Potter được đánh giá cao không chỉ bởi thành tích ở Brighton - Ảnh: Reuters
Một thông tin khiến các CĐV Anh phải chạnh lòng: từ khi giải đấu này đổi tên, qua 30 mùa giải của Premier League vẫn chưa có một HLV người Anh nào giành được chức vô địch.
Nỗi buồn người Anh
Chất lượng HLV người Anh ngày càng đi xuống từ lâu đã là một chủ đề quen thuộc. Trước khi HLV Potter được Chelsea bổ nhiệm, nhóm "big 6" của Giải ngoại hạng Anh (Premier League) không có CLB nào sử dụng HLV người Anh.
Điển hình nhất là Chelsea, CLB có những ký ức tồi tệ với các HLV người Anh. Trong giai đoạn 100 năm lịch sử trước khi Roman Abramovich xuất hiện, Chelsea hầu như chỉ sử dụng HLV người Anh hoặc Scotland. Nhưng chỉ Ted Drake là thực sự nổi bật khi mang về chức vô địch quốc nội cho họ vào năm 1955.
Càng về sau, các HLV người Anh của Chelsea càng sa sút trình độ. Năm 1996, Glenn Hoddle chia tay Chelsea sau ba năm với tỉ lệ thắng 34%.
Từ đó, Chelsea bắt đầu làm quen với các HLV ngoại. Ruud Gullit được bổ nhiệm thay Hoddle và lập tức nâng tỉ lệ chiến thắng lên 49%, rồi Gianluca Vialli là 53%. Sau khi ông chủ Abramovich xuất hiện, Chelsea giữ luôn thói quen "nói không với HLV người Anh" và tiếp tục gặt hái thành công.
Mãi đến năm 2019, họ mở trở lại với một HLV người Anh - cựu danh thủ Lampard. Nhưng chỉ sau một năm rưỡi, Lampard ra đi mà không giành được danh hiệu nào.
Ở Premier League lúc này, Potter là cái tên sáng giá hiếm hoi. Còn lại, những Gary O’Neil (CLB Bournemouth), Eddie Howe (Newcastle), Lampard (Everton) và Steven Gerrard (Aston Villa) đều không được đánh giá cao.
Sẽ khác... Gary Neville
Cùng lứa với Lampard, Gerrard nhưng suốt 13 năm chơi bóng chuyên nghiệp, Potter hầu như chỉ ra sân ở các giải hạng nhất và hạng nhì. Kỷ niệm với màu áo quốc gia duy nhất của ông là một lần ra sân cùng tuyển U21 Anh.
Xuất phát điểm nghề HLV của Potter cũng rất thấp, khi ông dẫn dắt CLB Ostersund chơi ở giải hạng tư Thụy Điển vào năm 2011. Chỉ trong vòng năm năm, Potter giúp đội bóng này vươn lên giải đấu hạng cao nhất ở Thụy Điển.
Từ năm 2018, Potter trở lại Anh và tiến từng bước một với Swansea ở Giải hạng Nhất, rồi Brighton ở Premier League. Từ chỗ một đội bóng phải vật lộn trụ hạng, Potter đưa Brighton vào top 10 mùa trước, và hiện đang chễm chệ trong top 4 mùa này.
Điểm đáng chú ý của Potter là quá trình học hỏi không ngừng khi còn trẻ. Ở tuổi 30, Potter lấy bằng cử nhân ngành khoa học xã hội. Sau đó, ông phụ trách mảng phát triển bóng đá cho Đại học Hull đồng thời làm giám đốc kỹ thuật của đội nữ Ghana.
Tiếp đó, Potter tiếp tục đi học và lấy bằng thạc sĩ ngành lãnh đạo - trí tuệ xúc cảm (leadership and emotional intelligence) ở Đại học Leeds. Dù không thể biết được những bằng cấp kể trên có tác động cụ thể thế nào với công việc HLV hay không nhưng ít nhất, Potter đang là một trường hợp đặc biệt ở Premier League. Ông là một HLV chịu học hỏi không ngừng, một HLV trí thức.
Sự nghiệp cầu thủ tầm thường giúp Potter có nhiều thời gian để học hỏi hơn so với lứa đồng nghiệp người Anh nổi tiếng cùng thời, như Gary Neville hay Rio Ferdinand.
Những cựu danh thủ này sau khi treo giày liền được các đài truyền hình mời về cộng tác, và sau cùng đều... giỏi nói hơn làm. Còn với Lampard cùng Gerrard, danh tiếng đã khiến họ đi đường tắt trong sự nghiệp huấn luyện.
Arsene Wenger cùng Jurgen Klopp là những HLV có sự nghiệp cầu thủ tầm thường và cùng trải qua quá trình học hỏi sâu dày trước khi bước vào con đường huấn luyện. Potter sẽ đi trên con đường đó?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận