế BCTC):
Không tiền mặt sẽ dễ quản doanh thu
Theo tôi, quy định hộ kinh doanh lớn tới đây sẽ phải nộp thuế theo hình thức kê khai và thực hiện chế độ kế toán như doanh nghiệp cũng là một cách để cơ quan thuế hướng các hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.
Còn hiện nay, vì nhiều lý do, những hộ này vẫn ở trong mô hình hộ khoán, nộp thuế khoán và hầu hết là giao dịch tiền mặt. Tôi kiến nghị nên có luật riêng về quản lý hộ kinh doanh cá thể, đồng thời hạ thấp mức buộc phải chuyển khoản về mức 5 triệu đồng thay vì 20 triệu đồng như hiện nay, khi đó sẽ dễ quản doanh thu và đưa họ vào quy củ.
* Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú:
Phải kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế
Để không thất thoát thuế, tiền thuế được tính đúng, tính đủ và ngăn chặn tiêu cực..., cơ quan thuế phải nắm được doanh thu của cơ sở. Và không có cách nào là ngành thuế phải đưa kỹ thuật vào quản lý thuế.
Thời gian qua, nhiều hộ kinh doanh lớn không lên doanh nghiệp vì không muốn minh bạch doanh thu thực tế và nộp thuế đầy đủ. Trong khi đó, việc áp thuế khoán với hộ kinh doanh rất thiếu cơ sở khi không có sổ sách kế toán, không có máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế...
Để quản lý được thuế đối với các hộ kinh doanh lớn, ngành thuế cần phải làm đồng bộ các giải pháp. Đó là phải kết nối máy tính tiền của những hộ kinh doanh với cơ quan thuế.
Khi áp dụng biện pháp này, dữ liệu bán một bát phở giá 40.000 đồng được thanh toán tại chủ hộ Nguyễn Văn A (mã số thuế X) vào thời gian nào ngay lập tức được "chạy" về hệ thống điện tử của chi cục thuế quản lý. Do đó, không có chuyện bán 1.000 bát phở và chủ hộ kinh doanh chỉ khai một nửa nhưng vẫn được làm ngơ.
Mặt khác, cần có quy định người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ buộc phải xuất hóa đơn. Nếu không xuất hóa đơn phải có chế tài thật nặng như phạt tiền, vi phạm nhiều lần thì tạm rút giấy phép kinh doanh...
Tại nhiều quốc gia, nếu bán hàng không xuất hóa đơn, cơ sở kinh doanh sẽ bị thu giấy phép đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, cũng cần có chính sách để khuyến khích người mua hàng có thói quen lấy hóa đơn sau khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ.
Chẳng hạn, một số nước đã dùng chính tờ hóa đơn bán hàng này để quay xổ số. Đặc biệt, cần phải công khai doanh thu và tiền thuế của hộ kinh doanh để người dân quanh khu vực đó giám sát, kiểm tra... Nếu các giải pháp trên được triển khai đồng bộ, quản lý thuế đối với hộ kinh doanh mới có hiệu quả.
Ông Vũ Đức Chính (Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán Bộ Tài chính):
Chế độ kế toán với các hộ kinh doanh sẽ đơn giản, dễ thực hiện
Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn chế độ kế toán với hộ kinh doanh. Theo đó, hộ kinh doanh nộp thuế theo tỉ lệ tính trên doanh thu áp dụng các sổ kế toán gồm doanh thu bán hàng, dịch vụ; sổ theo dõi về tình hình nộp thuế; sổ theo dõi tiền lương và các khoản nộp theo lương của người lao động.
Nguyên tắc hướng dẫn chế độ kế toán với các hộ kinh doanh, nhất là các hộ lớn sẽ rất đơn giản, dễ thực hiện.
Trên thực tế, các hộ vẫn đang thực hiện ghi sổ theo dõi như ngày tháng, nhập hàng gì, số lượng bao nhiêu, thành tiền và bán ra cũng vậy hay kiểm kê lượng tồn kho... Thực ra là bảng kê bán được bao nhiêu hàng hóa.
Tùy theo từng lĩnh vực hoạt động, ngành nghề kinh doanh, mức thuế đối với hộ kinh doanh sẽ áp theo tỉ lệ trên doanh thu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận