Nhiều người gần như sống chung với mạng xã hội khi mỗi ngày họ bỏ ra 2,5 giờ cho những trang phổ biến như Facebook và Youtube - Ảnh minh họa
Để phù hợp cho từng nhóm đối tượng và có thể hoạt động tốt ở Việt Nam, Bộ quy tắc ứng xử trên nên ở dạng khung, đề ra các nguyên tắc cơ bản và các quy định, hướng dẫn chung cho các nhóm đối tượng. Trên cơ sở đó, các cơ quan, tổ chức có thể xây dựng bộ quy tắc riêng cho phù hợp với đặc thù của mình.
Ông ĐỖ QUÝ VŨ, phó Viện Chiến lược thông tin và truyền thông
Vừa qua, Bộ Thông tin - truyền thông đã tổ chức tọa đàm về việc "Xây dựng bộ trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam".
Dù mới chỉ là bước đầu "xới xáo" vấn đề nhưng dự án này rất được quan tâm, bởi dân số Việt Nam là 93,6 triệu dân, trong đó có 55 triệu người sử dụng mạng xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Trương Minh Tuấn, bộ quy tắc ứng xử cũng như "khế ước", thống nhất quy tắc chung khi tham gia tương tác trên mạng xã hội để tạo môi trường lành mạnh, văn hóa, nhân văn, đạo đức, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.
Việc xây dựng bộ quy tắc này là quy tắc chung. Từ đó tùy từng đối tượng cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình đặc điểm riêng để xây dựng quy tắc riêng.
Nên ngắn gọn, dễ hiểu
Theo ông Đỗ Quý Vũ - phó Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin - trruyền thông) - do bộ quy tắc ứng xử hướng đến đối tượng nhà cung cấp mạng xã hội và người sử dụng mạng xã hội (trong đó bao gồm cả các cơ quan, tổ chức và cá nhân) nên sẽ hướng đến tiêu chí ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu mà vẫn đầy đủ.
Trong đó, đảm bảo giữ những giá trị chính của một bộ quy tắc: tôn trọng, minh bạch, lành mạnh, trung thực, an toàn.
"Điều quan trọng nhất là bộ quy tắc ấy có đi được vào cuộc sống hay không, có đạt được mục tiêu đề là bảo vệ những giá trị, chuẩn mực của con người Việt Nam; bảo vệ được quyền lợi của các tổ chức, cá nhân; thúc đẩy, khuyến khích những mặt tốt, mặt tích cực và hạn chế, ngăn chặn những mặt xấu, mặt tiêu cực của mạng xã hội", ông Vũ nói.
Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông cũng nhấn mạnh bộ quy tắc phải "ngắn - gọn - rõ để ai cũng có thể hiểu được".
Không nên mang tính ràng buộc
TS. Phạm Hải Chung - giảng viên Học viện Báo chí và tuyên truyền, đồng trưởng ban Chương trình Internet và xã hội, ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) - thì cho rằng tùy vào bối cảnh từng quốc gia và khu vực với những mâu thuẫn nội tại, yếu tố văn hóa và quan điểm chính trị riêng biệt mà bộ quy tắc ứng xử sẽ được xây dựng cho phù hợp với bối cảnh địa phương.
Bộ quy tắc không mang tính ràng buộc nên để cho các hiệp hội và các đơn vị nghiên cứu xây dựng sẽ phù hợp với người dùng hơn, để bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội.
"Vấn đề ở Việt Nam chính là người dân chưa có thói quen chủ động và tự bảo vệ mình trên mạng. Ví dụ thói quen bảo mật thông tin, sử dụng các công cụ của nhà cung cấp nền tảng khi gặp các nội dung quấy rối và xâm hại cá nhân, sử dụng pháp luật khi cần.
Bộ quy tắc ứng xử có thể làm chúng ta ứng xử văn minh trên mạng, xây dựng không gian mạng có tính nhân văn hơn, và phòng chống các tin giả, có văn hóa tự bảo vệ mình. Điều đó không đi ngược lại với nguyên tắc minh bạch thông tin", bà Chung nói.
Ở Việt Nam hiện có khoảng 366 mạng xã hội đã được cấp phép hoạt động, trong đó khoảng 360 hoạt động thực tế. Nhưng chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam vẫn là mạng xã hội của nước ngoài.
Ngoài những tác động tích cực đến đời sống xã hội thì những tác động tiêu cực của mạng xã hội đang khiến các nhà quản lý đau đầu.
Hiện tượng tin giả khiến dư luận xã hội hoang mang, việc bôi xấu các cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội đã để lại nhiều hậu quả vô cùng tai hại.
Mạng xã hội có thể khiến một vấn đề nhỏ bằng "con kiến" bị thổi phồng lên thành "con voi" và lan truyền với mức độ khó có thể kiểm soát.
Và vì chưa có bộ quy tắc ứng xử, thiếu những hướng dẫn liên quan đến mạng xã hội, nên người dùng Việt Nam hiện nay gần như rất "hồn nhiên" khi sử dụng mạng xã hội.
Trong vụ bê bối Facebook làm rò rỉ thông tin cá nhân của người dùng vừa qua, ở Việt Nam có 43.000 người bị ảnh hưởng. Mà theo các chuyên gia cảnh báo, nguyên nhân phần lớn là do thói quen cung cấp thông tin cá nhân như ảnh, địa chỉ, số điện thoại cá nhân lên mạng xã hội của người dùng Việt Nam.
Do vậy việc thiết kế một bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là vô cùng cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận