Bữa ăn trưa của học sinh Trường tiểu học Kỳ Đồng, quận 3 – một trong những trường có bếp ăn bán trú ở TP.HCM. Ảnh: H.HG
Đó là một trong những nội dung của văn bản triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" của Sở GD-ĐT TP.HCM vừa mới ban hành.
Theo đó, các trường cần hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên chế biến thực phẩm tại các căng tin, bếp ăn tập thể trường học thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, ăn uống, sử dụng phụ gia thực phẩm an toàn, nhận biết, sử dụng thực phẩm, thức ăn đảm bảo an toàn.
Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm xuất xứ không rõ ràng, thực phẩm bị hư để chế biến thức ăn trong trường học.
Ngoài ra, còn tăng cường công tác kiểm tra đối với căng tin, bếp ăn tập thể trường học, nghiêm túc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm…
Song song đó, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng có văn bản gởi chủ tịch UBND và trưởng Phòng GD-ĐT các quận, huyện đề nghị đẩy mạnh công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.
Trong văn bản này, Sở GD-ĐT cũng khẳng định: hiệu trưởng đơn vị là người chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc kiểm tra, rà soát tất cả các hoạt động liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà trường.
Tất cả các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc việc lấy nguồn thực phẩm được cung cấp từ các cơ sở nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã được công nhận của thành phố.
Nói về chủ đề này, ông Nguyễn Văn Gia Thụy, phó trưởng Phòng HS-SV Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định: "Thực tế cho thấy hầu hết các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra là do hiệu trưởng nhà trường lơ là trong công tác kiểm tra, giám sát căng-tin, bếp ăn trường học, các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận