21/06/2020 10:22 GMT+7

Hình ảnh Việt Nam trong phim: Người Việt 'vô nhân dạng' trong mắt đạo diễn nước ngoài?

LÊ HỒNG LÂM
LÊ HỒNG LÂM

TTO - Hình ảnh những nhân vật người Việt Nam hiện lên "méo mó" và "lệch lạc" trong con mắt đạo diễn nước ngoài một lần nữa lại được xới lên nhân bộ phim Da 5 Bloods của đạo diễn Spike Lee vừa phát trực tuyến. Tại sao có cái nhìn này?

Hình ảnh Việt Nam trong phim: Người Việt vô nhân dạng trong mắt đạo diễn nước ngoài? - Ảnh 1.

Cảnh người Việt nài nỉ khách du lịch mua hàng ở chợ nổi miền Tây trong phim Da 5 Bloods - Ảnh: chụp màn hình

Câu trả lời không đơn giản là "chỉ tại các đạo diễn nước ngoài không hiểu Việt Nam".

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt - tác giả cuốn tiểu thuyết The Sympathizer từng đoạt giải Pulitzer - viết một bài dài về Da 5 Bloods trên trang cá nhân của ông, trong đó ông nhận định:

"Về cơ bản, trong các bộ phim Mỹ về đề tài chiến tranh Việt Nam, không quan trọng người Mỹ là anh hùng hay phản diện, miễn người Mỹ là trung tâm. Còn người Việt chỉ là người ngoài cuộc". Hoặc: "Người Mỹ thà nói về việc giết chóc lẫn nhau hơn là thừa nhận rằng người Việt đã giết họ".

Ông thừa nhận yêu thích một số bộ phim của Spike Lee nhưng với bộ phim Da 5 Bloods, ngoại trừ đoạn mở đầu - giống như cách dựng phim kinh điển trước đây của Lee - là hay nhất, còn lại là "một mớ hỗn độn".

Người Mỹ là trung tâm trong phim về chiến tranh Việt Nam

Dễ thấy Da 5 Bloods tràn ngập hình ảnh mang tính khuôn mẫu (stereotypes), góc nhìn một chiều (single story) hay đậm tính ngoại lai (exotic) mà các đạo diễn nước ngoài thường mô tả về Việt Nam.

Đó là hình ảnh của một đứa trẻ cụt chân đầy thù hận trong quán bar mang tên Apocalypse Now, những ông già cựu chiến binh ngồi nhòm ngó đám cựu binh da đen, một người bán dạo trên sông nước tìm cách chèo kéo du khách và khi không bán được hàng thì nổi xung và chửi bới "chúng mày giết gia đình tao".

Và rồi là các câu chuyện của những phụ nữ Việt Nam làm gái và thân phận của những đứa con lai sau chiến tranh… Những chi tiết này có thể không sai, nhưng chúng quá cũ và từng được kể mòn nhẵn trong các bộ phim về đề tài Việt Nam, từ chiến tranh đến hậu chiến của các đạo diễn nước ngoài.

Dù Spike Lee đã tiếp cận đề tài chiến tranh với một góc nhìn mới - thân phận của những người lính da đen bị đẩy vào cuộc chiến như những con tốt thí - vốn rất ít được nhắc đến trong các bộ phim Mỹ về đề tài này trước đây, tuy nhiên góc nhìn của ông về Việt Nam và người Việt Nam vẫn quá cũ và lạc hậu khoảng 20-30 năm.

Spike Lee không phải là đạo diễn tên tuổi duy nhất có cái nhìn "lệch lạc" về đề tài chiến tranh Việt Nam, mà ngay cả những đạo diễn tầm cỡ với các bộ phim kinh điển trong quá khứ cũng dễ dàng "sa lầy" vào những góc nhìn phiến diện và biến người Việt Nam trở thành những nạn nhân "vô nhân dạng", hoặc những kẻ ngoài lề trên chính đất nước của họ.

Trong những năm cuối thập niên 1970, kéo dài sang thập niên 1980 và thậm chí 1990, đề tài chiến tranh Việt Nam nở rộ và luôn lọt vào vòng tranh giải Oscar hay các liên hoan phim hạng A và đoạt nhiều giải thưởng quan trọng, chứng tỏ sự ám ảnh và dư chấn của người Mỹ đối với cuộc chiến mà họ sa lầy này vẫn âm ỉ và kéo dài.

Tuy vậy, các bộ phim kinh điển về đề tài chiến tranh Việt Nam như Platoon, Born on the Fourth of July của đạo diễn Oliver Stone, Coming Home của Hal Ashby, Deer Hunter của Michael Cimino, Apocalypse Now của F. Ford Coppola, Full Metal Jacket của Stanley Kubrick hay Hamburger Hill của John Irvin... đều là góc nhìn và trải nghiệm của người lính Mỹ về cuộc chiến; còn người Việt Nam xuất hiện trong những bộ phim này đều không có nhân dạng, không số phận cụ thể, hoặc không nữa cũng hiện lên như một dân tộc nghèo đói.

Cái nhìn thiên lệch và sự bất công này cũng đã được nhà văn Nguyễn Thanh Việt đề cập đến trong cuốn tiểu thuyết The Sympathizer của ông.

Người Việt Nam trong Da 5 Bloods không đến mức không có nhân dạng hoặc man di mọi rợ, nhưng vẫn được miêu tả dưới góc nhìn thiên lệch hoặc khuôn mẫu "kiểu Mỹ".

Hình ảnh Việt Nam trong phim: Người Việt vô nhân dạng trong mắt đạo diễn nước ngoài? - Ảnh 2.

Tài tử Lê Quỳnh (chồng ca sĩ Thái Thanh) trong phim Hòa Bình - Ảnh: chụp màn hình

Những bộ phim xa lạ của đạo diễn nước ngoài về Việt Nam

Đề tài chiến tranh hay những vấn đề hậu chiến của Việt Nam không chỉ thu hút các đạo diễn Mỹ mà còn nhiều đạo diễn nước ngoài khác. Dù vẫn là góc nhìn từ bên ngoài, các bộ phim này đều cố gắng mô tả thân phận của người Việt Nam trong hay sau cuộc chiến.

Tuy nhiên, đó vẫn là những góc nhìn từ bên ngoài và khó lòng mà nói rằng họ hiểu đúng về người Việt Nam.

Năm 1970, đạo diễn người Pháp Raoul Coutard từng đến Sài Gòn quay bộ phim Hòa Bình (bản chiếu ở Mỹ có nhan đề The Bamboo Incident).

Đây là bộ phim truyện đầu tay của Raoul Coutard - người được biết đến với vai trò nhà quay phim nổi tiếng và hợp tác thành công với đạo diễn Jean-Luc Godard, tên tuổi hàng đầu trào lưu Làn sóng mới của điện ảnh Pháp với nhiều bộ phim kinh điển như Le mépris (1963), Pierrot le Fou (1965) hay Week End (1967)…

Bộ phim có cái nhìn khá mới mẻ và nhân văn khi tái hiện cuộc chiến tranh Việt Nam ở thời điểm khốc liệt nhất. Không đứng về phía nào và ủng hộ phe nào, bộ phim chỉ đề cập đến thân phận của những đứa trẻ trong chiến tranh.

Bộ phim mở đầu với câu độc thoại của đứa trẻ: "Cha ơi, hòa bình là gì?" khi người Việt Nam phải chịu cảnh chiến tranh suốt 30 năm và lặp lại một lần nữa ở cuối phim "Hòa bình là gì?" khi người cha (do tài tử Lê Quỳnh, chồng danh ca Thái Thanh đóng) vào chiến trường, người mẹ bệnh tật và qua đời, bị họ hàng xa lánh, cậu bé tuổi niên thiếu phải lang thang vất vưởng trên đường phố trong thời chiến tranh loạn lạc để kiếm sống và chăm sóc cô em gái bé bỏng của mình.

Bộ phim phần nào đó khiến chúng ta liên tưởng đến kiệt tác hoạt hình Grave of the Fireflies (Mộ đom đóm) của đạo diễn Nhật Bản Isao Takahata.

Hòa Bình tranh giải Cành cọ vàng và đoạt giải Best First Work (phim đầu tay hay nhất) tại Liên hoan phim Cannes năm 1970 và đề cử Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 1971 (đại diện điện ảnh Pháp).

Dù là một bộ phim có tư tưởng tiến bộ, cách tiếp cận nhân văn, đây vẫn là một bộ phim với góc nhìn từ bên ngoài. Ta sẽ thấy các diễn viên dù là người Việt nhưng thoại bằng tiếng Pháp và cách diễn xuất khá ngây ngô, ngoại trừ Lê Quỳnh, vốn là tài tử chuyên nghiệp lúc đó.

Trong phim cũng có một đoạn đối thoại cho thấy đạo diễn không hoàn toàn hiểu về Việt Nam - đất nước mà ông chọn làm bối cảnh cho bộ phim của mình.

Khi nghe tiếng động lớn từ bên ngoài, đứa con trai hỏi: "Mẹ ơi, có phải bão không?". Người mẹ trả lời: "Không có bão ở Việt Nam, đó là tiếng máy bay trực thăng"…

Tương tự, sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nữ đạo diễn nổi tiếng người Hong Kong Hứa An Hoa đã làm một bộ ba (trilogy) về đề tài thân phận của người Việt sau chiến tranh với sự tham gia của những diễn viên người Hong Kong như Châu Nhuận Phát, Lưu Đức Hoa, Chung Sở Hồng…

Phim được quay tại nước ngoài và hầu hết diễn viên Hong Kong thủ vai người Việt trong phim vẫn thoại bằng tiếng… Quảng Đông.

Dù phim có cách tiếp cận khá sâu sắc nhưng vẫn là những góc nhìn từ bên ngoài, khó chấp nhận đó là một bộ phim thấu hiểu về thân phận của người Việt sau chiến tranh.

phim dong duong 20-6 9(read-only)

Vịnh Hạ Long trong phim Đông Dương - Ảnh: IMDb

Trong thập niên 1990, có hai bộ phim nổi tiếng của Pháp làm về đề tài Việt Nam là Đông Dương (1992) của đạo diễn Pháp Régis Wargnier và Người tình (1992) của đạo diễn Pháp Jean-Jacques Annaud. Cả hai phim đều rất thành công ở quốc tế và góp phần thu hút du khách đến Việt Nam trong thời mở cửa.

Nhưng một lần nữa, đó vẫn là hai bộ phim kể về trải nghiệm mang tính cá nhân của người Pháp ở Việt Nam và Đông Dương trong thời Pháp thuộc. Bối cảnh Việt Nam, dù rất đẹp, vẫn chỉ làm nền cho những câu chuyện mang tính hương xa của người Pháp.

_______________________________________________

Kỳ 2: Chúng ta phải tự kể những câu chuyện của mình

Những bức ảnh người Việt xưa nhất chụp gần 2 thế kỷ trước Những bức ảnh người Việt xưa nhất chụp gần 2 thế kỷ trước

TTO - Theo ông Bennett, bức ảnh đầu tiên chụp người Việt Nam do nhiếp ảnh gia Fedor Jagor thực hiện năm 1857 ở Singapore. Những người Việt này có thể sinh sống ở địa phương hoặc là thương nhân.


LÊ HỒNG LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp