30/11/2023 14:09 GMT+7

Hiểu về tài chính cá nhân, người dân sẽ tránh xa tín dụng đen

Tín dụng cá nhân nên được giảng dạy cho học sinh để tạo ra thế hệ hiểu biết về tài chính, tiết kiệm và đầu tư. Cùng đó là ban hành khung pháp lý đủ mạnh để bảo vệ cả người cho vay và đi vay.

Đó là những ý kiến được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?" do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 30-11.

Chưa bao giờ doanh nghiệp cho vay khó như hiện nay

Với 17 năm làm việc trong ngành tài chính - ngân hàng, bà Olena Khlon - phó tổng giám đốc thường trực SHB Finance - nhận định: "Năm nay là một trong những năm khó nhất, chúng tôi đang đối mặt nhiều khó khăn, phải tìm ra giải pháp để duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả và có trách nhiệm".

Bà Olena Khlon - phó tổng giám đốc thường trực SHB Finance - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bà Olena Khlon - phó tổng giám đốc thường trực SHB Finance - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bà Olena Khlon cho rằng có 3 giải pháp chính để thúc đẩy doanh nghiệp cũng như ngành ngân hàng - tài chính Việt Nam phát triển một cách bền vững, bao gồm: truyền thông, giáo dục và sự hỗ trợ từ pháp luật.

Đầu tiên, chúng ta cần giáo dục cho học sinh ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường về cách quản lý tài chính hiệu quả và tốt nhất. Việc giáo dục này cần kéo đến bậc đại học và đi làm. Bản thân công ty cũng áp dụng quy trình giáo dục cho khách hàng, về cách quản lý khoản vay và tính toán lãi suất.

Tiếp đến, về mặt truyền thông, hội thảo hôm nay cũng là một phương tiện hiệu quả, không chỉ đưa ra các giải pháp xóa nạn tín dụng đen, mà còn hỗ trợ cho công ty tài chính chính thống. Phía SHB Finance đề xuất cho phép công ty tài chính mở các phòng giao dịch, từ đó có cơ hội truyền thông cho khách hàng các thông tin một cách đầy đủ và minh bạch nhất có thể.

Liên quan đến khía cạnh hỗ trợ về mặt pháp luật, bà Olena Khlon cho rằng cần có chế tài xử phạt phù hợp về dân sự và hình sự, đối với cả bên cho vay sai phạm và khách hàng bùng nợ.

Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn có thể tiếp cận thông tin về bảo hiểm xã hội, căn cước công dân của khách hàng, để phân biệt được độ tin cậy và ra quyết định cho vay phù hợp.

Song song đó, cần có sự hợp tác giữa công ty tài chính với nhau, với cơ quan chức năng, bằng cách chia sẻ các trường hợp tín dụng đen cũng như giải pháp.

Thông tin càng minh bạch, lãi suất cho vay càng giảm

Chuyên gia của SHB Finance cũng nhận định trong tương lai, thị trường Việt Nam có thể áp dụng mức lãi suất cho vay tiêu dùng tối đa 20%/năm như Nhật Bản, khi đã ứng dụng thành công các giải pháp trên, nâng cao hoạt động trả nợ của khách hàng, cũng như giảm tín dụng đen.

"Năm nay chúng tôi có áp dụng chương trình định giá trên khách hàng. Khách hàng cung cấp nhiều thông tin chính xác, thiết thực sẽ nhận được mức lãi suất càng thấp. Nếu chúng ta càng áp dụng thành công giải pháp tôi và các chuyên gia khác đưa ra trong hội thảo hôm nay, thì lãi suất sẽ càng thấp", bà Olena Khlon chia sẻ.

TS Trương Thị Tuyết Minh, Trường đại học Luật TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

TS Trương Thị Tuyết Minh, Trường đại học Luật TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo TS Trương Thị Tuyết Minh, Trường đại học Luật TP.HCM, hoạt động tín dụng đen diễn biến phức tạp hơn khi xuất hiện vai trò của người đi vay bùng nợ với hàng chục nghìn thành viên. Bên cho vay với chiêu thức tinh vi, núp bóng trá hình để cung cấp tín dụng cho người vay khi có nhu cầu.

Theo Ngân hàng Thế giới, có đến 70% người dân Việt Nam chưa được tiếp cận tín dụng chính thức, cho thấy nhu cầu tín dụng của người dân là rất lớn. Với thực tế bùng nợ vay tiêu dùng hiện nay, chính sách cần đảm bảo sự cạnh tranh, sân chơi bình đẳng giữa tổ chức chính thức và chưa chính thức. Hoa Kỳ, Đức quy định cấp giấy phép cho các công ty fintech với điều kiện, vốn chủ sở hữu, cổ đông… như ngân hàng. Đây là giải pháp quan trọng.

Liên quan đến mối quan hệ giữa bên đi vay và cho vay, hiện có nhiều quy định về vấn đề này. Nhưng quy định bảo vệ bên đi vay chưa có, chỉ có lãi suất cho vay tối đa 20%/năm. Bên cạnh đó mức xử phạt 2-5 triệu quá thấp, không đủ răn đe nên người vay sẵn sàng vi phạm. Theo xếp hạng, Việt Nam bảo vệ người cho vay còn thấp.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Để góp phần xóa sổ hoạt động tín dụng đen, ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho rằng trước tiên các ngân hàng cần phải phát triển tốt nhất hoạt động ngành ngân hàng, nhất là cho vay, và đặc biệt tập trung hỗ trợ người yếu thế.

"Chúng tôi hiện có gói cho vay 20.000 tỉ cho người yếu thế, nhất là công nhân với lãi suất không quá 17%. Đối với hình thức cho vay tiêu dùng, nhiều sản phẩm còn có lãi suất chỉ 0%...", ông Lệnh thông tin.

Bên cạnh đó, ông Lệnh cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ làm tốt công tác truyền thông, nhất là truyền thông cho người dân hiểu rõ hậu quả của tín dụng đen, để họ nắm vững và không bị áp lực đến phải vay tín dụng đen.

Quan tâm đến người yếu thế

Thiếu tướng Trần Thanh Phong (đứng), phó cục trưởng Cục truyền thông, Bộ Công an phát biểu tại hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thiếu tướng Trần Thanh Phong (đứng) - phó cục trưởng Cục Truyền thông, Bộ Công an - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thiếu tướng Trần Thanh Phong - phó cục trưởng Cục Truyền thông, Bộ Công an - cho rằng cần có sự chung tay của nhiều cấp, ngành để xóa sổ tệ nạn tín dụng đen. Trong đó, truyền thông là phương pháp hiệu quả và lâu dài nhất, bền vững nhất.

Việc truyền thông không chỉ về chính sách mà còn là hậu quả của hoạt động tín dụng đen đối với người dân, xã hội, cũng như nhiều hệ lụy khác, như bắt giữ người trái phép. "Đặc biệt nên truyền thông sâu đến những người yếu thế - đối tượng dễ bị dính vào hoạt động tín dụng đen", ông Phong nhấn mạnh.

Chẳng hạn chính sách cho những người mãn hạn tù vay tài chính để làm ăn. Hay chính sách hỗ trợ cho công nhân trong các trường hợp rủi ro, bệnh tật, trường hợp khẩn cấp… để họ không phải vay tín dụng đen.

Về phía các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ông Phong cho rằng các chính sách tín dụng và gói sản phẩm cũng cần linh hoạt hơn và quan tâm nhiều hơn đến các đối tượng yếu thế. Việc hỗ trợ cho các đối tượng này sẽ góp phần lớn thu hẹp "đất" của hoạt động tín dụng đen.

"Mong báo chí, các cơ quan chức năng, người dân đẩy mạnh cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động tín dụng đen cho các đơn vị công an, giúp chúng tôi nhanh chóng và dễ dàng điều tra, xử lý vấn nạn này", ông Phong chia sẻ.

Đề xuất nâng cao chế tài xử lý tín dụng đenĐề xuất nâng cao chế tài xử lý tín dụng đen

Tín dụng đen để lại nhiều hậu quả cho người vay và xã hội nhưng khung pháp lý xử lý các hành vi này chưa đủ sức răn đe. Hậu quả là người vay rủi ro trong khi công ty cho vay tiêu dùng hợp pháp cũng gặp khó trong kinh doanh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp