07/05/2021 08:08 GMT+7

Hộ gia đình có thể mua điện trực tiếp từ đơn vị bán lẻ

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Sau khi cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp được triển khai, việc hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ cho phép người tiêu dùng hộ gia đình được mua điện trực tiếp từ các đơn vị bán lẻ, với mức giá 'có tăng, có giảm'.

Hộ gia đình có thể mua điện trực tiếp từ đơn vị bán lẻ - Ảnh 1.

Công nhân lắp đặt các tấm quang năng trong một dự án điện mặt trời quy mô lớn ở tỉnh Ninh Thuận - Ảnh: NGỌC HIỂN

Ngay khi Bộ Công thương đưa ra dự thảo chương trình thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), không ít khách hàng sản xuất công nghiệp lớn đã đánh tiếng được chính thức tham gia thị trường này, điển hình là đề nghị của Samsung.

Nhiều bên cùng được lợi

Trao đổi với Tuổi Trẻ về thông tin này, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cho biết trong buổi làm việc với Bộ Công thương vào cuối tháng 4-2021, ông Choi Joo Ho, tổng giám đốc Tổ hợp Samsung VN, đã đưa ra đề xuất được tham gia chương trình này.

Tuy vậy, để triển khai thí điểm cơ chế này, cần phải lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện thông tư, làm cơ sở cho việc thực hiện thí điểm mua bán điện trực tiếp sẽ được vận hành dự kiến vào cuối năm 2021.

Theo lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, với cơ chế này, nhu cầu sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện, nhất là những doanh nghiệp lớn có cam kết quốc tế, tuyên bố về việc sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất. Từ đó góp phần thu hút đầu tư tư nhân vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường.

Việc đưa vào thí điểm cơ chế này cũng là bước chuẩn bị cần thiết để chuyển sang vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam.

Theo đó, với cơ chế đang được đưa ra trong dự thảo thông tư, phía cung ứng nguồn điện là các đơn vị phát điện quản lý, vận hành và sở hữu dự án nhà máy điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) nối lưới có công suất lắp đặt lớn hơn 30 MW và đã được phê duyệt trong quy hoạch phát triển điện lực sẽ tham gia bán điện. Phía khách hàng mua điện là tổ chức, cá nhân sử dụng điện phục vụ cho mục đích sản xuất công nghiệp, ở cấp điện áp từ 22 kV trở lên.

"Đây là một cơ chế mới sẽ được thí điểm tại Việt Nam, nên tổng công suất các dự án điện năng lượng tái tạo được lựa chọn tham gia ở mức dưới 1.000 MW", vị này nói. Đồng thời cho rằng cơ chế này giúp bên mua điện là những doanh nghiệp sử dụng điện tiếp cận được với nguồn năng lượng sạch, đáp ứng các cam kết quốc tế về sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất kinh doanh, qua đó phát triển ổn định, hiệu quả hơn.

Trong khi đó với bên bán điện sẽ giúp nhà đầu tư tăng khả năng vay vốn cho dự án từ các tổ chức tín dụng có uy tín trên thế giới và trong nước.

Hộ gia đình có thể mua điện trực tiếp từ đơn vị bán lẻ - Ảnh 2.

Các chuyên gia cho rằng cần tách bạch chi phí truyền tải với phân phối, dịch vụ phụ trợ để vận hành thị trường bán lẻ - Ảnh: N.AN

Cần tách bạch chi phí dịch vụ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hà Đăng Sơn, giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cho rằng có nhiều lợi ích khi triển khai thí điểm cơ chế DPPA để tiến tới thị trường bán lẻ cạnh tranh. Với thị trường này, người dùng sẽ được quyền lựa chọn các đơn vị, nhà cung cấp điện khác nhau. Khi vận hành với sự tham gia của nhiều người bán, thị trường sẽ cạnh tranh hơn về giá và khách hàng được quyền lựa chọn nhà cung cấp có giá cạnh tranh nhất trên thị trường.

Tuy vậy, sẽ còn nhiều thách thức khi triển khai do các yếu tố cấu thành giá ở các khâu vẫn đang được "gộp" chung vào chi phí giá thành điện, như chi phí truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ và quản lý...

Do vậy, việc vận hành cơ chế DPPA sẽ giúp ngành điện, cơ quan quản lý có thêm thông tin dữ liệu để tính toán các chi phí giá được tách bạch ở các khâu, từ đó làm tiền đề tính toán và tách bạch chi phí cho thị trường bán lẻ.

Đặc biệt, khi có thêm sự tham gia của các nhà máy năng lượng tái tạo, việc vận hành thị trường bán lẻ càng đa dạng nguồn cung lựa chọn cho khách hàng, tăng tính cạnh tranh và cơ quan điều độ hệ thống điện quốc gia cũng dễ điều tiết, dự báo hơn.

"Với thị trường bán lẻ, các chi phí phải được tách bạch nhưng hiện chưa thể làm được. Trong cơ cấu giá hiện mới chỉ tách được phí truyền tải, còn các chi phí như dịch vụ phụ trợ, phân phối, quản lý... chưa có.

Nếu chạy cơ chế bán lẻ, cần phải có dữ liệu xây dựng các loại phí phân phối, dịch vụ phụ trợ, thì mới có cho thị trường bán lẻ. Bởi bán lẻ là mua từ bán buôn, sau đó bán cho khách hàng, vậy bán giá nào khi mà các chi phí này hiện vẫn đang được cộng gộp" - ông Sơn đặt vấn đề.

Một chuyên gia về điện cũng cho rằng để triển khai và vận hành có hiệu quả thị trường bán lẻ cạnh tranh, cần phải tách bạch chi phí phân phối điện và chi phí bán lẻ điện. Trong khi Luật điện lực và Luật giá chưa quy định chi phí phân phối điện, nên cần phải bổ sung các quy định này.

"Cần tái cơ cấu ngành điện phù hợp với yêu cầu thị trường bán lẻ, các đơn vị cung cấp các dịch vụ độc quyền tự nhiên cần phải tách bạch chức năng, gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ và nhân lực phục vụ vận hành thị trường", vị này nói.

Từng bước mở rộng đối tượng tham gia

Việc đưa vào thí điểm cơ chế này cũng sẽ tạo tiền đề cho vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Theo Bộ Công thương, đề án thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đã được phê duyệt với ba giai đoạn: đến hết năm 2021 là giai đoạn chuẩn bị, từ năm 2022 - 2024 cho phép khách hàng sử dụng điện được mua điện trên thị trường điện giao ngay, và sau năm 2024 sẽ cho phép các khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.

Bộ Công thương cũng đang xây dựng kế hoạch để từng bước mở rộng đối tượng khách hàng tham gia thị trường bán lẻ theo quy mô tiêu thụ điện và theo cấp điện áp từ cao xuống thấp.

Trong đó, bước đầu tiên là thí điểm cơ chế cho phép các khách hàng sử dụng điện lớn ký hợp đồng song phương trực tiếp với các nguồn điện năng lượng tái tạo, tiến tới mở rộng đối tượng khách hàng sử dụng điện lớn (cấp điện áp 110 kV) được trực tiếp mua điện trên thị trường giao ngay. Cuối cùng là các khách hàng bán lẻ điện quy mô nhỏ hơn được thay đổi đơn vị bán lẻ điện.

Không thể cải tiến ‘chắp vá’, cần công khai giá bán lẻ điện bình quân từng bậc thang Không thể cải tiến ‘chắp vá’, cần công khai giá bán lẻ điện bình quân từng bậc thang

TTO - Việc sửa biểu giá bán lẻ điện cần được lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, nhà khoa học và công khai giá bán lẻ bình quân điện sinh hoạt ở từng bậc thang, cách tính giá đảm bảo sự minh bạch về giá điện.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp