Trước những câu hỏi dồn, bị cáo Đinh Văn Trường (22 tuổi, công nhân, ngụ tỉnh Đồng Nai) chỉ biết cúi đầu. Phiên tòa phúc thẩm do TAND tối cao tại TP.HCM xét xử Đinh Văn Trường ngày 23-4 không có nhiều người tới dự, trong đó có người mẹ vất vả của Trường từ ngoài Bắc đã kịp vào. Bà ngồi lặng lẽ ở hàng ghế thứ ba. Bà thông gia và con dâu ngồi hàng ghế thứ hai. Không ai nhìn ai, không ai chào ai, như không quen biết.
Thông gia không nhìn mặt nhau
Lý do thì chỉ có một, đó là đứa cháu chung bị chính bố nó tước đi mạng sống, mà nguyên nhân thì nhà nội đổ cho con dâu nhất quyết bế con về nhà ngoại, nằng nặc đòi ly hôn khiến bố đứa bé tức giận không kiềm chế được mà xuống tay tàn độc, còn nhà ngoại cho rằng bố đứa bé quá hung hãn, quá trình sống chung vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn, thậm chí người chồng trẻ tát vợ khiến chị tức giận bồng con về nhà ngoại. Đã bị chồng đánh, lại còn bị đòi con, bị giằng lấy đứa bé, chị đâu có ngờ đứa bé chỉ rời tay mẹ chưa được vài giờ đã bị bố ra tay tàn độc cướp đi mạng sống. Thậm chí bé còn chưa kịp khóc thét lên bởi bảy nhát kéo đâm liên tiếp vào ngực vào cổ... mất máu mà chết.
“Rùng mình”
Là lời của kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thanh Sơn (viện phó Viện phúc thẩm 3, Viện KSND tối cao tại TP.HCM) nói với PV về hành vi dã man và tàn độc của bị cáo. “Việc kháng cáo là việc của bị cáo, nhưng Viện KSND tỉnh kháng nghị bản án khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Khi đọc bản án sơ thẩm và lời khai của bị cáo, tôi không khỏi rùng mình” - ông Sơn nói. Ông Sơn cũng cho biết đây không chỉ là cảm giác của cá nhân ông, mà còn của nhiều kiểm sát viên khi được nghe kể về hành vi của bị cáo. “Không có lý do gì để bao biện cho sự dã man và tàn độc này cả, bởi vậy tôi rút kháng nghị của viện kiểm sát cấp dưới. Và nếu HĐXX tuyên y án và bác mọi kháng cáo, việc kháng nghị của Viện KSND tỉnh Đồng Nai sẽ được họp để rút kinh nghiệm” - ông Sơn nói.
Theo bản án sơ thẩm, tháng 12-2012 Đinh Văn Trường kết hôn với chị Phùng Thị Kim D. (19 tuổi, công nhân) thuê nhà trọ tại huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai sinh sống, nhưng sau khi sinh con là bé C. thì vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn. Ngày 26-3-2013, sau khi cãi nhau, D. đòi chia tay và bế con về nhà mẹ ruột. Hôm sau Trường sang xin lỗi nhưng D. không chịu nên Trường đánh vợ và giằng con mang về nhà trọ.
Mang con về, Trường càng tức giận nên lấy kéo đâm khiến em bé tử vong. Thấy con bất động, Trường đóng cửa phòng trọ đi tự thú.
TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm tuyên phạt Trường án tù chung thân. Bị cáo kháng cáo, đại diện bị hại là mẹ cháu bé có đơn xin giảm nhẹ hình phạt, Viện KSND tỉnh Đồng Nai cũng có kháng nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Khi tòa hỏi lý do gì xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, vợ bị cáo nói bởi chồng mình nhận thức nông cạn do sống ở vùng sâu vùng xa. Nhưng chủ tọa phiên tòa cho rằng bị cáo có hộ khẩu ở Hòa Bình nhưng hiện đang sinh sống ở Đồng Nai, nên không thể nói rằng sống ở vùng sâu vùng xa nhận thức còn hạn chế được.
HĐXX giữ nguyên mức án sơ thẩm.
“Anh nhớ vợ nhiều” Trong khi bị dẫn giải ra xe để về trại giam, bị cáo đã kịp nhờ cảnh sát dẫn giải đưa cho vợ một chiếc móc chìa khóa do tự tay bị cáo tết trong thời gian bị tạm giam. Tuy nhiên, khi chị này vừa chạm vào chiếc móc chìa khóa thì mẹ ruột của chị cảnh báo: “Vứt ngay đi, bùa ngải đấy!”. Như một phản xạ, chị ném ngay lập tức chiếc móc chìa khóa xuống nền gạch. Đó là một chiếc móc chìa khóa hình trái tim nhiều màu sắc được tết rất đẹp. Trên hai mặt hình trái tim là dòng chữ: “Anh nhớ vợ nhiều”. Một nữ phóng viên thấy vậy nhặt lên, đưa lại cho cảnh sát áp giải và nói: “Vợ bị cáo không nhận đâu, anh đưa lại cho bị cáo nhé”. Người cảnh sát trẻ tần ngần cầm lên: “Tôi giữ vậy, giờ đưa lại chắc bị cáo rất buồn!”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận