Cần chấm dứt các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép, đặc biệt là sừng tê giác. |
Ngày 3-3, đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius, các quan chức cấp cao của Bộ Tài nguyên - môi trường và Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Việt Nam cùng đại diện các tổ chức quốc tế tham gia khởi động chiến dịch “Cùng hành động tạo sự thay đổi” (OGC) nhằm hình thành một liên minh để chấm dứt các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép, đặc biệt là sừng tê giác.
Sự kiện khởi động OGC cũng đánh dấu kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và sự hợp tác tiếp tục của hai nước nhằm chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã trong khu vực và trên toàn thế giới.
Trung Quốc, Hoa Kỳ và Việt Nam là ba nước tiêu thụ các sản phẩm từ nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã hàng đầu thế giới, theo Quỹ Freeland - một tổ chức phòng chống buôn bán động vật hoang dã và buôn người có trụ sở tại châu Á.
Đại sứ Ted Osius cho biết cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều quan tâm đến việc phòng chống nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Tội phạm liên quan đến buôn bán động vật hoang dã đã và đang làm suy yếu nền pháp trị của tất cả các nước, trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết ông hoan nghênh sáng kiến phát động chiến dịch OGC. “Hiện Việt Nam đang là chủ tịch của Mạng lưới thi hành luật chống lại nạn buôn lậu động vật hoang dã của ASEAN (ASEAN Wildlife Law Enforcement Network). Chúng tôi quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao dưới sự chỉ đạo của Chính phủ.
Gần đây, việc buôn bán, sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã có xu hướng giảm. Nhưng cuộc đấu tranh của chúng ta cần phải tiếp tục với những nỗ lực cao hơn nữa để đạt được những gì chúng ta mong đợi cho thế giới hôm nay và con em chúng ta mai sau” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Steven Galster (người Mỹ), giám đốc điều hành Quỹ Freeland đồng thời là trưởng chương trình ARREST, nói: “Tôi hi vọng Mỹ và Việt Nam sẽ trở thành những quốc gia đồng minh không chỉ trong cuộc chiến chống nạn buôn bán động vật hoang dã mà còn trong cuộc chiến chống lại các loại tội phạm có tổ chức”.
Nhận xét về các lễ hội hiến tế động vật ở Việt Nam, trong đó có sự chứng kiến của nhiều trẻ em, ông Steven Galster cho biết cá nhân ông không đồng tình với những lễ hội nhân danh thánh thần mà giết động vật một cách không cần thiết. Theo ông, ở nhiều nước, chính sách bảo vệ động vật hoang dã hiệu quả nhất bắt đầu từ việc quan tâm đến động vật.
“Theo tôi, bất cứ khi nào bạn giết động vật một cách không cần thiết, ví dụ như trong các lễ hội, nghĩa là bạn gửi một thông điệp sai đến trẻ em. Bạn không thể dạy trẻ em bảo vệ động vật bằng cách nói “này hãy giết con vật này, rồi bảo vệ con vật này”” - ông Steven chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận