Tại buổi làm việc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (ngày 17-8), Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã nói về vướng mắc liên doanh giữa Mercedes-Benz Group AG (MBG AG) với Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) về dự án nhà máy nói trên.
Theo đó, đến năm 2025 dự án này sẽ hết hạn sau 30 năm liên doanh. Công ty MBG AG xin gia hạn thêm 5 năm nữa, nhưng do quy định khi hết thời hạn liên doanh phải thu hồi, sắp xếp lại đất. Hiện TP.HCM vẫn loay hoay chưa giải quyết được.
Trong phần kết luận sau đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng sự vô lý khi chưa giải quyết được việc gia hạn dự án của liên doanh trên.
Bởi theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các địa phương rất mong có dự án ô tô vì trung bình một dự án ô tô ít nhất đóng góp ngân sách địa phương 5.000 tỉ đồng/năm.
Với những vướng mắc như thế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết sẽ cùng các cơ quan tiếp tục nghiên cứu để có những chính sách phù hợp, tháo gỡ.
Theo tìm hiểu, nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Mercedes-Benz Việt Nam trên đường Quang Trung (phường 8, quận Gò Vấp, TP.HCM) được hình thành năm 1996, chính thức đi vào hoạt động năm 1997 với công suất 60 xe/tháng (nội dung báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường dự án nhà máy lắp ráp ô tô Mercedes-Benz Việt Nam năm 2022 đăng trên website Sở Tài nguyên và Môi trường TP - PV).
Đến năm 2005, cơ sở nâng công suất lên 12.000 xe/năm. Năm 2013, cơ sở bổ sung xưởng nhúng tĩnh điện công suất 5.285 xe/năm. Năm 2014, cơ sở bổ sung xưởng lắp ráp xi tải công suất 720 sản phẩm/năm, nhưng xưởng này hiện đã ngừng hoạt động.
Đây là dự án nhà máy chế tạo ô tô với tổng vốn đầu tư 1.127 tỉ đồng. Hoạt động chính tại đây là lắp ráp xe tải và xe du lịch. Tổng số công nhân viên của cơ sở là 600 người.
Theo quyết định của Thủ tướng số 844 năm 1995, quyết định số 871 năm 1999 và hợp đồng thuê đất số 727 năm 1996 ký với UBND TP.HCM, cơ sở hoạt động trên khu đất diện tích hơn 104.000m2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận