Bà Clinton và ông Trump chuẩn bị bước vào cuộc tranh luận cuối cùng ngày 19-10 - Ảnh: Reuters |
Dù đang phải giải quyết vụ bê bối sàm sỡ phụ nữ, ứng viên Cộng hòa Donald Trump hôm 17-10 tiếp tục tấn công đối thủ.
Phát biểu với các cử tri ở Wisconsin, tỉ phú Mỹ cáo buộc truyền thông là một phần trong chiến dịch tranh cử của ứng viên Dân chủ Hillary Clinton và “đầu độc tư tưởng của các cử tri”.
Ông cũng nhấn nhá “những nhà tài trợ quốc tế kiểm soát mọi động thái của bà ấy... và lịch sử sẽ ghi lại rằng 2017 sẽ là năm nước Mỹ đánh mất sự độc lập”.
FBI, Bộ Ngoại giao thông đồng bảo vệ bà Clinton?
Tuy nhiên, đòn nặng nhất giáng vào chiến dịch của bà Clinton không phải là cáo buộc từ ông Trump mà là các tài liệu mới đây về nghi án thông đồng của các cơ quan như Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), Bộ Ngoại giao và tư pháp để che giấu các sai phạm của bà trong việc sử dụng email cá nhân.
Nhà tỉ phú Mỹ hôm 17-10 hùa theo gọi đây là “sai lầm lớn nhất của công lý” trong lịch sử Mỹ và chỉ trích chiến dịch tranh cử của bà Clinton là một tổ chức tội phạm, “tham nhũng theo bất cứ tiêu chuẩn nào”. “Đây là sự thông đồng nhằm khiến Hillary Clinton nhìn như một người vô tội dù bà ta phạm các tội động trời” - ông Trump cáo buộc.
FBI hôm 17-10 đã công bố gần 100 trang tài liệu liên quan đến cuộc điều tra kéo dài một năm qua trước khi quyết định không đưa ra cáo buộc hình sự đối với cựu ngoại trưởng Mỹ.
Theo Guardian, tài liệu cho thấy một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ là Thứ trưởng Patrick Kennedy đã gây sức ép buộc FBI loại bỏ hoặc hạ mức xếp loại một email mật trong tài khoản email cá nhân của bà Clinton.
Bức email đề cập thông tin về vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya năm 2012 xuất phát từ FBI, đồng nghĩa rằng cơ quan này có quyền xét nó là thông tin mật hoặc không.
Báo cáo cũng cho thấy các nhân viên Bộ Ngoại giao nhận 300 email của bà Clinton về vụ tấn công cũng bị gây sức ép “không dán nhãn mật bất cứ thứ gì”.
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định ông Kennedy không gây sức ép mà chỉ cố tìm hiểu quy trình phân loại thông tin mật và FBI cũng phủ nhận việc bắt tay dàn xếp trong cuộc điều tra.
Hồi đầu năm nay, giám đốc FBI James Comey dù chỉ trích bà Clinton đã “vô cùng bất cẩn” trong việc xử lý thông tin mật nhưng không có bằng chứng để cáo buộc. Bộ Tư pháp sau đó quyết định không đưa ra cáo buộc hình sự nào về vấn đề này.
Bà Clinton chuẩn bị lấn sân Đảng Cộng hòa
Cựu ngoại trưởng Mỹ hầu như không đưa ra phản pháo gì trước ngày tranh luận.
Bất chấp búa rìu dư luận, ứng viên của Đảng Dân chủ tiếp tục chiếm thế thượng phong trong các cuộc thăm dò dư luận mới nhất và chuẩn bị đẩy mạnh chiến dịch tranh cử tại các bang vốn là thế mạnh của Đảng Cộng hòa.
Kết quả thăm dò của Đại học Monmouth ngày 17-10 cho thấy bà Clinton nới rộng khoảng cách với tỉ phú Trump lên 12 điểm, giành được 50% sự ủng hộ so với 38% của đối thủ.
Tương tự trong khảo sát của CBS, cựu ngoại trưởng Mỹ chỉ dẫn trước với tỉ lệ 47-38%. Trong khi đó, theo khảo sát của Đại học Quinnipiac, bà Clinton cũng đang dẫn trước tại các bang còn lưỡng lự như Colorado, Florida, Pennsylvania và ngang bằng với ông Trump tại Ohio.
Kết quả của CNN còn cho thấy bà đang vượt lên ở Bắc Carolina và Nevada trong khi thăm dò của RealClearPolitic khẳng định bà Clinton dẫn trước ông Trump trung bình 6,4% tại nhiều bang quan trọng.
New York Times đưa tin chiến dịch của bà Clinton đang tự tin mở rộng hoạt động tranh cử tại các “bang đỏ” cứ địa của phe Cộng hòa như Arizona, Indiana và Missouri, những nơi mà phe Dân chủ chưa từng chiến thắng trong bao năm qua.
“Ông Trump có thể thắng tại tất cả các bang này và các thăm dò cho thấy ông vẫn dẫn trước ở Missouri và Indiana. Nhưng sự chuyển đổi trong chiến dịch của bà Clinton cho thấy mức độ dễ tổn thương của các thành viên Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội, thậm chí ở những bang đỏ."
Cuộc tranh luận cuối cùng
Nước Mỹ đang mong chờ cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng, dự kiến diễn ra tối 19-10 (sáng 20-10, giờ Việt Nam) tại Đại học Nevada ở thành phố Las Vegas. Wall Street Journal nhận định: “Logic cho thấy họ sẽ đi theo hai hướng khác nhau”. Theo tờ báo này, ứng viên Cộng hòa có thể tiếp tục nói những gì người ủng hộ muốn nghe, rằng chiến dịch của bà Clinton “lũng đoạn”, được truyền thông tiếp tay và bà sẽ đơn độc nếu đắc cử... Tỉ phú Mỹ cũng có thể cố tình gây hấn trong các chủ đề kinh tế, thương mại để giành phiếu của những cử tri chưa đăng ký bầu cử bởi hầu như những cử tri đổi ý vào thời điểm này thường là cử tri của bà Clinton. Trong khi đó bà Clinton với ưu thế dẫn trước sau cuộc tranh luận thứ hai được dự đoán sẽ chứng tỏ mình là một đối thủ cứng cựa về chính trị thay vì tập trung vào những công kích cá nhân như phát ngôn thô tục hay vấn đề thuế của ông Trump. “Nói tóm lại, bà ấy sẽ phải quyết định liệu có khai thác được câu nói “dù bị chơi xấu vẫn ngẩng cao đầu” mượn từ đệ nhất phu nhân hay không” - Wall Street Journal bình luận. |
WikiLeaks: ông Assange bị cắt Internet vì phát tán email của bà Clinton
WikiLeaks ngày 17-10 cáo buộc Chính phủ Ecuador đã cắt kết nối mạng Internet của nhà sáng lập trang mạng này là ông Julian Assange để phản ứng việc WikiLeaks phát tán hàng ngàn thư điện tử liên quan đến bà Hillary Clinton. “Chúng tôi có thể xác nhận rằng Ecuador đã cắt kết nối Internet của ông Assange hôm thứ bảy (15-10), lúc 17g GMT, ngay sau khi các bài phát biểu cho Goldman Sachs của bà Clinton được công bố” - WikiLeaks đăng tải trên Twitter. Chiến dịch của bà Clinton đã không tranh cãi về tính xác thực của các tài liệu bị rò rỉ trên. Phần lớn những thông tin này thuộc về phần dữ liệu WikiLeaks đã lấy cắp từ thư điện tử của chủ tịch chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Clinton là ông John Podesta. Ông Assange đang tị nạn chính trị bên trong Ðại sứ quán Ecuador tại London, Anh để tránh bị bắt và dẫn độ sang Thụy Ðiển vì các cáo buộc liên quan đến lạm dụng tình dục. Từ lâu chính phủ cánh tả của Tổng thống Ecuador Rafael Correa đã ủng hộ quyền tự do ngôn luận của ông Assange bất chấp những căng thẳng trong quan hệ với Mỹ vì WikiLeaks. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận