Bộ phim Xin chào hạnh phúc được quay ở "phim trường" nhà dì Bảy "hoa lan" - Ảnh: H.LÊ
Khi làm phim Quyến rũ, tôi tới nhiều nhà dân tìm bối cảnh nhưng không được, cuối cùng đánh liều quay tại nhà mình. Sau 45 ngày quay, sàn gỗ và một số đồ nội thất trong nhà bị hư hỏng. Tôi nghĩ những ai đang biến nhà mình thành phim trường không chủ yếu vì mục đích kinh tế, mà do yêu thích phim ảnh, nghệ sĩ
Đạo diễn Trương Quang Thịnh
Một chiều tháng 8, tại nhà dì Bảy "hoa lan" ở quận Thủ Đức, đoàn phim Xin chào hạnh phúc do đạo diễn Nguyễn Dương thực hiện đang miệt mài ghi hình.
Trong tập này, bối cảnh của Xin chào hạnh phúc là miền quê với nhà tranh, vách lá, bếp củi... Tất cả đều thu nhỏ tại một góc sân nhà của dì Bảy.
"N" cảnh trong một ngày
"Quay phim ở nhà dì Bảy tiện lắm bởi muốn cảnh gì cũng có" - đạo diễn Nguyễn Dương chia sẻ. Nhìn theo tay anh chỉ thấy một dãy chuối, hàng cau, vài cây mía... đối diện có ba căn nhà gỗ. Đó là bối cảnh ngoại cho con đường làng quê.
Ở góc khác, dưới giàn bầu, mướp xinh xinh là bàn ghế đá, xung quanh trồng đậu bắp, ớt... bên cạnh lại là ba căn nhà gỗ được dựng làm bối cảnh nội làng quê.
Gần phía cổng nhà phía trước có dãy nhà trọ bằng gạch, mái tôn - nơi chuyên trị cảnh khu nhà trọ của công nhân nghèo.
Ngôi nhà chính một lầu gia đình dì Bảy ở thường trở thành biệt thự thời... bao cấp trên phim. Gần cổng lại có cây cầu nhỏ bắc qua cái ao.
Đoàn phim nào cần quay quán cà phê là có thể quay được. "Nhà dì từng giả cảnh Đà Lạt trong bộ phim Chào buổi sáng em yêu đó. Lúc trước nhà dì còn trồng nhiều lan, bây giờ không trồng nhiều nữa" - dì Bảy vui vẻ khoe.
Nhớ lại ngày đầu tiên đoàn phim Chuyện xứ dừa đến xin bối cảnh để quay vào năm 2009, dì Bảy nói đắn đo lắm bởi trước đó nhà chưa từng có đến mấy chục người với nhiều máy móc đến đóng đô mấy ngày liền.
Nhưng nghe đoàn phim năn nỉ, lại có dịp được ngắm nghệ sĩ nên dì đồng ý. Từ đó đến nay, dì Bảy không thể nhớ hết có bao nhiêu đoàn phim truyện, phim quảng cáo đến nhà dì.
Nhận thấy nhu cầu "bối cảnh", đặc biệt là bối cảnh quê, được các đoàn phim cần, dì Bảy cải tạo dần 3.000m2 đất nhà mình thành phim trường nho nhỏ để các đoàn phim thực hiện "n" bối cảnh chỉ trong một ngày.
Còn muốn quay cảnh hiện đại, sang trọng, giới làm phim truyền tai nhau về nhà anh Lĩnh ở quận 2. Đó là ngôi nhà khang trang nằm trong khu dân cư mới yên tĩnh và còn nhiều đất trống.
Chủ nhà khá dễ tính, cho phép đoàn phim có thể tự di chuyển đồ đạc trong nhà. Cứ vài tháng một lần, chủ nhà thay đổi nội thất, giấy dán tường... tạo sự mới mẻ.
Những lúc cao điểm, nhà anh Lĩnh có hai, ba đoàn phim đến quay, mỗi đoàn quay một góc.
Ngoài hai "phim trường" khá chuyên nghiệp trên, theo anh Võ Nguyên Nhung - làm công việc chủ nhiệm đoàn phim hơn 17 năm, hiện Sài Gòn có vài địa chỉ nhà dân quen thuộc cho các đoàn phim như biệt thự Minh Nguyệt ở quận 7, biệt thự anh Nghĩa ở Bình Dương hay nhà chú Sáu "vườn cau" ở Củ Chi, nhà chú Tư "mắt kiếng" ở Hóc Môn...
Bộ phim Xin chào hạnh phúc được quay ở "phim trường" nhà dì Bảy "hoa lan" - Ảnh: H.LÊ
Không thể mãi "sống" nhờ vào nhà dân?
Xem phim Vực thẳm vô hình vừa phát sóng trên VTV3, khán giả dễ dàng nhận ra căn nhà bị băng cướp Sói Sài Thành đột nhập từng xuất hiện trong hơn chục bộ phim trước đó.
Đạo diễn Lê Minh của Vực thẳm vô hình cho hay: "Chi phí sản xuất phim có hạn nên chúng tôi phải gửi gắm bối cảnh phim của mình vào nhà dân".
Đạo diễn Minh Cao cũng buồn buồn khi đề cập đến vấn đề phim trường: "Khán giả xem phim nói sao bối cảnh phim Việt nghèo nàn.
Nhưng nếu biết được chi phí sản xuất phim truyền hình, có lẽ họ sẽ thông cảm.
Gần chục năm nay, giá cả tăng vù vù trong khi chi phí sản xuất phim vẫn giậm chân tại chỗ. Chính vì thế, chúng tôi luôn tính toán kỹ để tiết kiệm chi phí".
Theo những người trong nghề, giá thuê mỗi ngày ở các phim trường nhà dân dao động khoảng 2 triệu đồng trở lên.
Để có được số tiền này, chủ nhà phải đầu tư để nhà mình luôn mới mẻ. Dì Bảy kể: "Có khách đến nhà thấy có chục bình hoa để trên bàn, họ ngạc nhiên hỏi sao lại trang trí nhà như vậy.
Họ đâu biết đó là đạo cụ tôi sắm để dùng dần trong phim. Bàn ghế, chén bát, nồi niêu... cũng phải sắm nhiều loại để đoàn phim cần loại nào là có loại đó".
Mấy năm gần đây, phim truyền hình giảm số lượng nên không có nhiều đoàn phim tới như trước, thu nhập từ "phim trường" cũng giảm theo.
Tuy nhiên, dì Bảy nói niềm vui không giảm: "Dì Bảy giờ già rồi, mỗi ngày được gặp nghệ sĩ, diễn viên, nghe họ nói chuyện là thấy vui"...
Tâm tư trước đường dài của chuyện phim trường, đạo diễn Trương Quang Thịnh khẳng định: "Nhà dân chỉ là giải pháp tình thế cho phim trường các phim tâm lý xã hội đơn giản".
Theo đạo diễn Quang Thịnh, bối cảnh trong phim rất quan trọng, nếu để nhà làm phim và người dân "tự bơi" như vậy sẽ khó có bối cảnh tốt.
"Cuối năm 2016, tôi đi công tác tại Nhật, nhận thấy Chính phủ Nhật rất hỗ trợ đoàn phim. Tòa thị chính thành phố Nagoya ngoài ngày thứ bảy, chủ nhật cho các đoàn phim quay cả ngày, những ngày khác họ cho các đoàn phim quay sau giờ làm việc.
Ở VN, các cơ quan công quyền rất hạn chế cho đoàn phim đến quay. Còn quay trên đường phố, chúng tôi thường xuyên bị mắng, bị rầy rà vì gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân".
Cũng có nhiều đoàn phim truyền hình đặt vấn đề muốn thuê nhà tôi để quay phim, nhưng tôi từ chối vì số lượng người đông và thời gian quay dài ngày sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân xung quanh. Tôi thường ký hợp đồng với các đoàn quay phim quảng cáo, vì đoàn họ ít người hơn và quay chỉ trong một hoặc hai ngày.
Chị Đại Uyên - chủ nhân một căn nhà cho thuê quay phim
Tự làm phim trường quay game show
Nếu trước đây các trung tâm thể dục thể thao được tận dụng làm trường quay của các game show thì nay nhà sản xuất bắt đầu dịch chuyển đến những phim trường do tư nhân đầu tư xây dựng.
Có thể kể đến phim trường Pixel, phim trường Phong cách, phim trường Vision 21... Theo bà Bảo Trâm - giám đốc Công ty Vietcom, việc thuê các trung tâm thể dục thể thao làm phim trường rất tốn kém.
Ngay trong Công ty Vietcom có một phim trường nho nhỏ để quay nội cảnh các phim sitcom, còn game show phải thuê phim trường ở ngoài.
Mới đây, Công ty Jet Studio đã đầu tư xây dựng phim trường và chuyển cả công ty đến quận Bình Tân để tiện việc sản xuất và tiết kiệm chi phí.
Vào năm 2012, một biệt thự ở quận 7 từng trở thành ngôi nhà chung của các thí sinh tham gia cuộc thi So you think you can dance mùa đầu tiên và là địa chỉ thường xuyên của các đoàn phim quay clip quảng cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận