Giờ đã 19 tuổi, Charlie vẫn đang học cách định hướng thế giới bên ngoài, sau thời gian dài sống thu hẹp ở chiếc giường tầng dưới, trong căn hộ chật chội của gia đình anh ở Hong Kong. "Tôi cảm thấy rất chán nản, bối rối, giống như không biết mình muốn gì", chàng trai hikikomori nói.
Sự lan rộng của hikikomori trên toàn cầu
Những người tách mình ra khỏi xã hội, đôi khi trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, thường là thế hệ Z và thế hệ thiên niên kỷ, trong thời điểm tươi đẹp nhất của tuổi trẻ, theo CNN.
Hiện tượng này lần đầu tiên xuất hiện ở châu Á và đặc biệt được ghi chép rõ ràng ở Nhật Bản. Nhưng những câu chuyện tương tự đang xuất hiện ở các nơi khác trên thế giới, bao gồm Mỹ, Tây Ban Nha và Pháp.
Thế hệ Z: Những người sinh từ cuối thập niên 1990 tới đầu thập niên 2010.
Thế hệ thiên niên kỷ (millennials): Những người sinh từ năm 1981 đến 1996.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale (Mỹ) cho rằng sự phát triển của Internet và suy giảm tương tác trực tiếp có thể là nguyên nhân thúc đẩy sự lan rộng của hikikomori trên toàn cầu. Những người khác lý giải đại dịch COVID-19 có thể đã tạo ra nhiều người có xu hướng sống ẩn dật hơn nữa, vì hầu hết thế giới đều rút lui trong nhà để ngăn chặn sự lây lan của vi rút.
Trên khắp châu Á, các chính phủ và tổ chức hiện đang nỗ lực giúp đỡ hikikomori tái hòa nhập xã hội. Nhiệm vụ này ngày càng cấp bách hơn, khi nhiều quốc gia đang vật lộn với tình trạng dân số già đi, lực lượng lao động thu hẹp, tỉ lệ sinh giảm và người trẻ vỡ mộng.
Không rõ có bao nhiêu hikikomori trên toàn thế giới, nhưng ước tính có hơn 1,5 triệu người sống ở Hong Kong, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Sự rút lui của Charlie bắt đầu ở tuổi thiếu niên, sau khi anh tranh cãi với một giáo viên và tình cờ nghe được các bạn cùng lớp chỉ trích anh ở trường. "Tôi nhạy cảm với lời nói của mọi người. Tôi thực sự quan tâm đến những gì người khác nói về tôi và cách họ nhìn nhận tôi".
Lúc đầu, Charlie cho biết anh cố gắng đến trường một hoặc hai lần một tuần. Tuy nhiên, đến năm 2019, anh đã hoàn toàn nhốt mình trong phòng ngủ, và cứ thế ở đó trong bốn tháng.
Charlie nói anh không trả lời tin nhắn của bạn bè hay tâm sự với bất cứ ai, cảm giác như dù thế nào đi chăng nữa cũng không ai có thể hiểu được mình. Cha mẹ thỉnh thoảng giục Charlie ra ngoài hoặc đi học. Tuy nhiên, hầu hết thời gian, họ để anh ở một mình.
Nhưng ngay cả khi đó, vẫn có rất ít không gian để ẩn náu. Charlie cho biết lý do khiến anh rơi vào tình trạng cô lập không chỉ có một. Trường học cũng là một phần. Charlie cảm thấy bị áp lực với hệ thống giáo dục khắt khe của Hong Kong.
"Các giáo viên sẽ mắng mỏ và làm nhục những học sinh không tốt. Thậm chí, họ còn nói những câu như Nếu các em cư xử kém thế này, các em sẽ trở thành kẻ ăn xin. Lúc đó, tôi thực sự tin những gì họ nói", Charlie kể.
Nhiều nguyên nhân tạo ra hikikomori
Paul Wong, phó giáo sư tại Đại học Hong Kong, ước tính có tới 50.000 hikikomori sống ở đặc khu này, chủ yếu là học sinh cấp hai và cấp ba, mặc dù những đứa trẻ ở tuổi thanh thiếu niên cũng đã bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu này.
Theo ông, nhiều bậc cha mẹ ở Hong Kong quá tập trung vào kết quả học tập, đến mức con cái họ không làm "bất cứ điều gì ngoài việc học". Khi học sinh bắt đầu thu mình lại, phụ huynh có thể lên tiếng và sử dụng các chiến thuật khiến trẻ thấy tội lỗi, hoặc các hình thức trừng phạt khác. Điều này chỉ đẩy các em ra xa hơn.
Theo một cuộc khảo sát của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, vào năm 2022, 2,4% người Hàn Quốc từ 19 đến 34 tuổi sống ẩn dật. Con số đó chiếm khoảng 244.000 người trên khắp đất nước.
Hur Ji Won, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Hàn Quốc, cho biết nhiều người thuộc thế hệ millennials và gen Z có "mối quan tâm cầu toàn". Họ thường nhạy cảm với những lời chỉ trích, tự phê bình quá mức và sợ thất bại.
Khi những người có đặc điểm đó thử những điều mới và không đạt được kết quả đáp ứng tiêu chuẩn của họ, "họ rất chán nản và lo lắng", Hur phân tích. Còn theo Yoon Chul Kyung, giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu thanh thiếu niên ngoài trường học G'L, các gia đình với ngày càng ít thành viên cũng góp phần gây ra vấn đề này.
Yoon nói: "Trước đây, chúng tôi có gia đình đông con và nhiều anh chị em, nên có thể học được nhiều điều về cách kết nối. Khi môi trường sống thay đổi, kinh nghiệm hình thành các mối quan hệ cộng đồng ngày càng ít hơn so với trước đây".
Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu cho rằng hikikomori chỉ xảy ra ở Nhật Bản như một hiện tượng "gắn kết với văn hóa". Nhưng những câu chuyện trên toàn thế giới cho thấy tình trạng này không chỉ giới hạn ở châu Á.
Các chuyên gia cho biết có thể còn nhiều trường hợp hikikomori trên toàn thế giới bị chẩn đoán nhầm là trầm cảm hoặc lo âu. Trong khi nhiều hikikomori có thể phải vật lộn với những rối loạn này, thì việc rút lui khỏi xã hội là một hội chứng cụ thể, độc nhất, cần được điều trị đặc biệt.
Cách phản ứng của gia đình rất quan trọng
Theo Teppei Sekimizu - phó giáo sư xã hội học tại Đại học Meiji Gakuin, xu hướng này tại Nhật Bản phản ánh những vấn đề kinh tế rộng lớn hơn như chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, và mức lương trì trệ.
Một cuộc khảo sát gần đây của chính phủ cho thấy Nhật Bản có gần 1,5 triệu hikikomori. Không giống như những hikikomori tuổi teen ở Hong Kong, những hikikomori ẩn dật ở Nhật Bản có độ tuổi rộng hơn nhiều. Ông nói một số bậc cha mẹ già ở độ tuổi 80 được cho là phải hỗ trợ những "đứa trẻ" hikikomori ở độ tuổi 50.
Các khía cạnh của văn hóa Nhật Bản đã góp phần vào sự tự cô lập, chẳng hạn như niềm tin rằng một người nên "tự mình làm mọi việc" và không làm phiền người khác, và việc làm ô nhục gia đình là nỗi xấu hổ tột cùng.
Sekimizu cho biết cách gia đình của một người phản ứng với việc rút lui của họ là rất quan trọng. Nếu các thành viên trong gia đình hỗ trợ về mặt tinh thần, hikikomori có thể tái hòa nhập xã hội dễ dàng hơn.
Nhưng nếu gia đình đổ lỗi cho người đó vì đã ở nhà, hikikomori có thể sẽ cắt đứt các mối quan hệ, cảm giác như họ bị buộc phải tìm nơi để có thể ở một mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận