Ngư dân thị xã Sông Cầu (Phú Yên) neo cột tàu tránh bão số 5 - Video: DUY THANH
Trên bãi biển phường 6 Tuy Hòa, từ sáng sớm 30-10, nhiều người dân đã tất bật xúc cát đổ vào bao, dùng xe máy chở về nhà để chằng lên mái tôn, mái ngói với hi vọng gió bão không cuốn bay, giật sập mái nhà.
Dùng xe máy chở bao cát - Ảnh: DUY THANH
Gia cố mái nhà để giảm thiệt hại do bão gây ra - Ảnh: DUY THANH
Chị Lê Thị Lợi ở phường 6 (TP Tuy Hòa) cùng 2 đứa con xuống biển xúc hàng chục bao cát, nói: "Ở đây thường xuyên chứng kiến bão tàn phá rồi, giờ nghe bão đến sợ lắm. Tối qua tới giờ dân ở đây rủ nhau đi múc bao cát để đưa lên mái nhà nhằm giảm thiểu thiệt hại".
Ở hai huyện Đông Hòa và Phú Hòa, nhiều người dân nuôi bò trên các doi cát trên sông Ba sáng nay cũng tất bật đưa bò vượt sông vào làng để đề phòng gió rét và lũ lớn đổ về khi bão số 5 vào đất liền.
Ông Ung Văn Thư - một người nuôi bò trên sông Ba ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa - nói: "Rút kinh nghiệm mấy đợt bão trước chủ quan, bão đến không lùa bò về, khi nước lớn bất ngờ thì "trở tay" rất nguy hiểm. Đợt này chúng tôi chủ động đưa bò về trước, khi nước còn nhỏ, bão chưa vô".
Theo ông Lê Ngọc Tính - chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, có khoảng 300 con bò được người dân trong huyện nuôi trên các doi cát sông Ba. Huyện đã chỉ đạo đến chiều 30-10, số bò nuôi trên các doi cát sông Ba phải đưa hết vào bờ, không người nuôi bò nào được ở lại các doi cát trên sông.
Còn ở huyện Đông Hòa, chính quyền địa phương cho hay cũng đang đưa 6 hộ nuôi và 30 con bò trên sông Ba vào bờ.
Tàu thuyền đã neo đậu thành từng nhóm trong vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu - Ảnh: DUY THANH
Hàng trăm chiếc xe máy của người dân nuôi hải sản bỏ trên bờ, còn người thì ra bè chằng cột để giảm thiểu thiệt hại - Ảnh: DUY THANH
Tại thị xã Sông Cầu, nơi được dự báo tâm bão đổ bộ tối nay, hàng trăm người dân tất bật với việc chằng, cột tàu thuyền vào vùng tránh trú.
Ở vùng nuôi tôm hùm thuộc xã Xuân Phương, trên đường liên xã giáp với vịnh Xuân Đài, hàng trăm xe máy của người nuôi hải sản, người neo thuyền để xếp lớp trên bờ từ sáng đến xế chiều 30-10.
Đưa thúng chai lên bờ để tránh bị trôi mất - Ảnh: DUY THANH
Ông Phan Hoài, một người đánh mành tôm và nuôi hải sản ở vịnh Xuân Đài, cho hay hàng ngàn lồng bè nuôi hải sản trị giá tiền tỉ nên người nuôi rất lo lắng.
"Những hộ nào có tôm lớn thì tranh thủ khai thác, bán sớm để giảm rủi ro. Còn những lồng nuôi mà tôm còn nhỏ thì chỉ có cách hạ lồng sát xuống đáy biển hoặc cột neo cả dãy bè với nhau để đỡ thiệt hại. Mọi người cố gắng làm trong ngày nay để chiều là vào bờ trú bão" - ông Hoài nói.
Lúc 15h chiều 30-10, ông Đào Mỹ - chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu - cho biết toàn huyện còn 47 hộ nuôi hải sản lồng bè chưa vào bờ.
"Họ cam kết chằng néo lồng bè xong thì 15h30 sẽ vào bờ. Chúng tôi kiểm tra liên tục để đảm bảo không còn người ở trên các bè nuôi hải sản vào chiều nay" - ông Mỹ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận