Lương thấp, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Diệu - Trường THCS Ngô Mây, phải làm thêm bằng cách ươm cây giống đem bán cho những nông dân lân cận - Ảnh: TRUNG TÂN
Liên quan đến vụ hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây bị tố "ăn chặn lương giáo viên, lãnh đạo kho bạc huyện Krông Pắk, Đắk Lắk khẳng định vẫn chuyển tiền lương đầy đủ cho các giáo viên hợp đồng, việc trường tự ý cắt xén lương giáo viên là sai.
Chiều 15-3, ông Cao Văn Tư - giám đốc Kho bạc huyện Krông Pắk, cho biết đầu năm 2017, Trường THCS Ngô Mây được phòng Nội vụ phê duyệt danh sách được trả lương 61 người, trong đó có 22 giáo viên, nhân viên hợp đồng mức lương từ trên 3,2 triệu đồng đến hơn 5 triệu đồng/tháng.
"Kho bạc chỉ duyệt trả lương cho những lao động đã được lập danh sách và phòng nội vụ huyện phê duyệt. Số giáo viên, lao động ngoài danh sách này sẽ không được chi trả", ông Tư nói.
Theo ông Tư, về nguyên tắc đầu mỗi năm nhà trường phải lập danh sách người nhận lương và được phòng Nội vụ phê duyệt. Dựa vào danh sách này, kho bạc sẽ chi tổng số tiền sang bên các đơn vị chi lương (ngân hàng) để chuyển vào số tài khoản của giáo viên, nhân viên hợp đồng.
Sau khi nghe thông tin giáo viên Trường THCS Ngô Mây khiếu nại về chênh lệch lương, ông Tư đã gọi điện cho ông Nguyễn Viết Bình - kế toán nhà trường, để hỏi.
Ông Bình cho hay ông làm theo chỉ đạo của ông Huỳnh Bê là rút toàn bộ tiền của các giáo viên hợp đồng có quyết định của huyện về rồi chia đều cho các giáo viên hợp đồng do hiệu trưởng tự tuyển.
"Đúng ra tiền lương của giáo viên nào sẽ được ngân hàng chuyển vào số tài khoản của người đó, nhà trường không được rút thay. Việc làm này là không đúng nguyên tắc tài chính. Ngoài ra việc lấy tiền lương của giáo viên trong danh sách được phê duyệt để làm mục đích khác đều là vi phạm pháp luật", ông Tư khẳng định.
Cũng theo ông Tư, đến nay chỉ có giáo viên Trường Ngô Mây khiếu nại về chênh lệch lương, 97 đơn vị giáo dục khác với hàng ngàn lao động chưa có khiếu nại, thắc mắc.
Ngoài vụ cắt xén lương giáo viên, ông Huỳnh Bê cũng bị tố cáo đã nhận 300 triệu đồng để 'chạy việc' vào Trường cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk.
"Quá trình điều tra, ông Bê thừa nhận việc nhận tiền chạy việc nhưng bất thành và hiện chưa có tiền trả lại", thượng tá Nguyễn Văn Dân, phó trưởng Công an huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), cho biết.
"Dấu hiệu hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Bê đã rõ, tuy nhiên giữa các cơ quan tố tụng còn có sự khác nhau nên cần điều tra thêm", ông Dân nói, và thêm rằng đã xin ý kiến lãnh đạo Công an tỉnh để xử lý vụ việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận