Bài hát NGÁO NGƠ - HIEUTHUHAI, Atus, Jsol, Erik cùng Orange bùng nổ trong Anh trai say hi
Hieuthuhai rất đẹp trai và anh biết điều đó rõ hơn ai hết.
Vì ông trời bắt Hieuthuhai trông phải cool
Lần đầu tiên xuất hiện, gây sốt ở King of Rap năm 2020 dù gu thời trang của anh chưa được định hình như bây giờ, trông anh cũng chưa ra dáng ngôi sao, Hieuthuhai đã rap: "Anh cua em thì dễ, không bao giờ có chuyện ngược lại".
Còn trong album đầu tay ra mắt vào năm ngoái mang tên Ai cũng phải bắt đầu từ đâu đó, Hieuthuhai có một track nhạc là Không phải gu, trong đó chẳng ngại nói về chuyện người ta hâm mộ anh trước hết không phải vì âm nhạc, mà là vì... nhan sắc:
"Comment [bình luận] toàn nói nhạc đẹp trai thì anh không cãi luôn, vì ông trời bắt anh trông phải cool [ngầu]".
Tất nhiên, không phải anh không khó chịu vì điều đó, ở một track khác, anh tỏ ra bực bội khi mình chưa được công nhận, khi âm nhạc của mình bị nhận xét là "không được art [nghệ thuật]": "Tụi nó nói tao nổi tiếng chỉ nhờ đẹp trai, trong khi đó là thứ tụi nó mong có".
Với một người làm nhạc, đẹp đôi khi là một bất lợi. Như ở thị trường Hoa ngữ, thời Vương Lực Hoành mới xuất hiện, chỉ vì anh đẹp trai quá mà người ta ban đầu xếp anh như ca sĩ thần tượng, dù anh vừa hát hay, lại sáng tác xuất sắc, chơi thành thạo cả chục nhạc cụ.
Còn trong giới âm nhạc Âu - Mỹ, Harry Styles thời còn thuộc nhóm One Direction từng bị giới phê bình ngờ vực liệu anh chàng này có tài cán gì không, hay tốt nhất nên đi làm biểu tượng thời trang là đủ rồi.
Từ một ưu điểm, đẹp trở thành một "kiếp nạn" mà những nghệ sĩ như vậy phải vượt qua để khẳng định sự nghiêm túc với âm nhạc.
Chỉ nhạc đẹp trai thì cũng có sao đâu?
Vậy ngoài sự đẹp trai và những ca khúc và bản rap tán tỉnh chỉ có thể được trình diễn bởi một anh chàng đẹp trai, Hieuthuhai có gì?
Cũng trong album đầu tay của anh, có một bản rap không quá được chú ý nhưng khá khác biệt so với những bản rap khác của anh: Đi họp lớp.
Không rap về chính mình hay chỉ chăm chăm xả những ấm ức của bản thân nữa, Đi họp lớp là một bản rap kể về đời sống một nhân viên văn phòng đang ở trọ tại một thành phố lớn, có những chấn thương tâm lý từ thời tuổi thơ, và luôn lấy cớ bận làm việc để né những cuộc họp lớp nơi bạn học cũ tới khoe giàu.
Một bản rap đâu đấy khiến ta nhớ đến thời kỳ thăng hoa nhất trong sự nghiệp âm nhạc của Đen Vâu. Hieuthuhai có đủ sức cho những bản rap có tính xã hội về đời sống đô thị như thế.
Dẫu vậy, ngay cả khi chỉ nói về tình yêu thì điều đó cũng không có nghĩa âm nhạc của Hieuthuhai nông cạn. Đúng là đôi khi anh có những phần lời khá sến súa.
Nhưng hình ảnh những cuộc hẹn hò cùng những mối quan hệ hiện đại, sự mong manh cùng những chằng chéo trong thời đại yêu qua mạng xã hội thường được diễn tả chính xác mà hài hước trong các tác phẩm của anh.
Nào là những cặp đôi đã chia tay vẫn chung một tài khoản trên ứng dụng mua sắm trực tuyến.
Nào là tính năng tìm kiếm trong ô tin nhắn của Messenger giúp nhân vật nam đếm được số lần mình nói "anh yêu em" cùng bạn gái cũ.
Hay việc ngấm ngầm đánh giá nhau qua những nội dung sống ảo của đối phương...
Công nghệ và mạng xã hội mang đến những cách yêu đương kiểu mới và những phương thức đo đếm chưa từng có cho sự lãng mạn. Và chớ coi những điều này là vớ vẩn.
Cũng chính nhờ nhìn sâu vào những chủ đề tưởng vớ vẩn như thế mà văn chương Ireland hiện đại có một ngôi sao sáng, được cả đại chúng lẫn giới phê bình tán dương, là Sally Rooney.
Thời đại nào thì chúng ta cũng cần những nhà sáng tạo yêu thích và có khả năng mô tả hành vi, lối sống những người cùng thế hệ với mình.
Hieuthuhai đang bắt đầu làm được điều đó. Mà ngay cả nếu như sau đây, người ta thấy anh lại tiếp tục hát "nhạc đẹp trai" và chỉ hát "nhạc đẹp trai", thì cũng có sao đâu? Thời nào ta không cần những ngôi sao thần tượng?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận